Bức tranh phân hóa lợi nhuận quý III/2024 của ngành thép

Nhiều doanh nghiệp ngành thép đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 và lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 với bức tranh phân hóa rõ.

Lợi nhuận quý III ngành thép có sự phân hóa.

Lợi nhuận quý III ngành thép có sự phân hóa.

Ngành thép với những gam màu tối

Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (mã chứng khoán DTL) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 với bức tranh đối lập doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm. Cụ thể, tại báo cáo tài chính công ty mẹ, doanh thu thuần DTL đạt 316,3 tỷ đồng, tăng 265% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 395 triệu đồng, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu của DTL đạt 635,1 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 866,8 triệu đồng, giảm 79,7%.

Giải trình về sự biến động trên, Đại Thiên Lộc cho biết, trong quý III/2024, chỉ tiêu doanh thu trên báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất đều tăng hơn cùng kỳ năm trước. Công ty tập trung đẩy mạnh hàng tồn kho, giá bán thị trường tăng. Tuy nhiên, lợi nhuận của toàn tập đoàn giảm chủ yếu là do thị trường xuất khẩu giảm, thị trường nội địa cạnh tranh quyết liệt, giá vốn tồn kho cao.

Về diễn biến cổ phiếu DTL, hiện mã này đang rơi vào diện cảnh báo và kiểm soát kể từ 11/4/2024 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của công ty âm 62,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán hai năm gần nhất đều lỗ.

Ngày 30/10 vừa qua, Công ty đã có báo cáo giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục chứng khoán thuộc diện cảnh báo và kiểm soát. Trong quý III/2024, Công ty đã có lãi hơn 866 triệu đồng qua đó lợi nhuận chưa phân phối tới ngày 30/9/2024 chỉ còn âm 57,6 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận chưa phân phối đã giảm lỗ so với đầu năm là 5,27 tỷ đồng.

Về kế hoạch khắc phục, Đại Thiên Lộc cho biết sẽ xây dựng chính sách bán hàng phù hợp cho từng mặt hàng, từng thị trường, từng giai đoạn. Đẩy mạnh sản lượng sản xuất trong năm, giảm giá thành sản xuất, tạo sức cạnh tranh cho các sản phẩm của tôn Đại Thiên Lộc.

Đồng thời, Công ty tăng cường công tác quản lý đặc biệt là quản lý nhiên liệu, phụ tùng, vật tư, các chi phí bảo trì bảo dưỡng, tiến tới xây dựng định mức chuẩn cho từng dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, DTL sẽ tiếp tục tái cấu trúc lại bộ máy nhân sự ban điều hành và cán bộ công nhân viên, nhằm cắt giảm chi phí quản lý của doanh nghiệp góp phần gia tăng lợi nhuận của công ty.

“Với những biện pháp khắc phục, Công ty kỳ vọng sẽ giảm dần lỗ lũy kế qua các năm, đồng thời năm 2024 kết quả kinh doanh sẽ có lợi nhuận”, Đại Thiên Lộc nhấn mạnh.

Đại Thiên Lộc dần cải thiện kết quả kinh doanh.

Đại Thiên Lộc dần cải thiện kết quả kinh doanh.

Tại Tổng Công ty Thép Việt Nam (TVN), báo cáo tài chính riêng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý III/2024 của Công ty ghi nhận số lỗ 3,6 tỷ đồng.

Trong kỳ, Thép Việt Nam ghi nhận doanh thu bán hàng đạt 190,65 tỷ đồng (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái), nhưng giá vốn cũng tăng 1,43 tỷ đồng so với cùng kỳ nên lợi nhuận gộp. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ tăng, lãi tiền gửi giảm là các yếu tố khiến lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ TVN lỗ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 tại công ty mẹ TVN, doanh thu đạt hơn 555 tỷ đồng, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế lãi 9,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 198 tỷ đồng.

Tại báo cáo hợp nhất quý III/2024, Thép Việt Nam lỗ 123,5 tỷ đồng, giảm 48,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần đạt 8.697,9 tỷ đồng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ giá vốn tăng và các khoản chi phí bán hàng tăng 8,4 tỷ đồng, lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm (giảm 16,2 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 14,1 tỷ đồng. Đây là các yếu tố tác động đến lợi nhuận của TVN trong quý III.

