Ca dao nhớ mẹ

Mẫu tử tình sâu, suối nguồn yêu thương đó chẳng khi nào cạn vơi. Đọc 'Ca dao nhớ mẹ' của thi sĩ Đặng Toán lòng ta rưng rưng niềm nhớ, tha thiết niềm yêu để rồi cay cay tròng mắt.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Lời bình của Nguyễn Văn Luyện

Tôi ngồi tôi ngóng ngày xưa

Xa xa dáng mẹ chợ trưa đường làng

Bánh đa bánh đúc rộn ràng

Tiếng cười con trẻ ngô rang bếp lò

Tôi ngồi tôi nhớ quạt mo

Bàn tay mẹ dỗ giấc mơ đêm hè

Có con đom đóm lập lòe

Thắp miền thơ ấu đến giờ còn vui...

Tôi ngồi tôi khóc mồ côi

Mới tươi nắng sớm đã bời bời mưa

Cái cò run rẩy bờ khuya

Rồi ra ai đón ai đưa những ngày...

Tôi ngồi tôi nhấp đêm dài

Nghe thương nhớ rịn cay cay mắt mình...

Đặng Toán

Thi phẩm được viết theo thể lục bát, gồm bảy cặp câu, chia làm bốn khổ thơ. Xuyên suốt cả bốn khổ là một trường từ ngữ đặc sắc, được tác giả chọn lọc và sử dụng một cách giá trị: ngóng - nhớ - khóc - nhấp - rịn. Nương theo con chữ, cảm xúc thơ trào dâng với rất nhiều nỗi niềm tâm trạng.

Tinh ý, người đọc sẽ nhận thấy hai khổ đầu là những hoài niệm về quá khứ bên mẹ, được mẹ quan tâm, chăm chút, yêu thương. Chữ “ngóng” diễn tả trúng cái háo hức, chờ mong của con trẻ mỗi lần mẹ đi chợ về. Lá trầu xanh có thể mẹ cố quên, tấm bánh đồng quà cho con mẹ sẽ luôn luôn nhớ.

Bình dị, đơn sơ “bánh đa bánh đúc” mà sâu thẳm yêu thương, đong đầy tình mẹ. Mong lắm “dáng mẹ xa xa chợ trưa đường làng” nhọc nhằn vất vả. Câu thơ Đặng Toán viết cho mình mà có thể đánh thức kỉ niệm tuổi thơ của biết bao người.

Kỉ niệm ấy sẽ tiếp tục nới rộng hơn trong niềm nhớ khôn nguôi ở khổ thơ thứ hai: “Tôi ngồi tôi nhớ quạt mo/ Bàn tay mẹ dỗ giấc mơ đêm hè/ Có con đom đóm lập lòe/ Thắp miền thơ ấu đến giờ còn vui... Bắt đom đóm làm đèn, say giấc đêm hè nhờ chiếc quạt mo của mẹ. Thương lắm một thời kỉ niệm, ai từng đi qua đâu có thể nào quên. Giản dị, sâu lắng, lời thơ chan chứa niềm thương và cả sự thành kính biết ơn.

Nếu “Ca dao nhớ mẹ” là một bản hòa âm thì khổ thơ thứ ba là giai điệu da diết, ám ảnh nhất. Từ “ngóng”, đến “nhớ”, giờ đây: “Tôi ngồi tôi khóc mồ côi/ Mới tươi nắng sớm đã bời bời mưa”.

Quá khứ được mẹ yêu thương chỉ còn là kỉ niệm, hiện tại mất mẹ được thể hiện qua hai chữ “mồ côi” cay xót, nghẹn ngào. Mới đó mẹ đã ngàn xa, chữ “nắng - mưa”, “tươi - bời bời” thể hiện sự chuyển biến đổi thay, từ còn đến mất, vui sang buồn.

Đọng lại là hình bóng “cái cò run rẩy bờ khuya” chênh vênh, cui cút, tội nghiệp đến xót xa. Lời thơ nhớ mẹ mà khóc cho mình: Rồi ra ai đón ai đưa những ngày…”

Bài thơ khép lại bằng một cặp lục bát cô đọng làm ta cay sè khóe mắt: “Tôi ngồi tôi nhấp đêm dài/ Nghe thương nhớ rịn cay cay mắt mình...”. Người con trong bài thơ, chắc hẳn không còn trẻ, nên nỗi nhớ mẹ cũng mang một sắc điệu riêng, không ồn ào mà đằm sâu da diết.

Chữ “rịn” được thi sĩ sử dụng đặc sắc. “Rịn” nghĩa là rỉ ra, thấm ra từng chút một, thế thôi mà cũng đủ làm “cay cay mắt mình”. Câu thơ không có chữ tình mà tình vẫn dạt dào trong thơ, lòng buồn nhớ mà không một lời buồn nhớ.

“Ca dao nhớ mẹ” có lẽ là bài thơ Đặng Toán tâm đắc nhất trong gia tài thơ của anh. Bởi thế mà nhan đề thi phẩm được chọn đặt tên cho tập thơ anh xuất bản năm 2018.

Mang điệu hồn lục bát, bài thơ ru lòng người trong hoài niệm về một thời dĩ vãng, thắp lên trong ta niềm thương nhớ khôn nguôi. Ẩn sau lời thơ dung dị, cảm xúc là tình yêu thương, lòng biết ơn của người con dành cho mẹ kính yêu.

Nguyễn Văn Luyện

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ca-dao-nho-me-post605806.html