Bụi đỏ

Từng dòng nước đỏ ngầu, xoắn vào nhau như một dải lụa dài, ngụp lặn, lúc nổi lên, lúc lại lặn xuống đua nhau xô bờ. Thi gấp cuốn sách đang đọc dở, nhìn ra ngoài trời, mưa vẫn mưa.

Ngày Thi rời thành phố cũng là một ngày mưa. Rả rít, da diết.

Làng Kon Mahar, sau một tuần mưa tầm tã thì bị cô lập với thế giới bên ngoài. Không điện, không sóng điện thoại, đường sạt lở, lầy lội, thức ăn thiếu thốn nhưng điều đó không khiến người dân trong bản lo âu mà ngược lại họ lại thấy vui khi mặt trời lên. Tia nắng đầu tiên chiếu xuống mặt đất, giống như ánh điện được bật trong đêm tối. Một cảm giác thật khô ráo, dễ chịu đã quay về. Cả khu tập thể giáo viên như có sức sống mới, ai cũng hăm hở cười nói. Những bong bóng xà phòng đầy màu sắc, bay lượn, như đang xóa mờ không gian xám xịt cả tuần nay bao trùm lấy ngôi làng.

Nhận được quyết định về vùng ba, vùng khó khăn của huyện, Thi nửa cảm thấy vui, vui vì cuối cùng mình cũng đã có công việc, cuối cùng mình đã tự lập, nửa cảm thấy buồn và lo lắng vì sự khó khăn sắp tới và khoảng cách của anh với Thi sẽ ngày càng lớn hơn. Ngày đi học, nghe nhỏ Loan nói, ai cũng sợ chết khiếp khi nhỏ Loan diễn tả những cơn mưa không ngớt, đất đỏ nhão nhét, sình lầy lún hơn nửa bánh xe, lũ thì có thể tràn về bất cứ lúc nào, mùa nắng thì bụi mù. Lương thực thiếu thốn, xung quanh là rừng, đầy thú dữ… và rất nhiều chuyện về những vùng ba khó khăn như vậy. Có đứa nói “Tao thà thất nghiệp còn hơn là đi dạy ở đấy”. Thi cũng như bao bạn khác trong lớp, cũng lo sợ. Cũng nghĩ rằng mình thà thất nghiệp còn hơn. Tuổi mình còn trẻ tại sao phải chôn vùi tương lai mình vào nơi khỉ ho cò gáy như thế. Vành môi cong cong của nhỏ Loan như vẫn còn đang lanh lảnh từng tiếng vào tai Thi.

Minh họa: Phạm Hà.

Minh họa: Phạm Hà.

Giờ cầm tờ quyết định trên tay, Thi không hề có ý định bỏ mà quyết định đi và sẽ đi tới cùng. Làng Kon Mahar cách trung tâm huyện bảy mươi cây số. Chị đi cùng chuyến xe nghe Thi nói nhận công tác dạy ở làng, thì tặc lưỡi: “Cũng có mấy cô giáo như em về làng, dạy không quá hai tháng là bỏ. Có cô mới đi tới nơi là xách đồ đi về luôn. Khó khăn, hiu quạnh, buồn lắm!”. Thi nghe chị nói, âm thanh như được kéo dài ra để diễn tả sự khó khăn, vất vả trong khi chiếc xe đò ì ạch bò từng chút một, qua những con dốc, những ngọn đèo quanh co, một bên là núi một bên là vực. Con đường đi xuyên qua rừng già Kon Ka King, những cây gỗ bị đốn ngã, những mảnh đồi còn đang cháy nham nhở, như một người bị nấm tóc, cạo trọc cũng không đành mà để cũng không xong. Những con đường đất đỏ nối tiếp nhau, vòng vèo cùng với cái nắng gay gắt của buổi trưa khiến cho một người đi xe nhiều như Thi cũng không tránh được say xe. “May mà trời nắng, mưa thì có mà nằm luôn ở trong này”. Chú tài xế vừa nói vừa cười hà hà. Thi nhìn con đường bao quanh là núi non, là rừng, là đất đỏ. Mường tượng ra sự khó khăn trước mắt, cảnh xe bị lầy, điện thoại thì không có lấy một cột sóng, cả tháng chỉ ăn một món ăn,... cũng thấy run, nao núng trong lòng.

