Cả đời đam mê sáng tạo

Đã gần chạm tới ngưỡng cửu tuần, ông vẫn say mê viết tiểu thuyết, kịch bản phim, làm thơ, sáng tác nhạc, dạy đánh cờ, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa giải trí. Ông là Đại tá, nhà văn Nguyễn Quý Hải, nguyên Đoàn trưởng Đoàn kịch nói Quân đội.

Hành trình đam mê sáng tạo

Mảnh đất Tân Hòa (Quốc Oai, Hà Nội) là nơi cậu bé Hải sinh ra mang đậm dấu ấn văn hóa xứ Đoài. Con người ở đó vốn yêu thi ca, mến nghệ thuật. Trong gia đình, cha là thầy đồ nên từ nhỏ, cậu bé Hải được thừa hưởng sự giáo dục cẩn thận, chu đáo. Cái sự học ấy được bồi đắp dày dặn cho đến khi cậu học trò Quý Hải học xong văn hóa đệ tứ trung học. Thế rồi, kháng chiến chống Pháp trường kỳ, 17 tuổi người thanh niên ấy đã xung phong lên đường nhập ngũ, chiến đấu cho đến ngày toàn thắng trên chiến trường Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, mang theo khói bụi chiến trường, Nguyễn Quý Hải trở về giảng đường Trường Sĩ quan Pháo binh. 12 năm, người thầy miệt mài gắn bó với phấn trắng, bảng đen, say sưa với những tiểu thuyết lừng danh như “Sông Đông êm đềm”, “Thép đã tôi thế đấy”...

Nhưng chiến tranh ác liệt như thúc giục lòng người trai trẻ, thầy giáo Nguyễn Quý Hải lại khoác ba lô lên đường vào tuyến lửa Quảng Trị. Trên cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 38 (Đoàn Pháo binh Bông Lau), ông đã chỉ huy bộ đội cùng với các hướng, mũi của trung đoàn bức hàng trung đoàn 56 ngụy ở căn cứ 241. Giữa những ngày hè rực lửa năm 1972, mảnh đất Quảng Trị được nhào nặn bởi hơi bom, thuốc súng, ấy vậy mà người chỉ huy pháo binh Nguyễn Quý Hải vẫn tranh thủ từng phút hiếm hoi để ghi lại những khoảnh khắc chiến trường. Tất cả được nén lại trong trang nhật ký để rồi hơn 30 năm sau, những con chữ ấy lại trỗi dậy sống động giúp ông viết nên cuốn nhật ký chiến tranh “Mùa hè cháy” (xuất bản năm 2007).

 Ông Nguyễn Quý Hải (ngồi giữa) hướng dẫn người chơi cờ tư lệnh tại gia đình.

Ông Nguyễn Quý Hải (ngồi giữa) hướng dẫn người chơi cờ tư lệnh tại gia đình.

Cầm cuốn sách dày dặn hơn 300 trang được tái bản 5 lần, ông xúc động kể về những người đồng đội đón nhận cuốn sách như một kỷ vật quý. Qua những trang nhật ký, nhiều người đã tìm gặp lại nhau. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo cùng những người chỉ huy, đồng đội năm xưa đều đánh giá cao giá trị lịch sử, hiện thực của cuốn sách. Một cuốn nhật ký mà trong đó đã có lửa, vì vậy, ở Quảng Trị, đã có nhiều thầy cô giáo tìm đọc để bổ sung tư liệu vào trang giáo án của mình.

Duyên với văn chương nghệ thuật, Nguyễn Quý Hải từ người chỉ huy pháo binh trở thành chiến sĩ văn nghệ khi được điều về công tác tại Điện ảnh Quân đội. Hơn 10 năm, ông có mặt ở khắp các chiến trường, lắng nghe từng nhịp thở của đồng đội, chớp lấy những khoảnh khắc ngoài trận địa để tạo nên những sản phẩm mang đậm hơi thở của cuộc sống. 6 cuốn phim nhựa “Bước chân pháo binh” được ông cùng đồng nghiệp làm giữa những ngày tháng tư rực lửa năm 1975 là minh chứng cho hành trình dấn thân của người nghệ sĩ-chiến sĩ. Trong thời gian ở Truyền hình Quân đội nhân dân, ông biên tập và đạo diễn nhiều phim phóng sự tài liệu, nổi bật là: “Hà Nội 12 ngày đêm lịch sử”, “Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia”, “Đài khí tượng ở Trường Sa”… Hàng chục kịch bản phim truyện, kịch truyền hình lần lượt ra đời, như: “Người con trai sư trưởng”, “Cuộc gặp khó quên”, “Cánh sóng xôn sao”… Đặc biệt, phim truyện “Chănna” được Tổng cục Chính trị lựa chọn làm quà tặng Bộ Quốc phòng Campuchia.

