Cá chết hàng loạt, bốc mùi hôi thối ở hồ nước tại Quảng Trị

Tình trạng cá chết tại hồ Nước Chè xảy ra từ tháng 4/2022 đến nay, song nguyên nhân chưa được xác định.

Cá chết lềnh bềnh ở hồ Nước Chè.

Cá chết lềnh bềnh ở hồ Nước Chè.

Hồ Nước Chè là hồ nước tự nhiên, có tổng diện tích mặt nước gần 10 ha, nằm giữa lòng trung tâm Diên Sanh-thị trấn huyện lỵ Hải Lăng ( tỉnh Quảng Trị).

Liên tục trong mấy năm qua, hiện tượng cá chết vào mùa nắng vẫn thường xảy ra tại đây.

Ghi nhận ngày 30/8, tại khu vực hồ Nước Chè, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Theo quan sát, loài cá bị chết chủ yếu là rô phi có kích cỡ lớn. Xác cá tấp vào khu vực cống thoát nước của hồ Nước Chè và phân hủy, bốc mùi hôi thối.

Hình ảnh cá chết hàng loạt, bốc mùi hôi thối sáng 30/8 ở hồ Nước Chè giữa trung tâm Diên Sanh-thị trấn huyện lỵ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Hình ảnh cá chết hàng loạt, bốc mùi hôi thối sáng 30/8 ở hồ Nước Chè giữa trung tâm Diên Sanh-thị trấn huyện lỵ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Trong khi đó, nước ở hồ Nước Chè khá đục. Nhiều đường ống dẫn nước thải sinh hoạt đen kịt đổ trực tiếp vào hồ. Ông Hồ Ngọc Trai (ở khóm 8, thị trấn Diên Sanh), người đấu thầu hồ Nước Chè để nuôi cá, cho hay cá chết tại hồ Nước Chè xuất hiện từ tháng 4/2022 đến nay, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân.

"Thời gian qua, ước có 5 - 6 tấn cá rô phi, cá mè tại hồ nước này bị chết. Thời điểm nhiều nhất có ngày vớt đến vài tạ cá chết", ông Trai nói.

Để bớt ô nhiễm, ông Trai đã cùng lực lượng của thị trấn Diên Sanh tham gia vớt số cá chết để chôn lấp, tiêu hủy.

Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hải Lăng, hồ Nước Chè là nơi tiếp nhận chất thải sinh hoạt và hoạt động sản xuất công nghiệp xung quanh. Các nguồn chất thải đổ vào hồ trong thời gian dài đã làm tăng mức độ ô nhiễm nguồn nước, gây thiếu dưỡng khí, làm cạn kiệt ôxy hòa tan trong nước.

"Để khắc phục tình trạng trên, đơn vị đã đề xuất cấp trên đầu tư xây dựng lại cống thoát nước từ hồ Nước Chè đổ vào sông Nhùng với hình thức xả đáy, thoát bùn; xem xét việc khơi thông, nạo vét lượng bùn trong hồ, tăng cường các hoạt động bảo vệ sinh thái lòng hồ. Đồng thời, cần đầu tư hệ thống thu gom nước thải phát sinh từ hoạt động sinh hoạt của người dân. Hiện các đề xuất này vẫn đang được xem xét", lãnh đạo Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hải Lăng nói.

Hữu Thành

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ca-chet-hang-loat-boc-mui-hoi-thoi-o-ho-nuoc-tai-quang-tri-post1465786.tpo