Cả hệ thống chính trị vào cuộc để hoàn thành cao tốc Cần Thơ – Cà Mau
Chiều 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Trung ương đến kiểm tra công trường dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau tại nút giao IC5, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.
Báo cáo với Thủ tướng, ông Trần Văn Thi – Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT), cho biết, Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có tổng chiều dài 110km. Trên toàn dự án có 11 nút giao, 117 cầu.
Tổng tiến độ đến nay đạt 34%, giải phóng mặt bằng đã hoàn thành 99,8%. Các nhà thầu triển khai đồng loạt trên toàn tuyến với 237 mũi thi công, 870 đầu thiết bị và 2.800 cán bộ, kỹ sư. Đến nay, các cầu đã hoàn thành 70%, phấn đấu hết năm 2024 hoàn thành toàn bộ cầu.
Đối với phần đường, đã đưa vật liệu về công trường 6 triệu m3, trong tổng số khoảng 18 triệu m3, đang tập trung thi công “3 ca 4 kíp”. Mục tiêu đến hết tháng 10/2024 hoàn thành gia tải toàn bộ tuyến chính, phấn đấu hoàn thành dự án vào tháng 12/2025.
Theo chủ đầu tư, khó khăn của dự án là nền đất yếu, thời gian chờ lún phải từ 10-12 tháng. Trong giai đoạn đầu chưa bố trí kịp nguồn vật liệu, hiện cơ bản đã có nguồn cát nên cần cấp tập thi công. Từ nay đến cuối tháng 10/2024 phải đưa về công trường khoảng 10 triệu m3 cát nữa mới đáp ứng tiến độ yêu cầu, hiện 10 triệu m3 này đã xác định được nguồn, kể cả cát sông và cát biển.
Đại diện nhà thầu cho biết, hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ triển khai rất nhiều dự án trọng điểm, nhu cầu vật liệu đá đáp ứng tiêu chuẩn cao tốc rất lớn. Do vậy, nhà thầu kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo áp cho nâng công suất các mỏ của các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Phát biểu chỉ đạo tại công trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu vấn đề: "Địa phương làm được những gì và cần phải vào cuộc những gì?". Rút kinh nghiệm từ làm đường dây 500 kV mạch 3, khi các địa phương vào cuộc sẽ thay đổi ngay tình hình, thay vì làm 2-3 năm chỉ còn 6 tháng.
“Chỉ còn 0,2% mặt bằng thôi, địa phương có thể hỗ trợ được gì để dự án nhanh hơn. Các đồng chí suy nghĩ, nếu chưa trả lời được ngay hôm nay thì chiều mai, Văn phòng Chính phủ mời cả chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… xuống đây cùng họp”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng lưu ý, phải tạo ra phong trào thi đua trên công trường, phong trào nước rút. “Toàn dân phải vào cuộc chứ không phải chỉ có các ban quản lý dự án, chỉ bí thư tỉnh ủy hay chủ tịch tỉnh, không phải chỉ có các nhà thầu. Toàn dân vào cuộc ở đây như thời gian vừa qua chúng ta làm đường dây 500 kV, đấy gọi là thần tốc. Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, ăn ở công trường”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo ra phong trào, xu thế.
“Ngày xưa, thời kỳ chiến tranh các công trình lớn như thủy điện Sông Đà, thủy lợi Bắc Hưng Hải… không có máy móc, tất cả đều nhân công hết. Đi chỉ được lo ăn, không có tiền mang về còn làm được những công trình lịch sử đó. Bây giờ tại sao mình chỉ để nhà thầu, ban quản lý dự án tự làm, còn người dân, chính quyền địa phương vào cuộc rất ít, thế không được. Là công trình trọng điểm quốc gia, đi qua đâu mang lại cái lợi ích cho người dân ở đó”, Thủ tướng gợi ý.
Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương cùng ban quản lý dự án khẩn trương triển khai xây dựng các nút giao kết nối để phát huy giá trị của cao tốc; khai thác tối đa hiệu quả không gian phát triển mới từ tuyến cao tốc này; quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp, khu dịch vụ, khu đô thị mới...