Không chỉ thành công trong lĩnh vực truyền hình, điện ảnh, hoạt động sân khấu cũng ghi dấu đậm nét vai trò của người “thuyền trưởng” Nguyễn Quý Hải khi ông đảm trách vai trò Đoàn trưởng Đoàn kịch nói Quân đội. Ông vừa sáng tác kịch bản, vừa chỉ đạo nghệ thuật dàn dựng nhiều vở kịch có chất lượng. Tiêu biểu hai vở “Mười đóa phong lan” và “Nửa ngày về chiều” tham gia hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1990 đều đạt giải nhất.

Từ khi nghỉ hưu (năm 1992) đến nay, sức sáng tạo của ông không hề giảm. Hàng loạt kịch dài được phát trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh như “Tre xanh”, “Lũ quét”, “Đường mang tên Bác”… Hàng chục giải thưởng vinh danh ông, trong đó, kịch bản “Bến đợi” nhận được giải thưởng của Bộ Quốc phòng, kịch bản sân khấu “Hồ… Hồ Chí Minh” vinh dự được nhận giải tác phẩm xuất sắc của Ban Tuyên giáo Trung ương (2009). Cũng trong năm 2009, kịch bản sân khấu “Đạo rác” được Nhà hát Thế giới trẻ Sài Gòn phẳng dựng thành kịch “Tỷ phú ổ rác” gây tiếng vang trong dư luận, sau đó ông chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình với cái tên “Vàng” dài 32 tập.

Giữa bom đạn chiến tranh khốc liệt hay yên bình trong căn chung cư tầng 2 ở Hà Nội, lúc nào người ta cũng thấy ông Hải tranh thủ từng phút, từng giờ ngồi viết. Từ mái đầu bạc ấy, những con chữ cứ nhảy nhót nhào nặn để cho ra đời hàng chục tiểu thuyết, tập truyện. Những “Chị tôi”, “Quê hương”, “Đất chuyển”, “Lang thang ngõ vắng”… là sản phẩm của một tâm hồn say đắm với văn chương nghệ thuật. Lần giở cuốn album cũ, có một bức ảnh chụp vào mùa xuân năm 1955, khi ấy chiến sĩ Hải vinh dự được chơi đàn accordion bài “Hành quân xa” trong đội hình hành tiến qua Quảng trường Ba Đình. Gần 20 năm sau, người chiến sĩ ấy lại hùng dũng chỉ huy chiếc xe tăng diễu binh qua nơi này. Cả một đời chiến trận, Nguyễn Quý Hải vẫn giữ cho mình một tâm hồn lạc quan, yêu đời. Chính vì lẽ đó, những khúc ca của ông bật ra tự nhiên như thanh âm của cuộc sống. Một “Vang khúc quân hành”, “Tất thắng ca” hùng tráng lại có “Tango bên em”, “Đò tình” dịu êm say đắm, thêm chút trữ tình sâu lắng của “Mùa xuân ngỏ lời”, “Khoảng trời của em”… Những tác phẩm âm nhạc được dàn dựng phát trên các kênh truyền hình và đài phát thanh Trung ương, in thành album, CD làm phong phú thêm đời sống âm nhạc giải trí.

Đưa nghệ thuật quân sự lên bàn cờ Việt Nam

Không nói quá khi cho rằng, Đại tá, nhà văn Nguyễn Quý Hải biết đủ cầm, kỳ, thi, họa. Ở lĩnh vực nào ông cũng có những sáng tạo độc đáo để lại dấu ấn riêng. Đối với bộ môn nghệ thuật cờ, ông không chỉ biết mà còn có những triết lý rất sâu sắc. Cờ là một trò chơi nhưng không đơn thuần chỉ để giải trí, mà nó còn góp phần giáo dục nhân cách, bồi dưỡng trí tuệ cho con người. Trong lịch sử, có nhiều loại cờ khác nhau, như: Cờ vua, cờ tướng, cờ vây… mang dấu ấn của thời xa xưa với những cuộc chiến tranh nhằm bảo vệ quyền lực ngai vàng của vua chúa. Những quân cờ đó dường như đứng ngoài những gì đang diễn ra trong cuộc sống hiện đại. Thực tế trong chiến tranh, ông đã từng chứng kiến những tổn thất của nhiều người trẻ do chưa có vốn hiểu biết về quân sự. Thế nên, ông trăn trở sáng tạo ra một môn cờ mới vừa giải trí, vừa bồi dưỡng kiến thức quân sự, giúp người chơi làm quen với phương pháp chỉ huy, đề phòng có chiến tranh xảy ra, mỗi người dân sẽ trở thành một chiến sĩ góp sức bảo vệ Tổ quốc. Ý nghĩa nhân sinh sâu sắc ấy cứ trở đi trở lại để đến năm 2010, ông đã “trình làng” bộ môn cờ tư lệnh.

