Bức tranh Covid-19 buồn ở Đông Nam Á
Đông Nam Á đang trải qua đợt dịch Covid-19 nghiêm trọng mà có rất ít dấu hiệu chậm lại. Tình hình được đánh giá sẽ làm trì hoãn hầu hết sự phục hồi kinh tế trong khu vực.
Các nền kinh tế lớn trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam đều có số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh trong tháng 7.
Theo thông tin được tổng hợp bởi ấn phẩm khoa học trực tuyến Our World In Data, dựa trên cơ sở trung bình động 7 ngày, Malaysia đã ghi nhận 515,88 trường hợp nhiễm Covid-19 trên một triệu người vào ngày 31/7. Con số đó tăng đều kể từ ngày 30/6.
Đứng sau Malaysia là Thái Lan với 236,02 ca nhiễm mới trên 1 triệu dân vào ngày 31/7, và Indonesia với 147,20 ca/triệu dân dù đã áp phong tỏa một phần cũng như tăng cường truy vết và kiểm dịch. Tính chung trong tháng 7, Indonesia có thêm hơn 1,2 triệu ca nhiễm mới.
Việt Nam, Philippines và Singapore cũng chứng kiến tỷ lệ ca nhiễm mới trên một triệu người tăng lên, nhưng ít hơn so với ở ba nước nêu trên.
Theo hãng tin CNBC, trong một báo cáo nghiên cứu hồi tuần trước, Ngân hàng Mỹ cho biết, theo tính toán của họ, số ca nhiễm trung bình hàng ngày trong khu vực đã tăng 162% trong tháng trước, đạt kỷ mục mới 72.200 trường hợp, trong khi số tử vong mỗi ngày tăng gấp 5, trung bình từ con số 500 nạn nhân lên 1.500 người.
Theo ngân hàng này, trong tháng 7, Indonesia và Malaysia ghi nhận tỷ lệ tử vong cao nhất tính trên một triệu dân.
Tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp đã khiến các chính phủ ở Đông Nam Á phải áp đặt lại các biện pháp phong tỏa và hạn chế xã hội. Một số nước đã rơi vào cảnh hết giường bệnh, không có đủ trang thiết bị y tế và nguồn cung oxy.
Malaysia đã phải vật lộn để kiểm soát đợt dịch này dù đã thực thi nhiều biện pháp ứng phó và ban hành tình trạng khẩn cấp. Singapore thắt chặt các hạn chế trong tháng 7 sau sự xuất hiện của một số chùm ca bệnh liên quan các quán karaoke và chợ. Việt Nam, Philippines và Thái Lan kéo dài một số hạn chế sang tháng 8 vì số ca Covid-19 vẫn ở mức cao.
Biến thể Delta xuất hiện càng gây thêm lo lắng và cản trở các kế hoạch tái mở cửa. Các biện pháp phong tỏa kéo dài gây thiệt hại lớn, đặc biệt là ở những nước như Indonesia - nơi có nhiều khu vực phi chính thức và nhiều người sống dựa vào lao động công nhật.
Về kinh tế, các biện pháp phong tỏa và giới hạn xã hội có ảnh hưởng không nhỏ. Giới chuyên gia chỉ ra rằng, tác động sẽ rõ rệt hơn ở các quốc gia áp các biện pháp kiểm dịch gắt gao hơn, bao gồm Malaysia, Việt Nam và Indonesia.
Về tiêm chủng, tốc độ triển khai các chiến dịch vắc xin ở mỗi nước là khác nhau. Thông tin từ Our World In Data cho thấy, Malaysia và Singapore có số liều tiêm mỗi ngày tính trên 100 dân cao hơn các nước còn lại. Tính đến cuối tháng 7, Singapore đã tiêm vắc xin đầy đủ cho khoảng 58% dân số, trong khi tỷ lệ này ở Malaysia là 21,02% và ở Indonesia đạt mức 7,51%.
Ngân hàng Mỹ dự đoán, hầu hết các nước ở Đông Nam Á có thể đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng vào quý 1/2022 nếu đẩy mạnh tốc độ tiêm ngừa Covid-19.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/buc-tranh-covid-19-buon-o-dong-nam-a-765250.html