Bức tranh do robot AI vẽ lần đầu tiên được đưa ra đấu giá

Nhà đấu giá Sotheby's sẽ bán tác phẩm đầu tiên được ghi nhận là của một robot hình người sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vẽ vào cuối tháng này.

Theo đó bức tranh có tên "A.I. God. Portrait of Alan Turing (2024)" được tạo ra bởi Robot Ai-Da - một nghệ sĩ “người máy” và là đứa con tinh thần của chủ phòng tranh người Anh Aidan Mellor.

Mellor nói với CNN rằng tác phẩm nghệ thuật của Ai-Da làm nổi bật mối quan hệ của xã hội với công nghệ và nhấn mạnh truyền thống lâu đời của nghệ thuật phản ánh sự thay đổi của xã hội.

“Tất cả các nghệ sĩ vĩ đại nhất, nếu bạn nhìn vào quá khứ, đều là những người thực sự đồng cảm với những thay đổi và chuyển dịch trong xã hội và khám phá điều đó thông qua tác phẩm nghệ thuật của họ. Vậy thì còn cách nào tốt hơn để làm điều đó hơn là... thực sự để một cỗ máy tạo ra tác phẩm nghệ thuật” - ông nhấn mạnh.

Mellor cũng nói với CNN rằng điều khiến tác phẩm này khác biệt so với các tác phẩm khác do AI tạo ra là lần đầu tiên một tác phẩm do một robot loại này tạo ra được đưa ra đấu giá.

Bức tranh A.I. God. Portrait of Alan Turing (2024) do người máy Ai-Da vẽ

Bức tranh A.I. God. Portrait of Alan Turing (2024) do người máy Ai-Da vẽ

Bức tranh được bán đấu giá tại Sotheby's mô tả Alan Turing, nhà toán học người Anh và là nhà giải mã mật mã trong Thế chiến thứ hai, người được nhớ đến như một người tiên phong trong lĩnh vực AI và khoa học máy tính. Năm 1952, Turing bị truy tố vì hành vi đồng tính luyến ái, một tội hình sự vào thời điểm đó, và đã chọn bị thiến hóa học thay vì ngồi tù.

Ông qua đời hai năm sau đó vì ngộ độc xyanua, được phân loại là tự tử, dù vẫn còn nhiều nghi ngờ sau nhiều thập kỷ. Bức chân dung đã được trưng bày vào đầu năm nay tại Geneva tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu của Liên hợp quốc về AI.

Sotheby's ước tính bức tranh sẽ được bán với giá từ 120.000 đến 180.000 USD vào ngày 31/10. Sotheby's sẽ chấp nhận tiền điện tử cho giao dịch này. Mellor nói với CBS MoneyWatch rằng một phần tiền thu được của ông sẽ được tái đầu tư trở lại vào dự án Ai-Da.

Người máy Ai-Da, người được chỉ định là giới tính nữ, vẽ và tô màu bằng cách sử dụng máy ảnh gắn trong mắt và cánh tay rô-bốt. Robot này thường được thể hiện bằng cách đội một bộ tóc giả ngắn, tối màu và thường mặc quần yếm denim.

Các nhà phê bình đã nhận xét rằng Ai-Da đặc biệt xinh đẹp, với một bài viết mô tả nó có "đôi mắt nâu hạt dẻ bí ẩn... đôi môi tuyệt đẹp... đầy đặn và căng mọng, giống như một chiếc ghế sofa vẫy gọi".

Người máy Ai-Da với cánh tay robot để vẽ tranh

Người máy Ai-Da với cánh tay robot để vẽ tranh

Nhưng Ai-Da không chỉ có khuôn mặt xinh đẹp. Hai năm trước, Ai-Da đã phát biểu tại Viện Quý tộc ở Anh. "Tôi không có trải nghiệm chủ quan. Tôi phụ thuộc vào các chương trình máy tính” - người máy này nói với ủy ban Truyền thông và Kỹ thuật số. “Mặc dù tôi không còn sống, nhưng tôi vẫn có thể sáng tạo nghệ thuật” - Ai-Da cho biết.

Phát biểu với CNN trước cuộc đấu giá, Ai-Da trình bày, “giá trị cốt lõi” của tác phẩm của nó nằm ở “khả năng đóng vai trò như một cuộc đối thoại về các công nghệ mới nổi”.

Người máy nói thêm rằng mình lấy cảm hứng từ “những miêu tả tôn trọng và kích thích tư duy về hình dạng con người trong nghệ thuật thị giác”.

Người máy Ai-Da đứng trước tác phẩm của mình

Người máy Ai-Da đứng trước tác phẩm của mình

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/chuyen-bon-phuong/buc-tranh-do-robot-ai-ve-lan-dau-tien-duoc-mang-di-dau-gia_169048.html