Bức ảnh lưng trần phụ nữ đắt nhất lịch sử

Tác phẩm 'Le Violon d'Ingres' của Man Ray được bán với giá 12,4 triệu USD, trở thành bức ảnh đắt nhất trong lịch sử đấu giá.

Nhân dịp chào đón năm mới 2023, The Value cùng độc giả nhìn lại một năm thành công lớn của ngành công nghiệp đấu giá tác phẩm nghệ thuật sau thời gian dài tạm lắng vì đại dịch, với nhiều kỷ lục được xác lập trong năm 2022. Trong đó, kỷ lục “bức ảnh đắt nhất trong lịch sử đấu giá” thuộc về Le Violon d'Ingres (Cây vĩ cầm của Ingres) của Man Ray.

Bức ảnh đắt nhất lịch sử. Le Violon d'Ingres. Ảnh: Wikipedia.

Bức ảnh đắt nhất lịch sử. Le Violon d'Ingres. Ảnh: Wikipedia.

Tháng 5, Le Violon d'Ingres - một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của chủ nghĩa siêu thực được bán đấu giá tại Christie's New York (Mỹ). Dù bị sao chép nhiều lần, bức ảnh được xác định là bản chụp gốc. Điều này khiến nó trở thành tác phẩm nghệ thuật quý hiếm và có giá trị thấp nhất là 5 triệu USD - mức giá đắt nhất trong lịch sử ngành nhiếp ảnh.

Cuối cùng, Le Violon d'Ingres được bán với giá 12,4 triệu USD sau khi trừ các khoản phí, cao gấp 3 lần so với kỷ lục đấu giá trước đó - do bức Rhine II của nhiếp ảnh gia người Đức Andreas Gursky thiết lập với giá 4,3 triệu USD tại Christie's New York vào năm 2011.

Le Violon d'Ingres được chụp năm 1924, với sự góp mặt của nàng thơ kiêm người tình sau này của Man Ray - Alice Prin. Nữ người mẫu có biệt danh là Nữ hoàng của Montparnasse hay Kiki de Montparnasse (khu dân cư của Paris, Pháp). Trong suốt những năm 1920, cô là nguồn cảm hứng của nhiều nam nghệ sĩ tiên phong hàng đầu, bao gồm nghệ sĩ Nhật Bản Tsuguharu Foujita, người đã tạo ra bức tranh Reclining Nude (Chân dung khỏa thân của Kiki) nổi tiếng cho cô.

Trong tác phẩm này, Ray sử dụng kết hợp các kỹ thuật: Rayograph (không cần sử dụng máy ảnh mà đặt các đồ vật hàng ngày lên một loại giấy nhạy sáng trong quá trình phơi sáng để ghi lại hình ảnh của chúng), vẽ tay, phơi sáng nhiều lần và chụp lại các bản in và âm bản. Mục đích là thêm các lỗ thoát âm hình chữ f của đàn vĩ cầm lên lưng trần Alice để liên tưởng đường cong “đồng hồ cát” của cô thành hình dạng thân đàn.

Bức ảnh được lấy cảm hứng từ một bức tranh nổi tiếng của họa sĩ tân cổ điển người Pháp Jean-Auguste-Dominique Ingres, Baigneuse de Valpinçon. Cụ thể hơn, Alice ngồi tư thế giống như người mẫu của Ingres trong tranh.

Không chỉ chụp ảnh siêu thực, tác giả còn chơi chữ khi đặt tên cho nó. Cụm từ "Violon d'Ingres" xuất phát từ một thành ngữ tiếng Pháp, có nghĩa là sở thích, ám chỉ mong muốn của Ingres được công nhận là nghệ sĩ vĩ cầm bên cạnh vài trò họa sĩ, đúng với sở thích đam mê của ông. Bên cạnh đó, có thể Ray cũng muốn bày tỏ sự yêu thích đối với nàng thơ của mình.

Ray sau đó đã tạo ra một số bản sao cho bức ảnh. Chúng hiện đang nằm trong bộ sưu tập của các tổ chức nghệ thuật danh tiếng, cụ thể là Trung tâm Pompidou ở Paris và Bảo tàng J. Paul Getty ở Los Angeles. Bản gốc vẫn được Ray giữ cho đến khi thuộc sở hữu của vợ chồng doanh nhân Mỹ Rosalind Gersten và Melvin Jacobs năm 1962. Khi hai vợ chồng lần lượt qua đời vào năm 1993 và 2019, con gái của họ đã bán Le Violon d'Ingres cùng một phần bộ sưu tập nghệ thuật được thừa kế cho Christie's.

Nhiếp ảnh gia Man Ray. Ảnh: Moma.

Nhiếp ảnh gia Man Ray. Ảnh: Moma.

Man Ray, tên thật là Emmanuel Radnitzky, sinh năm 1890 tại Mỹ, nhưng dành phần lớn thời gian sống tại Paris, Pháp, cho đến khi qua đời năm 1976. Man Ray là đại diện nổi bật của nhiếp ảnh tiên phong trong thế kỷ 20 và là người đóng góp đáng kể cho trường phái Dada và Chủ nghĩa siêu thực. Ông cho ra đời rất nhiều tác phẩm cho đủ các dạng truyền thông và tự coi mình là một họa sĩ. Ông cũng được biết đến là nhiếp ảnh gia chân dung và thời trang có tiếng. Năm 1999, tạp chí ARTnews bình chọn ông là một trong 25 nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

Tú Oanh

Theo The Value

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/buc-anh-lung-tran-phu-nu-dat-nhat-lich-su-post1500250.tpo