Bùi Quang Thanh - những trang viết thấm đẫm tình đời
Tác phẩm 'Nam hành ký sự' của nhà báo, nhà thơ Bùi Quang Thanh (Hà Tĩnh) kể về những kỷ niệm tuổi thanh xuân của tác giả…
Nhà báo - nhà thơ Bùi Quang Thanh (SN 1950, tại Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) là một trong những người lính đã tham gia trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Sau giải phóng, anh hoạt động báo chí tại tỉnh Hà Tĩnh, làm Trưởng Cơ quan đại diện Báo Bảo vệ pháp luật khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Với niềm đam mê canh tác trên cánh đồng chữ, anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003. Cũng như nhiều bạn đọc khác, tôi chỉ biết thơ anh có giọng điệu trữ tình rất riêng với những buồn vui chân thành dung dị mà không kém phần sâu sắc. Anh là tác giả của gần chục tập thơ, chiếm được nhiều cảm tình yêu mến của bạn đọc. Thật vui và bất ngờ, mùa xuân năm 2024, tôi nhận được tập “Nam hành ký sự” (do NXB Nghệ An ấn hành) mà anh gửi tặng.
Ấn phẩm của Bùi Quang Thanh hình thức đa dạng: ký sự, bút ký, ghi chép và cả truyện ngắn với 400 trang (khổ 15x23 cm) khá dày dặn, trình bày đẹp, trang nhã. Tác phẩm kể về tuổi thanh xuân cuộc đời anh trong quân ngũ, những tháng ngày hành quân, những cuộc chiến đáng nhớ ở chiến trường Tây Nguyên và những tháng ngày mưu sinh vật lộn với cuộc sống.
Anh thành thực chia sẻ: “Tôi nợ ký ức, nợ đồng đội, nợ những người thân thích, nợ bè bạn và nợ những người đã mất... Mỗi lần gặp lại đồng đội, gặp lại mảnh đất chiến trường xưa... là ký ức lại thức dậy, với biết bao kỷ niệm buồn vui, biết bao nỗi đớn đau khắc khoải”. Có lẽ vì thế, từng trang sách đã thu hút tôi mạnh mẽ bởi ngồn ngộn thông tin tư liệu mà vẫn tươi ròng sự sống, thấm đẫm tình đời.
Tập ký sự chan chứa tình yêu và niềm biết ơn với con người, với cuộc đời. Vốn thích khám phá mọi vẻ đẹp của cuộc sống, Bùi Quang Thanh rất thích đi, mỗi bài viết của anh là kết quả những lần đi xa ấy. Ấn phẩm gồm 42 bài viết, mỗi bài là một mảnh ghép của bức tranh hiện thực cuộc sống. Đó cũng là từng lát cắt của ký ức, in dấu những kỷ niệm khó quên thời trai trẻ và trong cả hành trình cuộc đời tròn nửa thế kỷ cầm bút của một cựu chiến binh mê đắm vẻ đẹp của thiên nhiên và tình người.
Sở hữu tâm hồn của một thi nhân cùng sự nhạy bén trí tuệ của một nhà báo kinh nghiệm khiến không ít trang văn của Bùi Quang Thanh thấm đượm chất thơ. Mỗi bài viết, tác giả đưa bạn đọc đến với những con người chân chất mà dũng cảm tuyệt vời, ở đó, ông thỏa sức thổ lộ nỗi niềm nhớ thương và biết ơn bạn bè, đồng đội cùng trang lứa với tấm lòng sâu nặng nghĩa tình.
"Lớp chúng tôi, lớp những người có cái tuổi khai sinh chia thế kỷ hai mươi làm hai mảnh, lớn lên trong hậu phương chống Pháp, chưa kịp học xong mặt chữ đã vội từ giã quê nhà, cầm súng lên đường đánh Mỹ... Bình minh tuổi trẻ trong ngần những ước mơ dự định của các chàng trai cô gái chân đất chưa kịp buông dây cho cánh diều của mình bay bổng thì tiếng lòng đã thôi thúc đón chờ buổi lao vào binh lửa chiến trường. Những đôi môi chưa biết nói lời yêu, những ánh mắt chưa tan hết ngu ngơ của tuổi thơ đồng nội; những giọt nước mắt nhớ nhà chưa biết lặn vào trong mà nóng hổi lăn tròn trên những đôi má phúng phính lông tơ" (Đến hẹn lại về - tr.49).
Hẳn tác giả đã nghẹn lòng khi viết những dòng văn như thế. Trái tim người viết đa cảm, vẫn yêu thương hoài niệm quá khứ chưa xa: “Thương lắm một thuở dằng dặc những đói nghèo của mẹ, của cha, của tổ tiên ông bà. Thương lắm tuổi thơ tôi và những bạn bè cùng trang lứa thời tôi, cái đói, cái thèm từ củ khoai, hạt tấm không bao giờ nguôi ngoai trong ký ức” (Lúa thơm lấp ló - tr.326). Tình yêu và niềm tri ân ấy quả là đã chạm tới trái tim khiến bạn đọc không khỏi bồi hồi. Xuyên suốt tác phẩm là tấm lòng thương yêu, cảm phục của tác giả đối với con người và cuộc đời.