Làng nằm trên một mảnh đất bằng phẳng hơn so với bốn làng còn lại trong xã. Những ngôi nhà sàn nằm san sát bên nhau, trung tâm làng là một nhà rông và nhà thờ rất lớn. Những đứa trẻ thấy Thi thì đưa đôi mắt to tròn lạ lẫm nhìn, những đứa nhỏ hơn thì nép bên cạnh mẹ, nhưng lại tò mò lâu lâu lại len lén nhìn Thi rồi lại núp sau lưng mẹ. Thầy hiệu trưởng đón Thi bằng nụ cười thân thiện “Trẻ như cô mà chịu về vùng này thì quả là gan dạ!”. “Cũng có mấy cô về làng nhưng rồi lại đi. Đã về đây thì biết là khó khăn rồi. Cố gắng em nhé!”. Thi lắng nghe thầy hiệu trưởng nói và lâu lâu mỉm cười để góp thêm sự đồng tình cho câu chuyện của thầy. Ngôi trường của Thi bao quanh là rừng cao su, với một dãy năm phòng học, mười lớp và một lớp ghép. Trường gồm mười hai giáo viên kiêm nhiệm đủ thứ cộng thêm một hiệu trưởng, một hiệu phó. Khu tập thể giáo viên ngay cạnh trường, bốn phòng, hai phòng gia đình và hai phòng độc thân trong đó có Thi.

Học sinh của trường đều là học sinh dân tộc ít người. Những đứa trẻ nói tiếng Việt tiếng được tiếng mất, chưa rành, ngồi tập đếm từ một đến mười. Mái tóc vàng cháy và bếch lại. Ngón tay đầy đất được đưa lên nhẩm đếm, số đếm nhiều hơn mười, có em còn đưa cả chân lên bàn khiến Thi phải phì cười. Thời gian rảnh, Thi tập trung mấy em lại gội đầu và thắt tóc cho các em gái, còn những em trai thì Thi lại cắt tóc cho gọn gàng. Những đôi mắt nhìn Thi sợ sệt giờ đã thân thiện và gần gũi hơn rất nhiều.

Thi vốn đơn độc trong cuộc sống, suốt ngày chỉ quanh quẩn bên bà. Bố mẹ Thi mất trong một tai nạn giao thông, khi ấy Thi mới bốn tuổi, nên sâu thẳm trong tâm trí Thi rất muốn có anh chị em. Cũng chính vì điều đó mà Thi rất yêu trẻ con. Nhà anh ở cạnh nhà Thi, anh là con một, nên không biết từ lúc nào hai anh em rất thân nhau. Cuộc sống Thi không đầy đủ, nhưng có anh bên cạnh như một niềm an ủi lớn đối với Thi. Và khi về làng, Thi đã có cái nhìn rất khác về cuộc sống, nó không đơn thuần là phải có, phải hơn người khác mà chỉ cần và chỉ mong đủ là hạnh phúc lắm rồi. Tới mùa thu hoạch thì lên lớp không có học sinh, các em đã theo bố mẹ vào rẫy để thu hoạch vụ mùa. Rất nhiều lần Thi đã đến nhà vận động các em đi học cho đều, chúng lại nhoẻn miệng cười và nói rất chi là vô tư, cái chữ nó vẫn còn đó không chạy mất được, hôm nay em không học thì ngày mai học tiếp, chứ em mà không đi thu hoạch thì cái bụng nó đói, đói thì đi học không được, cái chữ nó không vào đầu đâu cô ơi! Tự nhiên Thi cảm thấy xót lòng.

Thành phố với những bức tường màu trắng cùng những dây thằn lằn trên tường, tạo cho thành phố một vẻ cổ kính. Thi nhiều lần thắc mắc, tại sao thành phố này lại có thêm một tên gọi khác là "Bụi Đỏ" mà chẳng thấy một cây hoa hồng đỏ nào? Tại sao đi đâu cũng bụi đỏ mù đường vậy mà các bức tường lại sơn màu trắng, có mâu thuẫn lắm không? Tại sao thành phố lại làm ra những vòng xoay lớn thế kia để đi hoài chẳng hết? Anh cười “Em muốn biết lắm phải không?”. Những câu chuyện không đầu không cuối, tự dưng hiện ra trong đầu Thi “Thành phố có tên Bụi Đỏ bởi mùa nắng đất đỏ bụi mịt mù. Người đầu tiên lên đây khai hoang đặt tên cho như vậy chứ không phải bụi hoa hồng đâu, ngốc ạ!”. “Thế còn dây leo và tường trắng?”. “Thì cho đẹp chứ làm gì! Ngốc thế!”. Anh gõ đầu Thi và cười. “Có tất cả bao nhiêu vòng xoay hả anh?”. “Anh không biết, em đếm thử xem”. Nhưng Thi chưa bao giờ đếm hết có bao nhiêu vòng xoay.

