Bừng sáng cao nguyên Nà Sản

Cao nguyên Nà Sản là một trong hai cao nguyên lớn của tỉnh, rộng khoảng hơn 20km² thuộc các xã Chiềng Mung, Hát Lót, Chiềng Mai, Mường Bon (Mai Sơn). Có độ cao trung bình 600 - 700m so với mực nước biển, địa hình tương đối bằng phẳng, đồi núi thấp, khí hậu, đất đai màu mỡ, có vị trí chiến lược cho việc phát triển kinh tế, giao thông và quốc phòng. Phát huy truyền thống cách mạng, đồng bào các dân tộc nơi đây luôn ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng cao nguyên thành vùng kinh tế quan trọng của tỉnh.

Lật giở những trang lịch sử Đảng bộ tỉnh còn ghi rõ: ngay từ những năm quay lại xâm chiếm Sơn La, Tây Bắc, trên cao nguyên Nà Sản, thực dân Pháp đã cho xây dựng sân bay vận tải, làm cầu hàng không vận chuyển để tiếp tế lương thực và các phương tiện chiến tranh phục vụ cho việc chiếm đóng, cai trị của chúng ở Tây Bắc. Khi tình hình diễn biến của chiến sự không có lợi cho chúng, bị thất bại trước những đợt tấn công của quân và dân ta, thực dân Pháp đã tính đến việc gom các vị trí lại thành căn cứ điểm mạnh, vì vậy tháng 10/1952, thực dân Pháp đã xây dựng tập đoàn cứ điểm Nà Sản.

Tập đoàn cứ điểm Nà Sản được xây dựng chủ yếu thuộc địa phận xã Chiềng Mung, theo trục quốc lộ 6, phân bố trên diện tích 10km² được bao quanh bởi hai dẫy núi: Pú Hồng và bản Vạy. Ở giữa là khu trung tâm nằm trong thung lũng trải rộng có sở chỉ huy, sân bay vận tải, hệ thống kho chứa lương thực, vũ khí... Tập đoàn này được xây dựng theo mô hình như một vòng cung khép kín, có 17 cứ điểm liên hoàn, phía Bắc có các cụm Pú Cát, Pú Hồng, Nà Si; phía Nam có cụm núi Na Sam, bản Cưởm, bản Vạy, Cừ Nhừm. Các dãy núi có độ cao trung bình khoảng 750m, trong đó có núi Pú Hồng cao trên 1.000m. Khu trung tâm điều hành các cuộc hành quân, sở chỉ huy và sân bay vận tải được xây dựng tại bản Nà Sản, bản Lầu, bản Hời, bản Cưởm, cách đường 41 (Quốc lộ 6) khoảng 500 - 1.000m.

Chiến dịch Tây Bắc bắt đầu từ ngày 14/10/1952 và kết thúc vào ngày 10/12/1952, sau 3 đợt tấn công quyết liệt của quân và dân ta, sớm hơn dự kiến ban đầu 4 tháng. Ta đã tiêu diệt được nhiều quân địch và thu nhiều vũ khí đạn dược, địch đã rút về co cụm ở Tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Bộ Chỉ huy chiến dịch của ta quyết định chuyển sang bao vây, cô lập Nà Sản, chúng đã bí mật tháo chạy bằng đường hàng không. Như vậy, chiến dịch Tây Bắc đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn.

Trải qua dòng chảy thời gian, cùng với diễn trình lịch sử, “Tập đoàn cứ điểm Nà Sản” nay chỉ còn là địa danh lịch sử, nhưng nó mãi là chứng tích của những năm tháng oanh liệt của quân và dân ta chống thực dân Pháp tại chiến trường Tây Bắc, là dấu ấn của sự thất bại thảm hại của chủ nghĩa thực dân xâm lược. Một cao nguyên Nà Sản đã trở thành địa danh lịch sử bổ sung vào danh mục các di tích lịch sử của cả nước. Năm 1998, Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định xếp hạng cấp Quốc gia di tích lịch sử Tập đoàn cứ điểm Nà Sản.

Một góc cao nguyên Nà Sản.

Một góc cao nguyên Nà Sản.

Ông Hà Văn Toàn, năm nay 70 tuổi, ở bản Xum, xã Chiềng Mung từng có 15 năm làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chiềng Mung bồi hồi kể lại cho chúng tôi nghe những gian khó của những năm tháng chiến tranh ác liệt. Dẫu vậy, nhân dân trong xã vẫn một lòng kiên trung với Đảng, đi đầu trong phát triển kinh tế. Từ việc thành lập các HTX nông nghiệp, HTX mua bán và tín dụng đến việc lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi. Cao nguyên Nà Sản ngày càng khẳng định vai trò của vùng kinh tế quan trọng, với các nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu đang từng ngày hiện hữu. Nhiều nông dân đang trở thành triệu phú nhờ mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng nhãn, xoài, bưởi. Một số hộ liên kết thành lập HTX chuyên canh trồng cây ăn quả.

