Bước ngoặt lịch sử và giá trị của thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945

Những năm đầu thế kỷ XX, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều nhân sĩ, trí thức, sĩ phu yêu nước đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp nhưng đều bị thất bại do sai lầm và bế tắc về đường lối cứu nước.

Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận tư tưởng vĩ đại của V.I.Lênin, những văn kiện chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, xem đó là “chiếc cẩm nang thần kỳ”, để lựa chọn con đường cách mạng đúng đắn giải phóng dân tộc Việt Nam. Người cho rằng, để làm cách mạng thì cần có lực lượng mà muốn có lực lượng thì cần có Đảng lãnh đạo. Vì thế, Người đã tích cực tiến hành nhiều hoạt động để chuyển hóa về chất phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam từ tự phát sang tự giác, từ chưa có tổ chức đến có tổ chức và Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 3 tháng 2 năm 1930, đánh dấu một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ (Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ (Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã định ra đường lối đúng đắn và tập hợp các lực lượng xã hội tham gia cách mạng giải phóng dân tộc. Đảng ta ra đời đã xác định đúng đắn đường lối lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản, xác định đúng đối tượng của cách mạng là vừa phản đế và vừa phản phong; làm cách mạng tư sản dân quyền tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sự tài tình của Đảng đã có phương pháp hiệu quả để tập hợp lực lượng cách mạng, thông qua thành lập tổ chức Mặt trận thống nhất dân tộc. Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, nước Pháp bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh và cùng với một số nguyên nhân khác đã xuất hiện tình thế cách mạng. Tháng 11-1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương họp để đưa ra chiến lược, chỉ đạo coi trọng nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, nhanh chóng thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế, bao gồm tất cả các lực lượng có tinh thần chống đế quốc, giải phóng dân tộc.

Năm 1941, tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều chuyển biến, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Tháng 5 năm 1941, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương họp tiếp tục bổ sung chủ trương chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, khẳng định đây là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân. Muốn giành được độc lập dân tộc thì không phân biệt thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái để tạo thành một Mặt trận cách mạng chung chống Pháp, Nhật. Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh, gọị tắt là Việt Minh. Tháng 10-1941, Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình, Điều lệ. Đây là lần đầu tiên, một Mặt trận dân tộc thống nhất có hệ thống tổ chức thống nhất từ Tổng bộ đến các kỳ, các tỉnh tới các làng bản, với nhiều tổ chức chính trị yêu nước và các đoàn thể cứu quốc tham gia.

Đảng ta có bản lĩnh vững vàng, chủ động lựa chọn thời cơ lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công. Đảng ta đã chủ động nắm thời cơ Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), kịp thời đưa ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ. Tháng 5-1945, phát xít Đức bị Hồng quân Liên Xô tiêu diệt và ngày 14-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng đồng minh. Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nắm bắt thời cơ cách mạng, kêu gọi đồng bào vùng lên đấu tranh theo lá cờ của Việt Minh: “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào chủ trương lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền và cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Tiếp theo Tổng bộ Việt Minh triệu tập Đại hội quốc dân ở Tân Trào để thông qua lệnh khởi nghĩa và đưa ra 10 chính sách của Việt Minh, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca, cử Ủy ban Giải phóng dân tộc – tức là Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Theo lời hiệu triệu của Việt Minh và lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, toàn dân vùng lên khởi nghĩa. Ngày 15-8-1945, mệnh lệnh khởi nghĩa về tới Hà Nội và ngày 19-8, Mặt trận Việt Minh tổ chức nhân dân đứng lên biểu tình ở Nhà hát Thành phố và đã giành thắng lợi. Với khoảng thời gian trong hai tuần, nhân dân ta đã giành được chính quyền và Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi hoàn toàn.

Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Đây là kết quả lãnh đạo sáng tạo của Đảng, cùng với vai trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong 15 năm đã vận dụng sáng tạo những chủ trương, những ảnh hưởng tích cực và khắc phục những bất cập của Quốc tế Cộng sản để xây dựng đường lối chiến lược, sách lược phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đó là thắng lợi của đường lối lãnh đạo đã quy tụ, tập hợp được lực lượng và sức mạnh toàn dân tộc đấu tranh lật đổ ách thống trị của đế quốc, phong kiến, giành được chính quyền và quyền làm chủ về tay nhân dân.

Đảng ta lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra bước ngoặt vĩ đại của dân tộc Việt Nam và cho các dân tộc thuộc địa. Đây là thắng lợi có ý nghĩa dân tộc và thời đại lớn lao, đã đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân, đưa Việt Nam gia nhập đại gia đình vô sản quốc tế sánh vai với các cường quốc văn minh trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết đúng đắn mối quan hệ chính trị, lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công để lại những bài học quý báu cho các đảng cộng sản và các dân tộc bị áp bức. Bài học quan trọng hàng đầu đối với một đảng cộng sản trẻ tuổi là giải quyết mối quan hệ với Quốc tế Cộng sản, vận dụng đường lối chung cho phù hợp với điều kiện thực tế ở nước mình và chủ động khắc phục bệnh giáo điều, đánh giá đúng tình hình trong một điều kiện cụ thể. Quốc tế Cộng sản ra đời, hoạt động đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; là một tổ chức quốc tế giúp cho các đảng cộng sản, phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và tạo nên ba dòng thác cách mạng chĩa mũi nhọn vào chủ nghĩa đế quốc là rất to lớn. Song là một tổ chức chính trị quốc tế của các đảng, do áp dụng cơ chế tập trung dân chủ nhưng có lúc máy móc, trong khi phong trào cách mạng ở mỗi nước có những diễn biến không giống nhau, mau lẹ nên không tránh khỏi có lúc cứng nhắc, giáo điều và chưa sát thực tế.

Tình trạng đó có ảnh hưởng nhất định đối với phong trào cách mạng Việt Nam, nhưng Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chủ động khắc phục những hạn chế đó để thúc đẩy cách mạng phát triển theo mục tiêu đề ra. Đảng ta và Hồ Chí Minh đã phân tích cụ thể, đưa ra chủ trương đúng đắn về nhiệm vụ giải phóng dân tộc và lập Mặt trận có cả thành phần tư sản dân tộc, trung lưu, tiểu địa chủ yêu nước tham gia trong cuộc kịch chiến với đế quốc Pháp. Đồng thời, kêu gọi sự ủng hộ của lực lượng tiến bộ ở chính quốc và quy tụ lực lượng cách mạng rộng rãi của toàn dân tộc, để tạo nên sức mạnh tổng lực giành thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là bài học về phải có sự độc lập và sáng tạo khi tiếp thu một cách có chọn lọc những chủ trương chiến lược cách mạng mới của tổ chức quốc tế, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi là sự hội tụ của nhiều nhân tố, trong đó vai trò lãnh đạo của Đảng và đánh giá đúng tình hình để nắm bắt thời cơ cách mạng là nhân tố quyết định. Thế giới hiện nay chưa phải thế giới đại đồng, thế giới phẳng theo đúng nghĩa, xu hướng khách quan là tất cả các dân tộc đều đi lên chủ nghĩa xã hội nhưng sẽ mang những đặc điểm riêng, là một quá trình gian khổ, phức tạp, lâu dài và rất cần sự đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ, nên bài học nắm bắt cái mới, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể và phải có tính độc lập, tự chủ là cần thiết, nhưng phải biết tận dụng thời cơ để đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên. Chúng ta cần mở rộng quan hệ quốc tế, nhưng phải thận trọng với mỗi chủ thể, thực hiện tốt nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và bảo đảm lợi ích quốc gia là tối thượng. Phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là vấn đề chiến lược để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.

PGS, TS LƯU NGỌC KHẢI (Học viện Chính trị)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/buoc-ngoat-lich-su-va-gia-tri-cua-thang-loi-cach-mang-thang-tam-1945-632009