Buổi gặp mặt đặc biệt kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Hòa chung không khí hướng tới kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ 8/3, sáng ngày 4/3, tại Hà Nội, Ban nữ công - Công đoàn Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Nhóm không chính thức các Đại sứ về Bình đẳng giới và Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (AWCH) tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ 8/3.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự lễ gặp mặt kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tham dự buổi gặp mặt có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Thường trực kiêm Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ

Thứ trưởng Thường trực kiêm Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Hiện nay, tại Bộ Ngoại giao, nữ giới chiếm tới 50%, trưởng các cơ quan đại diện có 13 nữ Đại sứ, 25% cán bộ nữ giữ vị trí Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng các đơn vị, những con số này ngày càng tăng. Những sự kiện lớn của Bộ Ngoại giao trong những năm qua có sự đóng góp rất lớn của cán bộ nữ.

Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đông đảo Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, các Phu nhân Đại sứ, lãnh đạo Hội Phụ nữ Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Công đoàn viên chức Việt Nam và các cán bộ của Bộ Ngoại giao.

Buổi gặp mặt năm nay có ý nghĩa đặc biệt, kỷ niệm những dấu mốc quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, nhất là 110 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới và 10 năm thành lập Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dành tặng các nữ Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, các Phu nhân Đại sứ và toàn thể cán bộ nữ của Ngành ngoại giao Việt Nam những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, với lòng đam mê nghề nghiệp, với khả năng quán xuyến, nhạy bén xã hội, khả năng kết nối rộng rãi và hơn hết là khả năng thấu hiểu và cảm thông, chị em đã thực sự phát huy được “sức mạnh mềm” của ngoại giao, gắn kết con người, gắn kết các cộng đồng và các dân tộc, đưa trái tim đến với trái tim.

AWCH - Sứ mệnh gắn kết

Nhóm AWCH đến chào Trưởng ban Dân vân Trung ương Trương Thị Mai, ngày 3/3. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh những thành công của Nhóm AWCH sau 5 năm thành lập. Trong buổi lễ, những gương mặt của Nhóm AWCH có lẽ chẳng còn xa lạ, không chỉ trong ngày hôm nay mà suốt nửa thập kỷ qua, họ đã “cháy” hết mình cho sứ mệnh gắn kết phụ nữ, cộng đồng ASEAN thông qua những sáng kiến và hoạt động thiết thực nhằm tăng cường hiểu biết, tình hữu nghị giữa nhân dân các nước ASEAN và giữa ASEAN với bạn bè quốc tế.

“Với Nhóm AWCH, chúng tôi vô cùng tự hào rằng, dù là cán bộ ngoại giao đương chức, các phu nhân nhưng chúng tôi cũng là người mẹ, người chị và chúng tôi đã không ngừng phát huy sức mạnh mềm của người phụ nữ để thực hiện sứ mệnh gắn kết giữa những con người, những dân tộc”, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Chủ tịch Danh dự Nhóm AWCH chia sẻ bên lề buổi lễ.

“Sau 5 năm, chúng tôi đã làm được đúng những điều mong mỏi, đó là góp phần vào việc hình thành bản sắc ASEAN. Các thành viên trong Nhóm luôn tâm niệm rằng, khi các Đại sứ đã làm việc trên các “mặt trận” chính để xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN thì những phu nhân, những hậu phương phải có nhiệm vụ gắn bó từng “tế bào” ASEAN, từng gia đình ASEAN lại với nhau, để từ đó bản sắc ASEAN trở nên chặt chẽ hơn. Ngày nay, chắc rằng người Việt Nam biết về ASEAN nhiều hơn năm năm trước, cán bộ ngoại giao Việt Nam thấy được mình là công dân ASEAN, đặt chân tới đâu cũng cảm thấy gắn bó”, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh.

Đằng sau thành công của những ngày hội ASEAN, ngày Gia đình ASEAN với các đối tác, lễ hội ẩm thực thường niên… là sự quyết tâm và nỗ lực của Nhóm trong việc hiện thực hóa sứ mệnh tăng cường gắn kết.

Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, các sự kiện, sáng kiến của Nhóm ngày càng được mở rộng, không chỉ giữa các nước ASEAN với nhau mà còn cả cộng đồng quốc tế tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Nhóm nữ tri thức, Hội đồng doanh nhân nữ, Ban nữ công Bộ Ngoại giao... Qua nửa thập niên, từ một Nhóm chỉ gồm các thành viên đến từ 10 nước ASEAN, đến nay, Nhóm đã có sự tham gia của thành viên đến từ 5 tổ chức phụ nữ Việt Nam và 16 đối tác ASEAN. Quy mô này hứa hẹn sẽ tiếp tục được mở rộng và có được những hoạt động hiệu quả và thiết thực hơn nữa.

Thành viên Nhóm AWCH gặp mặt đầu xuân 2020. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Là người phụ nữ trước khi là những nhà ngoại giao, vì vậy, với Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga và các thành viên trong Nhóm, sự sẻ chia về tình cảm, tinh thần nương tựa vào nhau có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống. Đến với nhau như những chị, em trong một gia đình, các thành viên thăm hỏi lẫn nhau lúc ốm đau, chia sẻ các thông tin về dịch vụ giáo dục, y tế, mua sắm hay ẩm thực… Nhóm thường xuyên tổ chức các chuyến đi địa phương để tìm hiểu về Việt Nam, phối hợp với Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam để quảng bá văn hóa khu vực. Đó là những hoạt động không chỉ có ý nghĩa về mặt đối ngoại mà còn làm chặt thêm sợi dây kết nối con người.