Đi dọc quốc lộ 6, từ xã Chiềng Mung, qua Hát Lót, đến xã Mường Bon, Chiềng Mai, cảm nhận đầu tiên là không khí xuân đã lan tỏa trên khắp các bản mường. Trên những triền đồi bát úp, thật khó để tìm ra những vạt đất còn trống, bởi tất cả được phủ một màu xanh của rau màu, cây ăn quả. Trên cao nguyên Nà Sản hôm nay, nông nghiệp công nghệ cao đã bắt đầu có chỗ đứng và gặt hái được thành công. Với hơn 8.000 ha đất nông nghiệp, trong đó, có trên 3.500 ha cây ăn quả các loại, tổng giá trị thu về hàng trăm tỷ đồng. Những vườn xoài, nhãn, bưởi được ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, kết hợp quy trình chăm sóc theo quy chuẩn VietGAP đã mang lại nhiều hiệu quả cho bà con nông dân. Các sản phẩm nông sản của cao nguyên đã vươn ra nhiều thị trường ngoài nước.

Ông Hà Văn Thong, Chủ tịch UBND xã Chiềng Mung, cho biết: Chiềng Mung là xã nằm gọn trên cao nguyên Nà Sản. Những năm gần đây, bộ mặt nông thôn của xã đã có những thay đổi, đời sống các hộ dân ngày càng nâng cao. Bà con tích cực tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Toàn xã đang thâm canh trên 750 ha cà phê, trên 600 ha cây ăn quả có giá trị, như nhãn, xoài, cam, bưởi...

Năm nay, người dân trên cao nguyên Nà Sản phấn khởi vì hệ thống thủy lợi Nà Sản đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đảm bảo cấp nước tưới tự chảy cho 1.450 ha đất canh tác và cấp nước sinh hoạt cho trên 10.000 người dân. Ông Lò Văn Hung, năm nay gần 80 tuổi, tại bản Cưởm, xã Chiềng Mung, nói: Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Thời Pháp thuộc, tôi mới hơn mười tuổi, nhưng còn nhớ rõ, quân Pháp lập đồn canh sân bay, cướp bóc, bắt phụ nữ, đời sống nhân dân vô cùng khổ cực. Khi quân Pháp bị đánh đuổi, dân bản ăn mừng mấy ngày liền... Bây giờ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kinh tế phát triển, đời sống khác xưa, cả bản nhà nào cũng có xe máy, ti vi, nhiều hộ khá, giàu, con cháu được học hành”.

Còn ông Nguyễn Văn Phòng, quê gốc Hưng Yên, người sáng lập HTX Nhãn chín muộn tại xã Chiềng Mung, tâm sự: Hơn 30 năm gắn bó với vùng đất này, từ mảnh đất nghèo, giờ đã hình thành vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Nếu như trước đây, mỗi hộ dân chỉ có một vài cây nhãn, xoài, thì bắt đầu từ năm 2010 trở lại đây, những gốc xoài, nhãn từ 10-15 năm tuổi được ghép cải tạo sang giống mới cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Vườn nhãn ghép của nông dân xã Chiềng Mung.

Vườn nhãn ghép của nông dân xã Chiềng Mung.

Đến xã Hát Lót, đi dọc tuyến đường qua trung tâm xã, nhiều ngôi nhà xây dựng kiên cố, khang trang nằm xen những vườn cây ăn quả được ghép cải tạo sang giống mới. Người nông dân ở đây giờ đã nắm chắc kỹ thuật sản xuất; toàn xã hiện có gần 1.900 ha xoài, nhãn, cam, bưởi, thanh long; năng suất những vườn xoài, nhãn sau ghép cải tạo 5 năm tuổi trở lên đạt bình quân 12-15 tấn quả/ha. Còn ở xã Mường Bon, người nông dân lại lựa chọn hướng tập trung đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với dịch vụ ẩm thực; hình thành các doanh nghiệp, HTX, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với cây trồng chủ lực, gồm, nhãn, xoài, rau an toàn; thu hút các doanh nghiệp đầu tư, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện, toàn xã có 330 ha mía, 400 ha rau màu và trên 500 ha cây ăn quả các loại.

Sự phát triển của cao nguyên Nà Sản đã thu hút được 3 doanh nghiệp đến xây dựng các nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu, gồm: Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh, tại bản Mạt, xã Chiềng Mung; nhà máy tinh bột sắn Mai Sơn; dự án Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.

Đồng chí Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, thông tin: Với chiến lược phát triển kinh tế, huyện Mai Sơn xác định hình thành 3 cụm kinh tế gắn với lợi thế, tiềm năng phát triển. Trong đó, cao nguyên Nà Sản - vùng kinh tế dọc quốc lộ 6, với vai trò vị trí trung tâm kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của toàn huyện, nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh gắn với các cơ sở công nghiệp chế biến.

Đi giữa mênh mang cao nguyên Nà Sản, những trang trại cà phê, những vườn nhãn, vườn xoài, cam, bưởi xanh mướt khoe sắc trong ánh nắng mùa xuân. Những nụ cười tươi tắn của người dân tự tin sau một vụ thu hoạch thành công và ước vọng trong xuân mới, mưa thuận, gió hòa cùng các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư ngày càng rộng mở. Đó là niềm tin, động lực cho đồng bào các dân tộc trên cao nguyên Nà Sản phát huy tiềm năng, lợi thế, hình thành lên vựa cây trái với các sản phẩm chất lượng cao, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/bung-sang-cao-nguyen-na-san-47572