Buồn vui lẫn lộn khi '3 năm đẻ 2 đứa'

Con trai đầu tròn một tuổi cũng là lúc Oanh Nguyễn (26 tuổi, Hà Nội) mang bầu lần hai. Dự tính, đến tháng 12 năm nay, gia đình đón thêm một 'công chúa nhỏ'.

Oanh chia sẻ vì khoảng cách sinh giữa hai bé chỉ khoảng 1,5 năm, thể trạng của người mẹ sẽ yếu hơn vì cơ thể chưa khỏe hoàn toàn.

Ở lần đầu, em bé chào đời bằng phương pháp sinh mổ. Lần này, cách thức cũng tương tự nhưng đòi hỏi người mẹ cần phải cẩn thận hơn.

Với nhiều gia đình đẻ liền, quá trình "3 năm đẻ 2 đứa" vừa chứa nhiều niềm vui lẫn khó khăn. Ngoài chuyện phải tính toán để lo liệu đủ tiền bạc nuôi hai con nhỏ, sức khỏe của người mẹ cũng đối mặt với nhiều vấn đề.

Trong thời kỳ mang bầu, nhiều dưỡng chất trong cơ thể người mẹ chuyển qua con. Quá trình vượt cạn cũng khiến người mẹ yếu đi nhiều và cần thời gian phục hồi.

Nếu thể chất chưa phục hồi tốt mà tiếp tục mang thai, bà bầu dễ rơi vào mệt mỏi. Ngoài ra, giai đoạn vừa bầu bí, vừa chăm sóc con nhỏ mới xấp xỉ một tuổi cũng dễ gây quá tải.

3 năm đẻ 2 con

Cứ mỗi 2 tuần, vợ chồng Oanh lại đều đặn đi khám bác sĩ. Ngoài kiểm tra sự phát triển của thai nhi, cô còn cần phải xem vết mổ từ lần sinh trước vẫn lành lặn hay có bị rách hay không.

Ngoài ra, lần này, cô sẽ phải xin mổ chủ động (phương pháp mổ “bắt con” trước khi chuyển dạ, thường được thực hiện với những trường hợp đã từng sinh mổ), thay vì đợi thai nhi đủ ngày đủ tháng trong bụng mẹ.

Còn con trai đầu lòng trước giờ uống sữa công thức, vì vậy cô không cần phải cai sữa mẹ cho con trong quá trình mang bầu lần hai.

"Hiện tại, sức khỏe của mình trộm vía ổn định, không quá nghén. Mọi sinh hoạt vẫn diễn ra như bình thường và mẹ bầu tránh hoạt động mạnh, đi đứng nhẹ nhàng", cô cho hay.

 Oanh Nguyễn đang trong giai đoạn mang bầu em bé thứ hai. Ảnh: NVCC.

Oanh Nguyễn đang trong giai đoạn mang bầu em bé thứ hai. Ảnh: NVCC.

Gần 3 năm qua, cuộc sống hàng ngày của Linh Đỗ (28 tuổi, Bắc Ninh) xoay quanh chuyện “bỉm sữa”.

Con gái đầu có biệt danh là Bống được khoảng 9 tháng tuổi, Linh tiếp tục mang thai. Đến khi Bống tròn tuổi rưỡi, con trai thứ hai là Bin chào đời.

Việc đẻ 2 con không cách xa tuổi nhau nằm trong dự kiến của hai vợ chồng, cô cũng sẵn sàng tinh thần từ trước.

Tuy vậy, 9 tháng mang bầu vất vả hơn nhiều so với tưởng tượng. Chồng đi làm xa, một tháng chỉ về nhà được 1-2 lần vào cuối tuần, trách nhiệm chăm sóc con cái và nhà cửa chủ yếu do mình Linh đảm nhận.

Sau khi sinh con, mức độ vất vả được đẩy lên cao hơn, khi người mẹ một mình trông hai đứa nhỏ.

Có lần đứa nhỏ ốm, đứa lớn phải gửi lên nhà ngoại ở cả tuần. Nếu không, mình cô không gánh xuể.

“Chồng và ông bà nội đều đi làm ở tỉnh khác, còn thỉnh thoảng ông bà ngoại lên phụ 3 mẹ con. May mắn, các cô, dì, bác trong họ ở xung quanh thường qua phụ bế cháu giúp. Chồng mình thương vợ, mỗi lần về đều giành phần làm hết việc nhà, trông con, cho vợ có thời giờ nghỉ ngơi”, Linh kể.