“Phụ nữ có lẽ sẽ thấu hiểu hơn hết những khổ đau khi trải qua những gian truân trong cuộc đời. Vì vậy, hoạt động thiện nguyện luôn được Nhóm chú trọng với mong muốn chia ngọt sẻ bùi cùng những số phận nghèo khó, đem đến cho các cháu nhỏ một cuộc sống tốt đẹp hơn, thắp sáng niềm tin của từng gia đình ở từng vùng miền trên khắp cả nước”, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga bày tỏ.

Qua các chương trình trong bảy năm qua, Nhóm đã huy động được các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam đóng góp số tiền lên tới 3,5 tỷ đồng thực hiện các hoạt động thiện nguyện trải dài khắp ba miền đất nước, từ Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Ninh cho tới Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu… Để qua đó, người dân Việt Nam gần gũi hơn với ASEAN và bạn bè quốc tế. Ngược lại, bạn bè quốc tế và ASEAN cũng hiểu và yêu Việt Nam hơn.

Năm năm với nhiều thành tựu nhưng có lẽ mới là những nền tảng ban đầu để Nhóm phát triển hơn nữa trong tương lai, song hành cùng sự phát triển của mái nhà chung ASEAN. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho biết, trong năm 2020, khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò “kép”, Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nhóm mong muốn làm được nhiều điều ý nghĩa hơn nữa. Hoài bão của Nhóm là cùng các Đại sứ, các nhà ngoại giao, các phu nhân và chị em nữ ngoại giao đóng góp để phục vụ thật tốt các hội nghị cấp cao, đón tiếp các nguyên thủ, phu nhân, phu quân thật tận tình, chu đáo; nỗ lực để họ hiểu hơn về Việt Nam qua các chuyến thăm quan, các chương trình văn hóa và ẩm thực; kết nối các phu nhân, phu quân với thế hệ trẻ để gắn kết giới lãnh đạo với người dân. Nhóm cũng bắt đầu có những ý tưởng kết nối xuyên biên giới, giữa các nước trong ASEAN với nhau.

Các thành viên Nhóm AWCH nghe giới thiệu về ẩm thực Malaysia. (Ảnh: Trung Hiếu)

Thúc đẩy bình đẳng giới

Chủ đề thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn được nhắc tới trong những dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, chủ đề này là ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển của Việt Nam và cũng là một trong những trọng tâm đối ngoại của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đang và sẽ được khẳng định qua việc thúc đẩy ưu tiên về chương trình nghị sự và các sáng kiến của Việt Nam liên quan tới phụ nữ và trẻ em gái trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 và nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 - 2021 của Việt Nam.

“Là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020–2021, Việt Nam đang đứng trước cơ hội chứng minh vai trò dẫn dắt trong thúc đẩy bình đẳng giới ở khu vực và trên thế giới. Liên hợp quốc sẵn sàng ủng hộ người dân Việt Nam trên hành trình trọng đại này”, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Đồng Chủ tịch Nhóm không chính thức các Đại sứ về Bình đẳng giới tại Hà Nội khẳng định tại buổi lễ.

Các thế hệ ngoại giao nữ Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ kỷ niệm ngày 8/3. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Về vấn đề này, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhận định, thực hiện bình đẳng giới có lẽ còn là một hành trình rất dài, cần tới 25 năm, 50 năm hoặc 100 năm nữa. Mỗi thời đại, bên cạnh những định kiến cũ, đều sẽ có những vấn đề mới đối với phụ nữ trong phấn đấu để vươn lên bình đẳng, bình đẳng giới sẽ vẫn cần phải làm nhiều hơn khi những thành tựu còn hạn chế. Đối với khu vực, trong năm 2020, ASEAN cần có những biện pháp thiết thực để tăng cường nhận thức về bình đẳng giới tốt hơn, có những hành động để trao đổi kinh nghiệm giữa các nước và cần có quyết tâm chung ở cấp cao nhất của Hiệp hội về bình đẳng giới. Với vai trò kép, Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa ở tầm chính sách, quyết tâm chính trị và hoạt động cụ thể để thúc đẩy bình đẳng giới nói chung.

Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay có chủ đề: “Tôi đến từ Thế hệ Bình đẳng: Hiện thực hóa quyền của phụ nữ”. Chủ đề này kêu gọi chúng ta tập trung đẩy mạnh các nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cũng như trẻ em gái trên toàn thế giới.

Các nhà ngoại giao nước ngoài biểu diễn làn điệu Quan họ cùng các liền anh, liền chị Bắc Ninh. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đại sứ Mexico tại Việt Nam Sara Valdes Bolanõ:

Chúng tôi đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với vai trò dẫn dắt trên cương vị là thành viên tích cực, chủ động và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ góp phần quan trọng để Khuôn khổ Hành động Bắc Kinh được thực hiện đầy đủ.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/buoi-gap-mat-dac-biet-ky-niem-ngay-quoc-te-phu-nu-83-110871.html