Bước tiến ấn tượng của nữ cung thủ Hà Nội
Nguyễn Thị Oanh trở thành vận động viên tiêu biểu nhất toàn quốc năm 2019
(HNM) - Hiếm vận động viên nào lại có bước tiến ấn tượng như nữ cung thủ Hà Nội Đỗ Thị Ánh Nguyệt. Chỉ sau gần hai năm tập luyện bắn cung, cô đã trở thành vận động viên đầu tiên của Hà Nội giành vé tham dự Olympic 2020, giành Huy chương vàng SEA Games 2019.
Nữ cung thủ Hà Nội Đỗ Thị Ánh Nguyệt. Ảnh: Quý Lượng
Con đường đến với bắn cung của cô gái sinh năm 2001 này bắt nguồn từ sự… không có duyên với bóng rổ. Phó Trưởng bộ môn Bóng chuyền - Bóng rổ, phụ trách môn bóng rổ (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội) Đào Văn Kiên là người trực tiếp tuyển chọn Đỗ Thị Ánh Nguyệt từ Hưng Yên về cho đội tuyển trẻ bóng rổ nữ Hà Nội vào tháng 7-2016. Theo ông Đào Văn Kiên, khi ấy cô bé người xã Lạc Hồng (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) này có chiều cao khá tốt và nhanh nhẹn hơn so với bạn cùng lứa.
Tất nhiên, không dễ để Đỗ Thị Ánh Nguyệt đến với thể thao thành tích cao, bố mẹ cô cũng muốn con gái tiếp tục học văn hóa ở quê nhà. Nhưng rồi tình yêu thể thao cùng mong muốn đi theo thể thao đỉnh cao của Nguyệt đã thuyết phục được bố mẹ. Trong 7 tháng tập luyện tại đội bóng rổ trẻ nữ Hà Nội, Đỗ Thị Ánh Nguyệt cũng phần nào chứng tỏ được tố chất. Thế nhưng, chính các huấn luyện viên ở đội bóng rổ lại nhìn ra những điểm phù hợp với môn bắn cung của Đỗ Thị Ánh Nguyệt. Họ tin rằng, cô bé này sẽ đạt nhiều thành công hơn nếu gắn bó với bắn cung thay vì bóng rổ. Cũng vì vậy, họ đã liên hệ với huấn luyện viên Hoàng Anh của đội trẻ bắn cung Hà Nội để đưa Ánh Nguyệt thử làm quen với môn thể thao này.
Song, Ánh Nguyệt lại không muốn tập bắn cung và muốn về nhà. Nhưng rồi sự thuyết phục, động viên của các thầy, cô đã giúp cô gái này đến với môn thể thao có đặc thù khác hẳn bóng rổ. Ánh Nguyệt chia sẻ, đang từ một môn thể thao “động” như bóng rổ lại chuyển sang môn thể thao “tĩnh” như bắn cung cũng mang đến trải nghiệm thực sự thú vị. Và đúng như dự đoán của các huấn luyện viên, Ánh Nguyệt nhanh chóng thích nghi với bắn cung, ở nội dung cung 1 dây và tiến bộ rất nhanh.
Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng cho biết, ngay sau Đại hội Thể thao toàn quốc, trung tâm đã giao cho các bộ môn chọn lọc những vận động viên trẻ có khả năng đạt thành tích tốt trong tương lai để đầu tư mạnh, trong số đó có tên Đỗ Thị Ánh Nguyệt. Nguyệt được đi tập huấn tại Hàn Quốc, ở trung tâm huấn luyện bắn cung hàng đầu cùng đội tuyển Hàn Quốc.
Chính sự đầu tư từ ngành Thể thao Hà Nội đã giúp Đỗ Thị Ánh Nguyệt được góp mặt tại đội tuyển quốc gia để rồi hoàn thành hàng loạt mục tiêu mà chính cô ít ngờ tới. Ngay trước thềm SEA Games 30 năm 2019, chỉ gần 2 năm sau khi làm quen với bắn cung, cô giành Huy chương đồng ở giải châu Á, qua đó giành tấm vé tham dự Olympic 2020. Đến SEA Games 30, cô lại cùng “chị cả” Lộc Thị Đào và đồng đội Nguyễn Thị Phương giành tấm Huy chương vàng đồng đội nữ, nội dung cung 1 dây. Thế là, ở cả hai sân chơi quốc tế quan trọng với bắn cung Việt Nam, dù lần đầu góp mặt, Đỗ Thị Ánh Nguyệt đều giành thành tích ấn tượng. Trong đó, tấm vé dự Olympic 2020 của cô cũng mở ra những cơ hội, mới tại đấu trường này cho thể thao Việt Nam cũng như Hà Nội.
Với thành tích ấn tượng ấy nên Ánh Nguyệt đã có tên trong danh sách bình chọn cuối của hạng mục “Vận động viên trẻ của năm” tại Cúp Chiến thắng 2019, cuộc bầu chọn những đội tuyển, vận động viên xuất sắc của thể thao Việt Nam, sẽ công bố vào tối 15-1 tới.
Tuy có bước tiến nhanh chóng, nhưng như chia sẻ của các huấn luyện viên và chính Ánh Nguyệt thì chặng đường phía trước còn dài, còn nhiều chông gai. Tất cả vẫn cần đến sự đam mê, nỗ lực và đương nhiên là sự đầu tư từ ngành Thể thao cấp trung ương cũng như Hà Nội.