C-130 Philippines chở 92 người bị rơi, ít nhất 17 người thiệt mạng
Một chiếc vận tải cơ C-130 bị rơi trong lúc đang cố gắng hạ cánh xuống đảo Jolo, tỉnh Sulu, phía tây nam Philippines, khiến ít nhất 17 người thiệt mạng.
Theo tướng Cirilito Sobejana, chỉ huy lực lượng vũ trang Philippines, hiện tại nhà chức trách đã cứu được ít nhất 40 người bị thương cũng như tìm thấy 17 thi thể từ hiện trường nơi chiếc C-130 gặp nạn và đang bốc cháy, hiện số nạn nhân đang tiếp tục tăng lên.
"Thật không may. Máy bay đã trượt khỏi đường băng. Nó cố gắng lấy lại động lực nhưng không thành công và gặp nạn. Lực lượng phản ứng đã có mặt tại hiện trường, chúng tôi đang cầu nguyện có thể cứu sống thêm nhiều người nữa", tướng Sobejana nói.
Được biết máy bay rơi vào khoảng 11h30 tại thị trấn Patikul trên đảo Jolo, tỉnh Sulu, phía nam nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho hay, theo báo cáo ban đầu ông nhận được, máy bay chở 92 người, trong đó có ba phi công và 5 thành viên phi hành đoàn.
Nhiều người trên máy bay là những binh sĩ vừa tốt nghiệp khóa huấn luyện quân sự cơ bản và đang được điều động tới đảo Jolo tham gia lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố tại khu vực người Hồi giáo chiếm đa số này.
Quân đội Philippines hiện diện tương đối dày ở khu vực phía nam đất nước, nơi các nhóm phiến quân, trong đó có cả nhóm khủng bố chuyên bắt cóc đòi tiền chuộc Abu Sayyaf, hoạt động. Giao tranh thường xuyên xảy ra giữa quân đội và các nhóm vũ trang này. Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn. Sân bay của đảo Jolo cách một khu vực miền núi nơi quân đội đang chiến đấu với phiến quân Abu Sayyaf khoảng vài km.
Không quân Philippines hiện đang vận hành phi đội gồm 5 chiếc máy bay vận tải C-130 và thường dùng chúng để chuyển chở binh sĩ và hàng hóa trong các đợt triển khai quân.
C-130 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 23-8-1954 và được đưa vào trang bị đại trà trong 2 năm sau đó. Tính đến năm 2021 đã có khoảng gần 2.800 chiếc C-130 với các biến thể xuất xưởng.
Mặc dù ra đời trên 50 năm, nhưng nhờ những đặc tính kỹ thuật ưu việt của mình như khả năng cất cánh dã chiến tốt từ các sân bay có đường băng ngắn, có thể chuyển đổi thành các biến thể khác nhau, bao gồm cả cường kích tấn công mặt đất, C-130 có thời gian chế tạo dài nhất so với bất kỳ loại máy bay quân sự nào khác trong lịch sử hàng không thế giới.
Biến thể mới nhất mang tên C-130J Super Hercules với nhiều cải tiến mạnh mẽ như động cơ khỏe hơn và tiết kiệm hơn, có thể chuyên chở nhiều binh sĩ hơn, số lượng hàng hóa mang theo mỗi chuyến bay cũng được tăng lên. Đây hứa hẹn tiếp tục là dòng vận tải cơ hạng trung bán chạy của Mỹ.