Mặt khác, việc chi tiêu cũng thắt chặt lại vì chi phí nuôi 2 đứa trẻ tốn kém hơn.

“Từ ngày sinh Bống, mình không đi làm nữa, ở nhà chăm con. Thu nhập của gia đình hiện do mình chồng chịu trách nhiệm. Sau khi có Bin, mình xác định phải đợi mấy năm nữa, khi hai con cứng cáp hơn, mới có thể quay lại với công việc”, Linh bày tỏ.

Trước khi có Bin, trung bình một tháng, chi phí nuôi một đứa của vợ chồng Linh rơi vào khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Tháng nào thêm các khoản thuốc bổ, tiêm phòng, số tiền là 10-12 triệu đồng.

Còn hiện tại, con số rơi vào khoảng 15 triệu đồng/tháng.

Xoay xở để chăm sóc tốt cho cả hai con

Tháng 6/2020, Thanh Hoa (27 tuổi, Bắc Giang) đón con trai đầu lòng. Đến tháng 2/2021, cô phát hiện mình tiếp tục có em bé, sau khi que thử hiện rõ 2 vạch đậm.

Đây là "tin vui" cho cặp vợ chồng vốn yêu trẻ con. Tháng 11 cùng năm, Hoa chính thức thành "bà mẹ 2 con".

 Niềm vui có thêm con giúp các ông bố, bà mẹ đẻ liền vẫn có cách xoay xở để san sẻ tình cảm cho cả hai trẻ nhỏ. Ảnh: NVCC.

Niềm vui có thêm con giúp các ông bố, bà mẹ đẻ liền vẫn có cách xoay xở để san sẻ tình cảm cho cả hai trẻ nhỏ. Ảnh: NVCC.

Dù thừa nhận "vất vả nhân đôi" khi đẻ liền 2 năm 2 đứa, Hoa cho biết việc sinh con năm một cũng có những điểm lợi riêng cho bố mẹ.

Thứ nhất, những đứa trẻ có tuổi ngang nhau dễ làm bạn, chơi với nhau. Tuổi tác không cách xa, do đó tâm lý không quá khác biệt. Các con sẽ lớn lên bên nhau và có chung nhiều kỷ niệm.

Thứ hai, do sinh hai con gần nhau, cô có thể tận dụng quần áo, đồ chơi, vật dụng của đứa trước cho đứa sau.

"Điều này giúp gia đình tiết kiệm được một khoản đáng kể vì có rất nhiều đồ sơ sinh cần mua khi có em bé, từ quần áo cho đến các vật dụng lỉnh kỉnh khác", Hoa giải thích.

Thứ ba, sinh con ở khoảng cách gần giúp bố mẹ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn.

Theo kế hoạch, cô tính ở nhà chăm con cho đến khi con đi học mẫu giáo rồi mới quay lại đi làm. Việc "đẻ dày" giúp cô dành toàn tâm vài năm đầu để lo cho cả hai con.

Đến khi làm việc trở lại, sự nghiệp cũng không bị ngắt quãng giữa chừng vì kế hoạch sinh đẻ. "Con đến tuổi đi học, độ tuổi của mình cũng vẫn còn thời gian để tiếp tục chăm lo cho công việc”, cô nói.

Thời gian đầu, hai vợ chồng sắp xếp luân phiên nhau, người trông đứa lớn, người ru đứa bé ngủ. Sau vài tháng, để việc trông trẻ bớt cực hơn, vợ chồng Hoa quyết định thuê thêm người giúp việc.

Ngoài câu chuyện về sức khỏe và tài chính, Hoa cho biết một điều cần thiết khác là chuẩn bị sẵn tâm lý cho người con đầu.

"Sinh thêm em bé, mình phải san sẻ thời gian cho cả hai đứa, ít bế bồng hơn trong khi đứa đầu vẫn còn nhỏ, bám mẹ. Ngoài liên tục dặn không được đánh hay tranh đồ chơi của em, mình cũng luyện cho con 'tự lập' hơn như tự xúc hay ngồi chơi một mình trong lúc mẹ cho em ăn", cô bày tỏ.

Trà My

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/buon-vui-lan-lon-khi-3-nam-de-2-dua-post1446573.html