Bước ngoặt căng thẳng Ukraine: Thế giới nín thở chờ bước tiếp theo của Tổng thống Putin
Một lần nữa, thế giới lại đang nín thở chờ đợi những động thái tiếp theo của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Liệu mọi việc sẽ thực sự dừng lại hay đây chỉ là điềm báo cho một tai họa lớn, có thể mở đầu thời kỳ căng thẳng mới ở châu Âu?
Bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng Ukraine
Bước đi của Tổng thống Putin khi ký sắc lệnh công nhận độc lập của 2 nước Cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine đã đánh dấu sự leo thang căng thẳng đáng kể với Mỹ và đồng minh. Điện Kremlin cho biết, Nga sẽ cử lực lượng "gìn giữ hòa bình" tới khu vực trên, trong khi các quan chức Mỹ lo ngại đây có thể là lực lượng tiên phong cho cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Ukraine mà nước này đã dự đoán trong những ngày qua.
Tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield nhận định, việc quân đội Nga được cử đến miền Đông Ukraine trên danh nghĩa "lực lượng gìn giữ hòa bình" là điều "vô nghĩa", đồng thời cáo buộc đây là "nỗ lực tạo cớ tấn công Ukraine". Các quan chức Mỹ cho biết lực lượng Nga đã "hiện diện tại khu vực" từ năm 2014.
Giữa bối cảnh tình hình địa chính trị liên tục diễn biến xấu trong những ngày qua, những quyết định được hé lộ trong những giờ và những ngày tới sẽ định hình tương lai của thế giới trong những năm tiếp theo.
Nếu Tổng thống Putin dừng mọi việc ở đây, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể được kiềm chế và thậm chí giúp cho nhà lãnh đạo Nga mở ra cánh cửa hạ nhiệt căng thẳng và dừng cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Ukraine. Một bước lùi như vậy có lẽ sẽ ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Tại Mỹ, viễn cảnh này có lẽ giúp người Mỹ giảm bớt tổn thất do giá xăng dầu và lạm phát tăng vọt cũng như giúp Tổng thống Biden tránh được sự suy giảm tín nhiệm trong năm bầu cử giữa kỳ đầy khó khăn.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Putin đã khẳng định rõ rằng, ông coi Ukraine là một phần không thể tách rời với Nga đã khiến các nhà quan sát phương Tây cho rằng Moscow sẵn sàng cho kế hoạch tấn công toàn diện vào Ukraine.
Nhiều quan chức Mỹ nhận định với CNN rằng họ coi động thái của Tổng thống Putin với 2 nước Cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine là một phần của chiến dịch tấn công mở rộng vào Ukraine.
Ngay khi Tổng thống Putin đưa ra thông báo, Tổng thống Biden đã tham vấn với các nhà lãnh đạo Pháp và Đức, đồng thời nhanh chóng ban hành gói trừng phạt tài chính và thương mại với 2 khu vực này. Tuy nhiên, ông không áp dụng làn sóng trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào nền kinh tế Nga như đã tuyên bố nếu Nga tấn công Ukraine.
Chính quyền Tổng thống Biden đã xây dựng được mặt trận NATO đoàn kết nhằm chống lại Nga trong những tuần gần đây nhưng liên minh đang đối mặt với những yêu cầu từ Quốc hội Mỹ đối với việc áp dụng một lập trường cứng rắn và mạnh mẽ hơn.
Thế giới nín thở chờ đợi bước đi tiếp theo của Nga
Thế giới sẽ nín thở chờ đợi bước đi tiếp theo của Tổng thống Putin xem liệu đó có phải là điềm báo cho tai họa lớn, chấm dứt kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh và mở đầu cho giai đoạn căng thẳng mới ở châu Âu hay không?
Thực tế này có thể dẫn đến việc Mỹ nghĩ lại về an ninh xuyên Đại Tây Dương, trong đó có việc đưa hàng nghìn quân Mỹ quay lại những căn cứ mà họ từng rời đi vào những năm 1990 và 2000. Những diễn biến này cũng làm phức tạp thêm mong muốn xoay trục của Washington sang châu Á nhằm đối phó với Trung Quốc.
Những tranh cãi địa chính trị với Nga đang buộc các nhà hoạch định chính sách Mỹ và châu Âu cân nhắc đến việc Tổng thống Putin sẽ đi xa đến đâu trong nỗ lực mà các nhà quan sát phương Tây gọi là "viết lại biên giới châu Âu".
"Điều khiến tôi lo ngại là những gì xảy ra sau diễn biến ở Ukraine. Chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng thực sự ở đây", James Clapper - cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia nhận định với CNN ngày 21/2.
Phương Tây lo ngại rằng, bình luận của Tổng thống Putin khi nói rằng người Ukraine và người Nga có quan hệ thân thích máu mủ với nhau có thể sẽ áp dụng với những quốc gia khác có số lượng lớn là người dân tộc Nga, trong đó có các nước vùng Baltic như Latvia, Litva và Estonia. Bất kỳ nỗ lực nào của Nga nhằm mở rộng nguyên tắc này đều gây ra mối nguy hiểm to lớn bởi các nước trên đã ở trong NATO và được hưởng những quyền lợi đảm bảo an ninh của liên minh.
Những ngày tới thế giới sẽ chứng kiến Tổng thống Putin sẵn sàng “nói là làm” đến đâu và bắt đầu trả lời cho câu hỏi của ông Clapper như thế nào.
Ngày 22/2, Nhà Trắng nhắc lại sẽ không có cuộc gặp ngoại giao nào giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga hay giữa các ngoại trưởng với nhau nếu Moscow tiếp tục các hành động quân sự ở Ukraine.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thì khẳng định, Moscow sẵn sàng đối thoại với Washington bởi quyết định công nhận độc lập của nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk không ảnh hưởng đến thái độ sẵn sàng đối thoại.
"Thậm chí trong những thời điểm khó khăn nhất, chúng tôi vẫn khẳng định rằng chúng tôi sẵn sàng cho tiến trình đàm phán. Đến nay, lập trường này vẫn như vậy", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga khẳng định khi được hỏi quyết định trên có ảnh hưởng đến kế hoạch cho cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hay không.
"Chúng tôi luôn ưu tiên giải pháp ngoại giao", bà Zakharova cho hay./.