Bước sa ngã của một thanh niên miền biển

Đang học THPT thì Phùng Kiên Cường bỏ ngang đi làm và vùng biển Quất Lâm là nơi anh ta chọn làm nơi sinh cơ lập nghiệp. Cường nhanh chóng ra nhập đội ngũ những kẻ chuyên làm môi giới, mời chào khách du lịch vào các nhà hàng, quán ăn kiêm thêm nhu cầu 'thầm kín' của đám mày râu.

Trong một lần làm theo sự chỉ đạo của “đàn anh”, Cường đã nhẫn tâm hại đời một thiếu nữ để rồi phải trả giá bằng bản án 19 năm 6 tháng tù.

Bước ngoặt cuộc đời

Chúng tôi gặp Phùng Kiên Cường, SN 1999, ở xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, khi anh ta mới vào trại cải tạo được hơn một năm. Mọi việc từ sinh hoạt, lao động đến học tập, qui củ trong trại giam với Cường mới chỉ là bắt đầu để dần quen.

Nét mặt tư lự, Cường bảo, không phải đến lúc vào trại cải tạo mới có cảm giác ân hận mà ngay từ lúc ngồi đối diện với các điều tra viên CA huyện Giao Thủy để thuật lại những việc làm của mình, được nghe giải thích, Cường đã nhận ra hành vi sai trái của mình.

Cường bảo, khi hiểu được việc làm của mình là phạm pháp, anh ta hiểu rằng đồng tiền kiếm được bấy lâu nay vẫn hãnh diện với bạn bè đều là vô nghĩa và phi pháp. Đến lúc đó, Cường mới thấy thương bố mẹ, thương ông bà và ân hận vì việc làm của mình đã làm hoen ố danh tiếng của cả gia đình.

“Ông bà em đều là những người có công với cách mạng, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ tới khi về địa phương đều sống rất mẫu mực, được mọi người yêu quí. Tại em không hiểu biết, suy nghĩ non kém mà những điều tốt đẹp gia đình gây dựng lên đổ xuống sông xuống biển hết. Giờ đi đâu chắc ông bà, bố mẹ em không dám nhìn mặt ai, mọi người chắc đau khổ lắm”, Cường bộc bạch suy nghĩ của mình, nét mặt thoáng buồn.

Lần đầu tiên phạm tội nhưng chàng thanh niên này đã phạm liền lúc 3 tội nghiêm trọng: mua bán người, mua bán trẻ em và hiếp dâm trẻ em. Thời điểm phạm tội, Cường chưa tròn 20 tuổi.

Theo lời Cường, là thân phận làm thuê nên chủ bảo sao phải làm vậy, không dám cãi. Chính vì thế mà khi được phân công đưa “gái” đi bán, nhiệm vụ của Cường là làm sao thu được đúng số tiền chủ yêu cầu mang về, còn chuyện người mua làm gì với “món hàng” đó thì anh ta không cần biết.

Hỏi Cường làm việc đó lâu chưa, mỗi lần được chủ trả công bao nhiêu tiền, anh ta lặng im không đáp. Nam thanh niên này bảo, ngoài số tiền lương trả theo tháng, thi thoảng cũng được chủ cho thêm nhưng tất cả số tiền kiếm được, Cường chưa lần nào đem về biếu bố mẹ.

Theo lời Cường kể thì có tháng anh ta thu nhập tới 20 triệu đồng nhưng đều ăn tiêu mua sắm phục vụ bản thân hết. Chỉ tới khi Cường bị bắt, bố mẹ mới hay chuyện.

“Thi thoảng vào những dịp giỗ chạp em cũng ghé về qua nhà. Bố mẹ, người thân có hỏi về cuộc sống, công việc nhưng em chỉ đáp là làm thuê cho quán ăn. Chắc thấy em ăn mặc không được thuận mắt nên có lần ông bảo làm gì thì làm cũng phải cân nhắc cẩn thận con ạ vì đồng tiền nó bạc lắm. Em chỉ vâng dạ vì nghĩ người già cứ hay lo xa, ai dè”, Cường bỏ dở câu nói giữa chừng, nét mặt buồn thẳm.