Kon Mahar quả là mưa dai dẳng và ngang ngạnh. Thích thì nắng, thích thì mưa. Người hiểu nhất Kon Mahar chắc cũng không thể biết được lúc nào thì nắng mà lúc nào sẽ mưa. Kon Mahar như con gái, dễ hờn dễ giận. Nơi đây đất cũng đỏ mù như Bụi Đỏ nhưng không có những bức tường trắng với dây leo thằn lằn, cũng không có những vòng xoay rất lớn, cũng không có anh. Chỉ có những rừng cà phê, rừng cao su bạt ngàn, những con đường đất đỏ dài hun hút và những cặp mắt nâu sáng, da đen nhẻm và cái đầu vàng cháy.

Mưa làm cho giao thông bị đứt đoạn. Thi nghe nói có một số gia đình ở làng dưới bị lũ cuốn trôi. Dân làng chỉ bất lực đứng nhìn dòng nước chảy xiết mà không tài nào cứu được người, chỉ còn đứa trẻ sáu tuổi đang khóc thét trong mưa. Giống như Thi đã từng khóc thét trong mưa, từng gục trong tay anh mà khóc khi nghe tin bà qua đời. Giờ ôm bé Rúp trong tay, Thi thấy xót xa quá, sao nhiều cuộc đời nó cứ lặp lại giống nhau dù nơi ở khác nhau, dù tiếng nói khác nhau, dù hoàn cảnh khác nhau, dù cuộc sống khác nhau. Bé Rúp, người còn sống duy nhất trong gia đình sáu người bị lũ cuốn trôi đang nằm cạnh Thi, đôi mắt cứ mở thao láo nhìn trần nhà, với những con nhện đang giăng tơ, không màng đến chuyện mưa nắng. Lâu lâu lại khóc gọi mẹ. Thi ôm chặt cô bé vào lòng vỗ về, như một niềm an ủi.

Bé Rúp được gia đình già Han nhận nuôi nhưng bé thường qua ở với Thi. Có lẽ những mất mát trong cuộc đời khiến Thi hiểu tâm trạng bé Rúp nhiều hơn. Có bé Rúp, những ngày mưa, Thi cũng đỡ buồn hơn. Mấy chị trong khu tập thể cứ bảo Thi như có con mọn, lo mà về phố cưới chồng chứ ở đây rồi lại chết già. Thi chưa thể quay lại thành phố. Lòng Thi rối bời lắm. Thi định thổ lộ tình cảm của mình với anh. Thì anh lại say sưa kể về cô ấy với khuôn mặt hạnh phúc. Tình cảm của Thi dành cho anh, đành tự mình chôn chặt xuống, thật sâu. Ngày anh cưới cũng là ngày Thi về làng Kon Mahar nộp quyết định. Thi không dám đối mặt với sự thật là anh chỉ coi Thi như một cô em gái bé nhỏ. Thi sợ mình sẽ khóc.

Thi đã ở trong làng được gần hai năm. Tập thể giáo viên như một gia đình lớn, cùng nấu cơm chung, cùng ăn cơm chung. Có những tháng mưa, xe đưa thức ăn vào làng không được, chỉ có trứng và măng ăn đi ăn lại nhưng ai cũng động viên nhau, giúp đỡ nhau. Người dân trong làng ai cũng yêu thương, coi Thi như con cháu trong gia đình. Chính Thi cũng không ngờ mình trụ lại lâu như vậy. Giờ làng Kon MaHar như ngôi nhà của Thi, Thi không thể dễ dàng bỏ nó đi được.

Khuyên gọi điện, luyên thuyên đủ thứ chuyện trên đời. Rồi Khuyên lại nhắc đến anh, nói vợ anh mới sinh em bé được hơn một tháng. Khuyên nhắc tới anh rồi một thoáng im lặng, cắt ngang câu chuyện cả hai. Thi cười, có lẽ vì yêu anh nên Thi đang trốn chạy? Thi cũng không biết. Gần hai năm qua tâm trạng của Thi đã thôi không dậy sóng. Nhìn ra ngoài sân trường, một vài cánh hoa phượng nở sớm đang điểm thêm sắc đỏ cho ngôi làng bình yên này. Hè này, có lẽ Thi sẽ tạm xa làng Kon Mahar, về thăm Bụi Đỏ, thăm gia đình anh và cháu, và sẽ đếm hết thành phố có bao nhiêu vòng xoay…

Truyện ngắn của NGUYÊN KHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/bui-do-624896