Nhà văn kính trọng, biết ơn và cảm phục lớp cha anh đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Những con người ấy dâng hiến tất thảy những gì quý giá nhất cho Tổ quốc. Nhà văn tới thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, người có 9 người con trai, một con rể và hai cháu ngoại đã anh dũng hy sinh. Ông vô cùng xúc động trước người mẹ hiền lành, phúc hậu, kiên nghị lắng sâu, chan chứa ân tình. “Khuôn mặt đẹp của mẹ như đã tạc thành một khối linh thiêng hun tụ vẻ đẹp muôn đời của người Mẹ Việt Nam” (Đêm núi Cấm – tr.69).
Những tấm gương khác rất gần gũi, thân thương tác giả luôn khắc tạc trong tim là người ông thân yêu Bùi Quang Thị, người chiến sĩ cộng sản trung kiên; là thầy Hóa, giáo chủ nhiệm năm học lớp 3 và 4.
Gặp lại thầy giáo cũ sau hơn mười năm xa cách, cảm xúc trong ông dâng trào: “Mỗi dòng sông trên đường đời tôi qua đều có ai đó đưa đò, chèo lái. Là mẹ, là cha, là anh, là chị, là những thầy cô, bè bạn thân yêu… nhớ bao nhiêu bóng thầy” (Thầy Hóa – tr.319).
Từng trực tiếp vào chiến trường tìm và đưa hài cốt chú ruột là liệt sĩ Bùi Quang Lục trở về quê hương, nhà văn vô cùng xúc động viết nên những trang dòng nhạt nhòa trong nước mắt "Vâng! Cuộc hội ngộ hôm nay đây tôi mang ơn biết bao người, cả những người đã khuất và cả người đang sống quanh tôi. Ngày mai tôi sẽ đưa được hài cốt người thân về miền Bắc, cho dù còn một mẩu xương, một nắm đất hay một chút di vật của người xưa" (tr.14).
Tinh thần trách nhiệm, tấm lòng vì đồng đội làm nên những điều tuyệt vời. Những trang viết trong tác phẩm, trang nào cũng thấm đẫm tấm lòng của một nhà báo, của một đồng đội với các bạn hữu. Vì thế, trang nào cũng chân thực, mọi diễn biến sự việc người đọc như thấy hiện ra trước mắt.
Bài ký “Đại tướng quân và viên hạ sĩ” là những trang viết hóm hỉnh, thật sự thú vị kể lại với niềm vui và tự hào chính đáng bởi tác giả vinh dự được làm khách, được chụp ảnh và trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một con người huyền thoại. “Người anh hùng của chúng tôi” kể về những chiến sĩ kiên cường "người như thỏi sắt nguội" với những chiến công được ghi trong giáo trình giảng dạy của Trường sĩ quan Tăng Thiết Giáp và cả những hy sinh của thiếu tá Bùi Quang Đấng. Áng văn còn gợi về một thời đất nước chật vật khó khăn đến xa xót sau chiến tranh. Tuy gặp phải sự cố tai bay vạ gió ngoài ý muốn nhưng người cựu binh ấy vẫn là một "anh hùng" đáng nể phục.
Qua những lần gặp đồng đội cũ và những chuyến đi xa tìm gặp trực tiếp mẹ và thân nhân liệt sĩ, cùng với cách làm việc cẩn trọng và khoa học, một loạt những bài báo nóng hổi ra đời: Buôn Ma Thuột - chìa khóa vàng mở cổng mùa xuân; Lưỡi tầm sét trên sân bay Đà Nẵng; Đồng Lộc - ký ức và hiện tại; Xe tăng 337 và những anh hùng chưa được tôn vinh (đăng ba kỳ báo: Trở lại chiến trường xưa; Đi tìm người dũng sĩ thứ tư; Trả lại tên anh về với trung đoàn).
Tôi vô cùng xúc động về người lính Cụ Hồ và cảm phục bởi dẫu gặp bất cứ hoàn cảnh nào, phẩm chất người lính vẫn sáng trong như ngọc. Cũng nhờ sự lên tiếng đúng và kịp thời, nhà báo Bùi Quang Thanh đã góp phần thiết thực vào việc “trả lại tên” liệt sĩ, thêm một lần nữa tôn vinh công trạng phi thường của những con người anh hùng với tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời đúng như nhà thơ Lê Anh Xuân từng viết: “Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ: Anh là chiến sĩ giải phóng quân”. (Dáng đứng Việt Nam).
Nhân dân Việt Nam, bạn và tôi, cảm phục, biết ơn và tự hào về người lính biết bao.
Bùi Quang Thanh là nhà thơ từng đoạt giải thưởng cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1998-1999), 2 lần được tặng Giải thưởng văn học Nguyễn Du của tỉnh Hà Tĩnh; Giải thưởng 170 năm văn chương Hà Tĩnh. Nay đọc "Nam hành ký sự" của anh, người ta trân quý một nhà báo, nhà nhiếp ảnh, nhà văn có tâm hồn đa cảm, nhân hậu, vui buồn rất chân thành trước nhân tình và thời cuộc qua lối viết đa giọng điệu khi tự sự trữ tình, khi hài hước hóm hỉnh mà thâm trầm sâu lắng.