Cả làng sống nhờ... 'nước trời'
Bao đời nay, làng Nặm Dọi, Cốc Rầy nằm kề sát nhau ở xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) luôn sống trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt, sản xuất trầm trọng, nhất là vào những năm khô hạn. Để có nước sinh hoạt, người dân phải lặn lội lện tận mương nước thuộc xóm Nà Thềnh trong xã cách 4km để giặt quần áo và chở nước về nhà, còn nước dùng trồng trọt thì họ cũng phải chờ… 'nước trời'.
Những ngày nắng nóng, chúng tôi có dịp lên với đồng bào dân tộc Nùng ở xóm Cốc Rầy, Nặm Dọi thuộc xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Từ trung tâm thành phố Cao Bằng về hướng đông, mất khoảng hơn một giờ đồng hồ đi xe máy, vượt gần 50km chúng tôi có mặt tại Nặm Dọi. Dọc đường đi vào bản, chúng tôi đã chứng kiến nhiều người dân đang chở những can nước bằng xe máy đi về.
Người dân nơi đây cho biết, tên gọi “Nặm Dọi” đã có từ thuở người Nùng đến đây khai phá, vì chỉ thấy một mó nước trên đỉnh núi có nước nhỏ ra từng giọt vào mùa hanh khô nên người dân đặt tên là Nặm Dọi, dịch ra tiếng địa phương nghĩa là nước nhỏ giọt.
Để tồn tại, dân làng phải trông chờ vào nước mưa để cày cấy, trồng trọt, mỗi năm chỉ làm một vụ lúa duy nhất. Mỗi cơn mưa đến, dân làng mỗi nhà đều có 1,2 bể chứa nước đế hứng nước mưa. Nguồn nước khan hiếm, muốn có nước sạch để uống, người dân nơi đây phải mang can đi các bản khác trong xã lấy. Mỗi buổi chợ phiên, phụ nữ trong bản ai cũng tranh thủ cho quần áo đựng trong bao tải mang lên giặt giũ vì nguồn nước nằm ngay bên đường gần khu chợ Thông Huề.
Ông Phùng Văn Ráy, Trưởng xóm Nặm Dọi cho biết: “100% hộ dân xóm chúng tôi đều là dân tộc Nùng, đời sống còn khá khó khăn. Ở đây đều phụ thuộc vào nước tự nhiên, ít khi có mưa, vì thế nguồn nước dùng để sinh hoạt rất khan hiếm.
Một số hộ gia đình có điều kiện hơn còn xây được bể, còn lại phần lớn đều dùng nước từ khe suối nhỏ và các mạch nước ngầm cách đây vài cây số. Mặc dù mấy năm trước đây Nhà nước có đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch ở Khưa Săm để cung cấp cho 3 xóm Bản Khuông, Cốc Rầy và Nặm Dọi, nhưng do đường xa, lượng nước chảy không ổn định nên chỉ đủ cho một số ít hộ dân ở xóm Bản Khuông nơi đầu nguồn sử dụng. Bà con 2 xóm Cốc Rầy, Năm Dọi phải đào giếng sâu và tận dụng các mó nước ít ỏi ở khe đá để dùng làm nước uống, chứ không đủ sử dụng cho tắm, giặt”.
Theo chân anh Triệu Văn Vinh ở xóm Cốc Rầy để mục sở thị một vũng nước ven làng, chúng tôi bắt gặp 3 - 4 người dân đang cần mẫn gạn từng ca nước đục đổ vào can mang về uống đỡ khát qua ngày. Một hộ dân ở xóm Cốc Rầy than thở: “Thời tiết năm nay khô hạn, đất lại cằn cỗi, cây cối mọc lên héo úa dần, gia đình chẳng biết trông chờ vào đâu, bây giờ trông vào mấy cân lúa Nhà nước hỗ trợ cứu đói cũng chỉ trụ được dăm ba bữa nên bây giờ dân làng đi sang biên giới làm cửu vạn để kiếm tiền chi trả mọi chi phí sinh hoạt trong cuộc sống.
Các thửa đất hầu hết đều bỏ hoang vì khô hạn, còn lại trồng cây ngô để chăm lợn, gà, trâu. Dân làng khát nước như bây giờ là bởi mạch nước ngầm từ bụng núi Lũng Thàn không còn hào phóng cho họ nhiều nước như đời ông, đời cha nữa. Lũng Thàn không cho nước, các khe suối, mó nước của bản ấy cũng không có nước. Người dân chỉ sống dựa vào nguồn “nước trời”.
Anh Hoàng Văn Thịnh, Chủ tịch Hội nông dân xã Thông Huề cho biết: “Xã Thông Huề chỉ có hai xóm Cốc Rầy và Nặm Dọi luôn trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do không có sông suối chảy qua. Người dân chỉ còn cách trông chờ trời mưa để trồng trọt, sinh hoạt, vào mùa khô thì phải đi nhiều cây số để giặt giũ và chở nước về nhà sử dụng. Người dân cũng có ý kiến lên cấp trên đề nghị hỗ trợ xây dựng các bể nước nhưng không giải quyết được nhiều”.
Chính vì vậy, để tiết kiệm nước, dân bản địa rất hạn chế việc tắm giặt. Nước lấy về chủ yếu chỉ phục vụ cho việc nấu ăn, việc tắm giặt sẽ được “để dành” khi ra các mó nước ven tỉnh lộ 206. Chiếc bể đá chứa nước nằm trên đỉnh dốc giữa địa phận làng Nặm Dọi và Cốc Rầy được xây nhiều chục năm nay giờ đã phủ đầy cỏ rác, cây xanh mọc um tùm xung quanh chỉ bỏ đấy, chẳng làm gì. Điều người dân lo lắng là vào mỗi mùa khô, tình trạng nắng nóng kéo dài, nguồn nước đầu nguồn cạn kiệt nghiêm trọng thì việc thiếu nước sinh hoạt sẽ càng trở nên trầm trọng hơn.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/ca-lang-song-nho-nuoc-troi-332569.html