Bước tiến mới trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

Ngày 22/12/2015, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 205 về việc “Hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) giai đoạn 2016-2020”, Nghị quyết số 16 /2020 “Quy định một số chính sách hỗ trợ công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025”, từ đó công tác DS-KHHGĐ tỉnh ta có bước phát triển tích cực, nhiều chỉ tiêu đạt cao và vượt so với mục tiêu đề ra.

Lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh trao đổi nghiệp vụ với cán bộ phòng tuyên truyền về các giải pháp nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới

Lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh trao đổi nghiệp vụ với cán bộ phòng tuyên truyền về các giải pháp nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới

Để đạt mục tiêu về chất lượng DS-KHHGĐ hằng năm đề ra, các cấp, các ngành, các địa phương đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của tỉnh, tích cực triển khai nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể, trọng tâm là công tác tư vấn, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ).

Đổi mới, đa dạng phương pháp, hình thức tuyên truyền với các loại hình, mô hình phù hợp với tâm lý, phong tục, tập quán, hướng đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc vận động giảm sinh, CSSK vị thành niên, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn, thực hiện mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới…

Với vai trò nòng cốt trong thực hiện chương trình DS-KHHGĐ, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành phố xây dựng, củng cố mạng lưới cán bộ chuyên trách và đội ngũ CTV ở cơ sở nhiệt tình, trách nhiệm.

Đến nay 100% xã, phường, thị trấn đã có Ban DS-KHHGĐ, có cán bộ kiêm nhiệm hoặc chuyên trách; hơn 1.700 CTV dân số thôn, bản, khu dân cư.

Xây dựng được các mô hình CLB phù hợp với trình độ, tập quán văn hóa của các địa phương như: Mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống”; CLB “Không sinh con thứ 3”, “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên” tại cộng đồng và duy trì sinh hoạt đều đặn hằng tuần, hằng tháng, cung cấp thông tin SKSS/KHHGĐ cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, qua đó mỗi người nâng cao ý thức trong việc triển khai thực hiện chiến lược DS-KHHGĐ với các biện pháp an toàn, hiệu quả.

Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ được tổ chức thực hiện hằng năm 2 đợt ở tất cả các địa phương trong tỉnh.

Ngành Y tế và các đơn vị được tỉnh giao nhiệm vụ đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nhân lực, địa điểm, trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu, thực hiện tại các xã phường, thị trấn trong tỉnh. Phân phối và quản lý các phương tiện tránh thai đầy đủ, kịp thời, thuận tiện; cung ứng trên nhiều kênh phân phối, đáp ứng yêu cầu các dịch vụ gần dân, an toàn và hiệu quả.

Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống được thực hiện tại 37 xã tại 7 huyện trong tỉnh.

Thông qua mô hình, cung cấp thông tin, tư vấn cho các nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn, kiến thức làm cha mẹ; đồng thời can thiệp ngăn chặn những trường hợp có nguy cơ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, nhà trường tạo điều kiện cho vị thành niên, thanh niên chủ động tìm hiểu, tiếp cận các thông tin, kiến thức về SKSS/KHHGĐ thông qua các buổi truyền thông tại trường học giúp vị thành niên, thanh niên có những hiểu biết cơ bản về CSSKSS, các biện pháp tránh thai, tránh mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn ở tuổi vị thành niên và thanh niên chưa xây dựng gia đình.

Mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ trên địa bàn tỉnh liên tục được mở rộng. Trình độ cán bộ y tế ngày càng được nâng cao. Việc triển khai các dịch vụ cung cấp các biện pháp tránh thai an toàn tại cộng đồng đã tạo điều kiện để thanh thiếu niên, vị thành niên được khám, hướng dẫn điều trị kịp thời, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Với nhiều cách làm sát thực, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với trình độ dân trí và tập quán văn hóa truyền thống ở các vùng miền trong tỉnh, chương trình DS - KHHGĐ của tỉnh đã đạt 9/9 chỉ tiêu Nghị quyết 205 của HĐND tỉnh đề ra, trong đó nhiều chỉ tiêu đạt cao.

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,5% (2015) xuống còn 1,13% năm 2020; mức giảm sinh còn 1,32%o; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 73%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 64,5%; trên 80% người cao tuổi được tư vấn, được cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng...

Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng, tỷ lệ phụ thuộc giảm. Chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh đã giảm nhanh từ 115,34 bé trai/100 bé gái năm 2015, giảm xuống còn 113,9 bé trai/100 bé gái năm 2020.

Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 và 5 tuổi giảm; 98% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm và uống đầy đủ 6 loại vắc xin.

Tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS đúng độ tuổi (năm 2014 tỉnh được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2).

Đến nay, tỷ suất sinh thô toàn tỉnh đã giảm xuống còn dưới 15,46%, thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên toàn tỉnh giảm xuống còn 1,17%.

Cơ cấu dân số theo độ tuổi đã thay đổi dần theo hướng tích cực, tỷ lệ dân số dân số trong độ tuổi lao động tăng; tỷ lệ dân số phụ thuộc giảm; cơ cấu thành thị và nông thôn cũng thay đổi đáng kể với chiều hướng tích cực, tỷ lệ dân số thành thị đạt trên 25,63%.

Chất lượng dân số tăng đáng kể, là một trong 20 tỉnh, thành phố đạt chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất của cả nước.

Bài, ảnh: Xuân Hùng

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/72523/buoc-tien-moi-trong-cong-tac-dan-so---ke-hoach-hoa-gia-dinh.html