Bữa cơm ngày mưa

Mùa thu thường về theo những ngày mưa bão, những cơn mưa dai dẳng cùng bầu trời xám xịt khiến ai cũng lười ra khỏi nhà để chợ búa hay đi làm. Đám trẻ con tự thấy mình sướng nhất vì mặc bố mẹ lướt thướt áo mưa đi làm từ sáng sớm, mấy chị em vẫn tranh thủ rúc sâu vào chăn để ngủ nướng. Đến lúc nào bà ngoại chịu không nổi sẽ vào đánh thức đám cháu đang trốn sâu trong chăn ra thì cả đám mới chịu dậy.

Bữa ăn sáng vội vàng của những ngày mưa xưa ấy thường là nồi khoai sắn, củ dong hoặc bắp luộc, bà đã nấu xong từ sớm, vần nồi ra sau bếp ủ vào tro ấm để nấu nước nên có ngủ nướng lâu đến mấy thì những nồi khoai củ vẫn nghi ngút khói, cầm muốn bỏng tay, đám trẻ cứ phải chuyền qua chuyền lại, miệng thì xuýt xoa thổi, tay vẫn lựa lựa để bóc vỏ cho nhanh.

Nhìn ra trời, mưa cứ rả rích, tiết trời này khiến cho bà muốn đi ra ngoài cũng phải bỏ dép ra, xắn quần lên cao, choàng tấm áo mưa lên vai, cột lại trước cổ, rồi rướn người với lên đầu tủ lấy cái nón lá thâm sì vì đi mưa ra để đội lên đầu rồi quay lại nhắc đám trẻ nhớ đợi nước sôi để rót vào ấm chè xanh cho bố. Đám cháu dạ vâng, rồi xúm lại nhìn bà đi ra vườn. Bà làm nhanh lắm, chỉ một loáng là đã đem vào một nắm rau tập tàng, một ôm rau khoai để nấu cám cho đàn lợn.

Chị Hai sẽ phụ bà nhặt lại rau tập tàng, vì bà vơ vội nên còn rất nhiều cọng già, rồi quay sang mớ rau khoai. Chị nhặt bớt đi mớ lá bánh tẻ và ngọn non, phần này sẽ dành để luộc sơ rồi xào tỏi, còn lại để ra cho bà băm rau lợn. Anh Ba chỉ đợi bà đi vào cởi áo ra là vội lấy áo nón để tót ra vườn làm một vòng, đấy là anh đi tìm nấm mối hoặc tìm trứng gà đẻ rơi. Mắt anh tinh, rất hay tìm được nấm và nhặt được trứng gà. Trứng gà mà phải ngày mưa thì mẹ sẽ không bắt để dành đợi ấp mà để hấp cơm làm mắm trứng cho cả nhà ăn, vì như một quy tắc ngầm của những ngày mưa xưa ấy, mẹ và bố sẽ chẳng đi chợ nữa mà bà cháu tự túc làm cơm bằng các đồ có sẵn. Gạo thì trong thạp, những ngày trước khi nghe tin bão hoặc áp thấp sợ mưa dai, mẹ đã mua về cả ký cá khô, cất chung trong thạp gạo để hôm nào không đi chợ thì có thức ăn mặn cho gọn.

Bữa cơm ngày mưa dọn ra rất bắt mắt với một đĩa rau khoai xanh non xào tỏi thơm nức mũi, đĩa cá khô rim mặn cho thêm tí ớt đỏ vào để hít hà và để hãm bớt cái sức ăn vã của lũ trẻ háu đói, nồi canh tập tàng thơm ngọt với vài chiếc mũ nấm, hôm nào anh Ba tìm được một ổ lớn nấm thì cả nhà sẽ còn thêm một món nấm xào, không thì nấu canh suông cũng được. Nồi cơm của những ngày xưa mở ra chưa thấy màu trắng của gạo mà thấy lổn nhổn những củ khoai, củ sắn ăn kèm, mẹ ngồi đầu nồi nhanh tay xới hai bát cơm đầu đầy củ ra cho bố mẹ, rồi đến phần cơm thịt dành cho bà và mấy đứa con. Trứng gà tìm được thường được mẹ để sang bát cho bà, bà thể nào cũng lén để lại nửa cái chia cho đám cháu nhỏ, những đùn đẩy, nhường nhịn nhau cùng với hơi thơm ngào ngạt của mâm cơm nghèo xua tan đi hơi lạnh đang kéo vào nhà theo cơn mưa rả rích.

Những ngày mưa xưa ấy trôi qua đã bao lâu, bà đã chẳng còn để đánh thức đám cháu bằng những bữa ăn ấm áp. Nhưng bởi đó là ký ức, từ trong sâu thẳm rồi biến thành một phần của hiện tại, nên chỉ cần nghe mưa, chỉ cần nhìn ngoài trời xám xịt những bữa cơm rau ấm áp quây quần của tuổi thơ sẽ tìm về…

KIM SƠN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/321698/bua-com-ngay-mua.html