Tại sao lại gọi là cờ tư lệnh? Ông lý giải rằng: “Tư lệnh là người chỉ huy thao lược tạo nên chiến thắng ngoài chiến trường. Còn tướng là cấp hiệu, văn nghệ sĩ cũng có thể là tướng. Đất nước nào cũng cần những tư lệnh giỏi để chỉ huy chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”. Là sản phẩm trí tuệ của một cựu chiến binh Việt Nam, cờ tư lệnh mang đậm dấu ấn địa lý thiên nhiên Việt Nam. 132 điểm trên bàn cờ là những vị trí trọng yếu tạo nên hình hài Tổ quốc. Ngoài đất liền, bàn cờ còn có cả sông nước, biển cả, bao trùm là vùng trời thiêng liêng. Thế nên, từng quân cờ cũng đại diện cho các khối hải-lục-không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Không những vậy, cờ tư lệnh mang đậm hơi thở của 3 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Đó là cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Thế nên, trên bàn cờ hiện hữu cả đội quân tóc dài với tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Môn cờ đó là kết tinh trí tuệ, bản lĩnh, tài năng quân sự của con người Việt Nam.

Những ngày đầu, cờ tư lệnh còn rất đơn giản chỉ, là những nắp chai nhựa lavie úp xuống dán hình lên đó. Thế nhưng cờ đã nhận được sự quan tâm của công chúng. Với môn cờ mới này, ông Hải may mắn được giới thiệu và cùng chơi với nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại tư gia. Cờ nhanh chóng được truyền thông quốc tế chú ý. Đến nay, luật chơi cờ tư lệnh được dịch ra 4 thứ tiếng Anh, Đức, Nga, Trung Quốc và có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều video clip phổ biến luật chơi được đăng tải trên mạng toàn cầu.

Sáng tạo ra môn cờ mới khi tuổi cao sức yếu nhưng ông không quản vất vả miệt mài quảng bá đến công chúng, trước hết là các đơn vị trong quân đội. Đại tá Nguyễn Quý Hải trực tiếp được mời đến giới thiệu ở khu Trung tâm huấn luyện quân sự quốc gia Miếu Môn và lớp tập huấn cờ tư lệnh toàn quốc tại Đà Lạt. Môn cờ đã được lựa chọn để phổ biến trong toàn quân. Là trò chơi trí tuệ quân sự, cờ tư lệnh còn hấp dẫn các em học sinh. Ông nhiệt thành đến nhiều trường học ở Hà Nội để dạy chơi cờ cho học sinh. Ngoài ra, nhà ông đều đặn đón các em nhỏ đến học chơi cờ hoàn toàn miễn phí. Mỗi bộ cờ đặt làm tại nhà máy kèm thêm luật chơi in thành sách, ông đều tự lo kinh phí, sau đó tình nguyện tặng những ai yêu mến chơi cờ tư lệnh.

Năm 2018, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công nhận ông Nguyễn Quý Hải là tác giả “Bộ cờ tư lệnh đầu tiên của Việt Nam”. Đều đặn hằng năm (từ năm 2015), Hội thi cờ tư lệnh được Liên đoàn Cờ Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức, thu hút đông đảo các kỳ thủ trong nước và quốc tế tham dự. Ông dự định sẽ đề nghị đưa môn cờ này vào thi đấu tại SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam. Với bộ môn cờ tư lệnh, tác giả Nguyễn Quý Hải không chỉ trang bị kiến thức, đem lại niềm vui cho người chơi cờ mà còn góp phần giới thiệu nghệ thuật quân sự, quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Bài và ảnh: THƯ NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/ca-doi-dam-me-sang-tao-612315