Trong một lần được chủ giao nhiệm vụ đưa một cô gái đi “tiếp khách”, Cường để cô gái này trốn thoát ra ngoài trình báo CA nên ngay sau đó cả nhóm bị bắt.

Vì nạn nhân đang tuổi vị thành niên và trước khi bị ép đi bán dâm còn là nạn nhân của một vụ mua bán người khác nên cả nhóm trong đó có Cường bị kết án về các hành vi buôn bán người, buôn bán trẻ em và hiếp dâm trẻ em. Nhận mức án 19 năm 6 tháng tù, Cường về trại giam Ngọc Lý cải tạo.

Các phạm nhân trại giam Ngọc Lý trong giờ lao động, cải tạo. Ảnh: Hà My

Các phạm nhân trại giam Ngọc Lý trong giờ lao động, cải tạo. Ảnh: Hà My

Mong được người thân tha thứ

Theo lời tâm sự của Cường thì anh ta sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều làm nông nghiệp. Cường là con lớn trong nhà và mặc dù kinh tế gia đình cũng chỉ tàm tạm song việc học hành của các con đều được bố mẹ chăm chút và tạo điều kiện.

Cường tự đánh giá bản thân là học lực trung bình và không có môn nào nổi trội, tuy nhiên vẫn thi đỗ vào trường THPT công lập. Người ta thi không đậu vào trường công lập còn phải tìm trường bán công, dân lập để học hành, đằng này tiền đóng góp không nhiều như trường dân lập song Cường lại không muốn học.

Sự đột ngột bỏ ngang của Cường khiến cả gia đình rất buồn, nhất là ông bà nội. Mọi người muốn Cường học hành tử tế, sau này có ngành nghề để tự lập làm gương cho các em là con của cô, dì, chú, cậu nhưng Cường lại không thích.

Bỏ học ở nhà lông bông một thời gian, Cường lên TP Nam Định tìm việc làm song lại dạt về bãi biển Quất Lâm để rồi một thời gian ngắn sau thì phạm tội.

Nhớ lại những ngày còn được tự do bay nhảy, Cường tâm sự: “Ngày nghỉ học em chỉ muốn đi học một nghề gì đó nhưng rồi cứ lần lữa mãi. Tới khi ở nhà chơi chán, em bỏ ra TP tìm việc và làm đủ các việc từ trông xe, bảo vệ, chạy bàn, rửa cốc chén trong quán bia,… việc nào em cũng nhận làm miễn là có chỗ ăn, nghỉ. Thời gian ở đây, em quen một anh bạn và được anh này rủ xuống bãi biển Quất Lâm làm thuê cho anh ta. Ở đây, công việc của em là đưa đón người theo lệnh của chủ tới những địa chỉ khách đã hẹn”.

Cường bảo lúc đó thấy được trả công cao lại không phải làm việc nặng nhọc, vất vả thì thấy thích và cơ bản là do trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn hẹp nên chỉ suy nghĩ đơn giản rằng mình là người làm thuê, chủ sai gì làm nấy thì việc nào chủ sai thì chủ phải chịu trách nhiệm chứ không phải mình.

“Vào trại giam được nghe phổ biến kiến thức pháp luật, được nghe các chú quản giáo phân tích em mới hiểu việc làm của mình là sai. Em ân hận vô cùng”, Cường bộc bạch.

“Khi biết bố mẹ đã nộp đủ số tiền phải bồi thường cho bị hại, em hiểu rằng bố mẹ đã cố gắng lắm rồi. Trong thâm tâm em rất thương bố mẹ song vẫn mong được người thân tha thứ để em có cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Ở trong này em sẽ cố gắng để sớm được trở về”, Cường thổ lộ suy nghĩ của mình như một lời hứa trước khi chia tay chúng tôi về nơi làm việc.

Nghe anh ta nhắn nhủ, chúng tôi cũng hy vọng vấp váp đầu đời của thanh niên này sẽ là bài học đắt giá để sai lầm của anh ta không bao giờ lặp lại nữa.

Nguyễn Vũ - Hà My

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/buoc-sa-nga-cua-mot-thanh-nien-mien-bien-223042.html