Bức thư ấm lòng thầy thuốc trên tuyến đầu đầy cam go

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân trong khu cách ly y tế điều trị COVID-19. Ảnh: YÊN LAN

“Chúng tôi - những người bệnh và người nhà của bệnh nhân chỉ biết đôi mắt trìu mến và giọng nói hiền dịu của người cứu mình, động viên, chăm sóc tận tụy cho bệnh nhân, người nhà của mình là lòng dâng trào lên niềm thương yêu, trân quý vô hạn… Bệnh nhân nhiều, có nhiều ca rất nặng, tình trạng bệnh lúc tốt lúc xấu thất thường nên những “thiên thần” luôn chú trọng tất cả mọi người, không đặt nặng hay xem nhẹ một bệnh nhân nào cả. Ở nơi sự sống và cái chết cận kề không có chỗ cho vụ lợi hay phân biệt giàu nghèo, sang hèn…”. Đó là một đoạn trong lá thư của một người bệnh, về các “thiên thần áo trắng” làm việc trong khu cách ly y tế điều trị COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Lá thư làm cho những người thầy thuốc đang chiến đấu với COVID-19 cảm thấy ấm lòng và có thêm động lực.

1. Chiều cuối năm 2021, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một “chiến sĩ áo trắng” ôm, động viên bệnh nhân cao tuổi. Ảnh chụp qua camera, không sắc nét, nhưng đó là hình ảnh rất đẹp về tình người, tại một nơi đặc biệt: khu cách ly y tế điều trị COVID-19.

Tìm hiểu thì được biết người bệnh trong ảnh sinh năm 1937, ở TP Tuy Hòa, có bệnh nền tăng huyết áp, nhiễm SARS-CoV-2 dẫn đến viêm phổi nặng, được chuyển đến khu cách ly y tế điều trị COVID-19 (khu dương tính) Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Tại đây, bệnh nhân được điều trị, chăm sóc chu đáo, đã ổn định, ra viện. Trong một lần chăm sóc bệnh nhân, thấy bà ấy khóc vì cảm giác cô đơn, điều dưỡng đã ôm và động viên bà. Hình ảnh đó được camera ghi lại.

Sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, bức ảnh nhận được nhiều bình luận tích cực. Nhiều người bày tỏ sự cảm phục, trân trọng các “chiến sĩ áo trắng” tận tâm, biết cảm thông, chia sẻ với bệnh nhân. Tôi đã nhờ bác sĩ kết nối để trò chuyện với điều dưỡng - nhân vật trong bức ảnh nhưng nhận được lời từ chối nhẹ nhàng. Nhân vật trong ảnh và đồng nghiệp nói rằng chăm sóc, động viên bệnh nhân COVID-19 là công việc thường ngày của họ.

Một phần của lá thư mộc mạc, ấm áp tình cảm, dài 3 trang giấy của một bệnh nhân COVID-19. Ảnh: BVĐKPY

Một phần của lá thư mộc mạc, ấm áp tình cảm, dài 3 trang giấy của một bệnh nhân COVID-19. Ảnh: BVĐKPY

2. Sáng mùng 4 tết, tôi vào khu dương tính. Thời điểm đó, nơi này có 14 ca bệnh, trong đó có một ca thở máy xâm lấn. Bác sĩ Lương Kim Vi và bác sĩ Đặng Bá Luân trực cùng 5 điều dưỡng, 2 hộ lý. Bác sĩ Vi cho biết, bác sĩ trực 24 tiếng đồng hồ, còn điều dưỡng trực 12 tiếng. Trong 12 tiếng đó, điều dưỡng rất vất vả. Họ phải luân phiên có mặt trong khu vực điều trị để chăm sóc bệnh nhân. Không chỉ có ca thở máy xâm lấn, một số bệnh nhân thở máy không xâm lấn, thở oxy dòng cao HFNC và các bệnh nhân thở oxy qua mặt nạ đều cần được theo dõi kỹ. “Một số bệnh nhân có người nhà thì còn đỡ, những trường hợp không có người nhà, điều dưỡng chăm sóc từ thuốc men đến cho ăn, cho uống…”, bác sĩ Vi nói.

Khu dương tính là đơn vị điều trị tầng 3 trong mô hình tháp điều trị 3 tầng của Bộ Y tế, nơi tiếp nhận, điều trị các ca COVID-19 nặng, nguy kịch. Theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, khác với những bệnh nhiễm trùng thông thường, COVID-19 làm rối loạn nhiều cơ quan trong cơ thể nên bệnh diễn tiến rất nhanh, từ viêm phổi đến hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, rối loạn đông máu, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, tổn thương thận, tổn thương cơ tim… và dẫn đến tử vong. Vì vậy, bệnh nhân phải được chăm sóc, theo dõi 24/24.

