Bước tiến mới trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực

Ngày 2/6/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là bước tiến mới đánh dấu giai đoạn mới trong công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực.

Quyết tâm đẩy lùi tiêu cực

Tôi có một người bạn chuyên tổ chức các triển lãm, trình diễn nghệ thuật đương đại ở thành phố trung tâm của cả nước. Vừa qua chị “mách” với tôi câu chuyện khi tổ chức triển lãm cho một nghệ sĩ Việt Nam trẻ và tài danh. Chị dở khóc dở cười khi được cán bộ của cơ quan giữ quyền cấp phép cho triển lãm “soi” và hỏi về một tác phẩm chuyển thông điệp nỗi nhớ quê hương và chuyển dịch văn hóa qua hương vị món phở - một đoạn video-art chiếu trên màn hình trước tác phẩm sắp đặt (trong tủ kính) một đoạn xương bò đã ninh nhừ sau quá trình chế biến nước dùng để nấu phở được đổ khuôn và đúc lại bằng kim loại theo ý tưởng nghệ thuật của nghệ sĩ: “Cái gì bảo đảm đây là xương bò chứ không phải là xương người?”. Một nhà nghệ thuật có uy tín, dù không thể cấp biên bản pháp y, đã phải đứng ra bảo lãnh, chứng nhận đó là xương bò thật (!). Cuối cùng thì triển lãm cũng đã được cấp phép, nhưng sau (chỉ có) năm lần “bôi trơn” ở các “khâu” khác nhau (!). Chị bạn tôi bức xúc: “Chẳng phải kinh doanh buôn to bán lớn, đến tổ chức hoạt động nghệ thuật ở mức khiêm tốn mà cũng bị mè nheo đòi “bôi trơn”. Thật quá đáng!”. Đó cũng chỉ là câu chuyện mới nhất tôi được nghe kể về việc hạch sách “hành dân” của mấy “ông quan cách mạng” (chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) thời nay. Cách “hành” dân đó cũng không có gì mới. Chỉ có điều những việc “gần với kinh tế” thì dễ gặp hơn và người ta cũng “dễ thỏa thuận” hơn. Nỗi bức xúc của chị bạn tôi cũng là nỗi niềm chung của những ai đã (dù chỉ một lần) gặp tệ nhũng nhiễu, gây khó dễ của những người có chức, có quyền.

Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: nhandan.vn

Hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà chỉ nhằm mục đích đòi ăn “hối lộ vặt” thường liên quan trực tiếp đến những cán bộ tiếp xúc (nhưng có quyền “cho” hoặc “không cho” phép gì đó) với doanh nghiệp hoặc người dân. Tuy quy mô chỉ là “vặt” nhưng hiện tượng này đã gây tác động xấu tới người dân và xã hội. Nó tạo ra những rủi ro về thủ tục pháp lý (làm chậm hoặc sai lệch các quy trình, thủ tục hành chính), làm nản lòng các nhà đầu tư. Nó tác động trực tiếp đến người dân, đặc biệt là người nghèo. Những khoản “bôi trơn” chỉ là vặt vãnh so với số tiền những “đại án” tham nhũng được phát giác nhưng làm “ô nhiễm” không ít lòng tin của nhân dân về sự minh bạch, về tinh thần “chí công vô tư” trong hệ thống các cơ quan công quyền. Những tiêu cực đó là “căn bệnh” nhất thiết phải chữa nếu chúng ta muốn lành mạnh hóa các mối quan hệ của người dân với các cơ quan có nghĩa vụ phục vụ nhân dân.

Đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tiêu cực, nhũng nhiễu là nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đó cũng là yêu cầu của một xã hội nếu muốn phát triển lành mạnh. Đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế và lòng dân sẽ góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng phát động, toàn dân ủng hộ. Đó cũng là một trong những mục tiêu được hướng đến trong Quy định số 67-QĐ/TW mới được ban hành. Theo Quy định này, ngoài việc xử lý các vụ tham nhũng lớn (nếu có), Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (viết tắt là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) còn được giao nhiệm vụ chỉ đạo xử lý thông tin về các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực (quy mô và cấp nhỏ hơn) ở địa phương do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp, kiến nghị.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh như “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh còn như “tấm lưới quét” hữu hiệu (mắt nhỏ) để không bỏ lọt sai phạm, để đẩy lui tình trạng “Vua thì xa mà bản nha thì gần” trong câu dân gian vẫn thường nói về tệ nhũng nhiễu, về “luật riêng” ở “mỗi cửa” thay cho tinh thần thượng tôn luật pháp chung.

Mở rộng phạm vi, chủ động phòng ngừa

Đại hội XIII của Đảng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này. Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên là nguồn gốc dẫn đến và gây ra tham nhũng, tiêu cực. Chống suy thoái cũng là chống tham nhũng, tiêu cực từ gốc. Ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 32-QĐ/TW bổ sung chức năng của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng là phòng, chống cả tiêu cực, thay vì chỉ phòng, chống tham nhũng như trước đây. Xử lý các vụ án, vụ việc và hành vi tiêu cực khác ngoài tham nhũng gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là nội dung bổ sung quan trọng trong thực tiễn Đảng đang quyết tâm đấu tranh với những hành vi xấu. Công cuộc chống “giặc nội xâm” của Đảng đang tiếp tục được mở ra trên nhiều lĩnh vực mới, khó, tồn tại lâu dài như tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công - những lĩnh vực có nhiều tiêu cực mà chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Những thành quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã loại bỏ những “con sâu” - những cán bộ, đảng viên đã thoái hóa, biến chất. Việc xử lý nghiêm minh còn có ý nghĩa cảnh cáo, răn đe, phòng ngừa với những vi phạm có thể xảy ra, qua đó thúc đẩy quá trình lành mạnh hóa xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Việc ban hành Quy định 67-QĐ/TW đáp ứng yêu cầu về cả lý luận và thực tiễn, thể hiện rõ quyết tâm và sự quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy thành lập, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phạm vi hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trực tiếp xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở địa phương, trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết, hoặc giải quyết lại việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của địa phương nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng quy định.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Ban này cũng sẽ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực.

“Trên dưới đồng lòng”

Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là chủ trương quan trọng, thể hiện rõ tinh thần triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương - “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!”. Tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương và có trách nhiệm phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi có vụ việc nghiêm trọng xảy ra ở địa phương sẽ bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất, toàn diện và thông suốt.

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân tiến hành quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu và đã đạt nhiều kết quả cụ thể quan trọng, toàn diện. Từ thực tiễn hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã cho thấy việc lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm đã tạo được những kết quả mang tính đột phá, làm cho nhân dân tin tưởng hơn vào quyết tâm xử lý tham nhũng, làm trong sạch nội bộ Đảng và hệ thống chính trị. Thành quả đó đã tạo hiệu ứng xã hội tích cực, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, đánh giá cao và ủng hộ. Với quyết tâm của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với “thanh bảo kiếm” kỷ luật Đảng trao, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thiên Phương

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/buoc-tien-moi-trong-cong-cuoc-dau-tranh-chong-tham-nhung-tieu-cuc-68971.html