Doanh nghiệp thép dần qua giai đoạn khó khăn khi thị trường bất động sản phục hồi.

Doanh nghiệp thép dần qua giai đoạn khó khăn khi thị trường bất động sản phục hồi.

Những điểm sáng của ngành

Bên cạnh mảng tối, bức tranh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép cũng có nhiều điểm sáng, với các doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng mạnh, thậm chí hàng lần so với cùng kỳ.

Đầu tiên phải kể đến Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Cụ thể, Hòa Phát đã ghi nhận kết quả tăng trưởng ấn tượng trong quý III/2024 với doanh thu tăng 19% đạt hơn 33.956 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 51% so với cùng kỳ, đạt 3.021 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu HPG đạt 104.364 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 9.210 tỷ đồng, tăng trưởng 23,4% và 140% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2024, HPG đặt mục tiêu doanh thu đạt 140.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 10.000 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, Hòa Phát đã hoàn thành 75% kế hoạch doanh thu và 92% kế hoạch về lợi nhuận năm.

Hòa Phát cho biết, doanh thu bán hàng tăng, biên lợi nhuận một số lĩnh vực kinh doanh được cải thiện như thép, nông nghiệp đã giúp lợi nhuận của Tập đoàn tăng trưởng. Trong đó, nhóm thép lợi nhuận tăng 42%, nhóm nông nghiệp tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực cho thuê hạ tầng khu công nghiệp duy trì biên lợi nhuận ổn định ở mức 39%.

Sản lượng thép xây dựng, thép chất lượng cao quý III đạt gần 1,1 triệu tấn, giảm 14% so với quý trước (1,27 triệu tấn). Thị phần thép xây dựng trong nước vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với 38%. Thép cuộn cán nóng đạt 738.000 tấn, tương đương quý II.

Lũy kế 9 tháng năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 6,4 triệu tấn thép thô, tăng 34% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng bán hàng thép các loại (chưa bao gồm sản phẩm ống thép, tôn mạ) đạt 6,1 triệu tấn, tăng 32%. Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đóng góp 3,3 triệu tấn, tăng 29%. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 2,27 triệu tấn và phôi thép đạt 505.000 tấn. Đối với các sản phẩm thép hạ nguồn, Ống thép đạt 503.000 tấn tăng 3% so với 9 tháng đầu năm 2023. Tôn Hòa Phát đạt sản lượng 344.000 tấn tăng 43% so với cùng kỳ, vượt số cả năm 2023 (329.000 tấn).

Bức tranh lợi nhuận ngành thép hiện có sự phân hóa, có doanh nghiệp lãi lớn nhưng có doanh nghiệp đang thua lỗ.

Bức tranh lợi nhuận ngành thép hiện có sự phân hóa, có doanh nghiệp lãi lớn nhưng có doanh nghiệp đang thua lỗ.

Cũng báo cáo tài chính ấn tượng trong quý III/2024 là Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG). Theo đó, Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần quý III/2024 đạt 16.208 tỷ đồng, tăng 14,51% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 434,5 tỷ đồng, tăng trưởng tới 296%, tức gấp gần 4 lần cùng kỳ.

Nam Kim cho biết, trong kỳ Công ty đã đẩy mạnh các kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu, doanh thu tăng 14,51% tăng cao hơn 4,65% so với mức tăng giá vốn. Giá vốn tăng tương ứng với sản lượng tiêu thụ nhưng chỉ tăng 9,86% do sản lượng sản xuất tăng làm cho chi phí sản xuất bình quân giảm dẫn đến biên độ lợi nhuận gộp tăng 82,46%, lợi nhuận ròng tăng 269,14%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Nam Kim ghi nhận doanh thu 16.140 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 435 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.

Như vậy, với kế hoạch kinh doanh năm 2024 là doanh thu 21.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 420 tỷ đồng, kết thúc 9 tháng, Nam Kim đã hoàn thành 77% kế hoạch về doanh thu và vượt 3,5% mục tiêu về lợi nhuận.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/buc-tranh-phan-hoa-loi-nhuan-quy-iii2024-cua-nganh-thep-post357136.html