Trang phục phòng hộ bí hơi, nóng bức làm nhân viên y tế bị mất nước, mất sức. Điều dưỡng nào khỏe thì mới trụ được 3 tiếng đồng hồ. Theo dõi, chăm sóc bệnh nhân xong, ra khỏi buồng bệnh, tháo trang phục phòng hộ ra là phải tắm gội ngay để tránh nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. “Người đang mệt nhưng hễ rời khỏi các buồng bệnh là phải tắm ngay để đảm bảo không bị lây nhiễm, thành ra rất mệt”, một nữ điều dưỡng chia sẻ.

Dù công việc vất vả, áp lực nhưng các “chiến sĩ áo trắng” vẫn tận tụy, hết lòng vì người bệnh. Chồng của một bệnh nhân đến từ TX Đông Hòa cho biết: “Vợ tôi điều trị ở đây đã 9 ngày. Y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân rất tận tình. Đêm hôm, mấy chị vẫn vô thăm bệnh nhân, kiểm tra tim mạch, nhiệt tình lắm”. Con của một bệnh nhân khác, đến từ TX Sông Cầu, điều trị ở khu dương tính đã 7 ngày, cũng khen: “Nhân viên y tế rất nhiệt tình. Sức khỏe của ba tôi đã được cải thiện hơn trước”.

Với các “chiến sĩ áo trắng” ở đây, sự hồi phục của người bệnh chính là niềm vui, là động lực để họ vượt qua vất vả, áp lực, hoàn thành sứ mệnh của nghề.

3. Sau Tết Nguyên đán, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng vọt; số ca bệnh nặng, nguy kịch cũng tăng theo; công việc của các “chiến sĩ áo trắng” ở khu dương tính càng thêm vất vả. Tính đến ngày 27/2, nơi này hiện có 78 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 14 ca viêm phổi nặng và nguy kịch, 5 ca đang thở máy xâm lấn, 2 ca thở máy không xâm lấn, 7 ca thở oxy dòng cao HFNC, 1 ca lọc máu. Theo Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Châu Khắc Toàn, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, phụ trách chuyên môn khu cách ly y tế điều trị COVID-19, khó khăn nhất hiện nay là thiếu nhân lực. Bệnh viện đang thực hiện song song 2 nhiệm vụ: khám chữa bệnh đa khoa và điều trị bệnh nhân COVID-19. Nhân lực - đặc biệt là nhân lực chuyên ngành Hồi sức tích cực - vốn đã thiếu, nay càng thêm khó; monitor, bơm tiêm điện cũng thiếu…

Đối mặt với nhiều thử thách song những thầy thuốc nơi đây đã thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”. Trước thềm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), một người bệnh ở khu dương tính đã viết lá thư dài 3 trang giấy, với những lời chân thành: “Chúng tôi - những người bệnh và người nhà của bệnh nhân chỉ biết đôi mắt trìu mến và giọng nói hiền dịu của người cứu mình, động viên, chăm sóc tận tụy cho bệnh nhân, người nhà của mình là lòng dâng trào lên niềm thương yêu, trân quý vô hạn. “Thiên thần” của chúng tôi làm việc cật lực, bền bỉ, chịu đựng áp lực trong bộ đồ trắng, xanh bao kín như phi hành gia vũ trụ. Đang khám ở phòng này biết có ca trở nặng ở phòng khác phải chạy ngay đi cấp cứu nhưng vẫn không quên trở lại, tiếp tục khám. Bệnh nhân nhiều, có nhiều ca nặng, tình trạng bệnh lúc tốt lúc xấu thất thường nên những “thiên thần” luôn chú trọng tất cả mọi người, không đặt nặng hay xem nhẹ một bện nhân nào cả… Ở nơi sự sống và cái chết cận kề không có chỗ cho vụ lợi hay phân biệt giàu nghèo, sang hèn. “Thiên thần” nói rằng người bệnh đã sợ hãi và đau khổ nhiều lắm, ở đây chỉ có yêu thương, tận tụy, vận dụng trí tuệ hết mình… Nửa đêm “thiên thần” nhẹ nhàng vào phòng kiểm tra sức khỏe bệnh nhân để cho người nuôi bệnh có được một chút chợp mắt trọn vẹn…. Thương quý biết bao đội ngũ y bác sĩ, nhân viên chống COVID ở khu dương của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên”.

Bức thư mộc mạc trên như một món quà đầy ý nghĩa dành cho các “chiến sĩ áo trắng” đang tận tụy làm nhiệm vụ trên tuyến đầu đầy cam go.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/95/271403/buc-thu-am-long-thay-thuoc-tren-tuyen-dau-day-cam-go.html