Cà Mau: Ký ức đẹp về những năm tháng trên đất Bắc của học sinh miền Nam

Cách đây 70 năm, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết, mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã có quyết định mang tầm chiến lược: Đưa con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để học tập, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng.

Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024), phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã về Cà Mau tìm gặp một số cán bộ lão thành, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954. Trong câu chuyện kể của họ là những mảng ký ức đẹp về những năm tháng trên đất Bắc.

Nên duyên vợ chồng trên đất Bắc

Địa điểm tập kết ở Nam Bộ thời điểm đó được chọn tại 3 khu vực: Hàm Tân-Xuyên Mộc (tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu); Cao Lãnh-Đồng Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) và Chắc Băng-Sông Đốc (tỉnh Cà Mau).

Ngày 25-9-1954, đoàn chuyển quân đầu tiên ở khu vực Hàm Tân-Xuyên Mộc cập bến Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa); cuối tháng 10-1954, toàn bộ lực lượng tập kết ở khu vực Hàm Tân-Xuyên Mộc và Cao Lãnh-Ðồng Tháp Mười ra đến miền Bắc an toàn. Ngày 8-2-1955, chuyến tàu cuối cùng chuyển quân ở Nam Bộ khu vực Cà Mau ra đến miền Bắc, việc tập kết hoàn tất.

70 năm trôi qua, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tham gia chuyến tàu, người còn sống giờ tuổi đã ngoài 80, nhưng khi nhắc nhớ về kỷ niệm học tập, công tác ở miền Bắc họ lại ngời lên những ký ức.

Ông Phạm Hữu Liêm và bà Lê Thị Liễu.

Ông Phạm Hữu Liêm và bà Lê Thị Liễu.

Bên tách trà nóng trong khuôn viên của gia đình, nhớ lại những kỷ niệm, ông Phạm Hữu Liêm, sinh năm 1941, nguyên quán xã Tân Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau) kể cho chúng tôi nghe: “Trên chuyến tàu tập kết ra Bắc năm đó tôi chừng 13 tuổi, vừa học xong lớp 1, đây là lần đầu tiên tôi rời xa gia đình và đi biền biệt. Lúc mới lên tàu không suy nghĩ gì, nhưng sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, đa số chúng tôi bị say sóng, đói rét, nỗi nhớ nhà bắt đầu hiện về và chúng tôi khóc rất nhiều. Tôi vẫn nhớ như in ngày đó… Trải qua nhiều thời gian được sống và học tập trên đất Bắc, với tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp, nhưng có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất chính là mái ấm gia đình. Chúng tôi đã mang hơi ấm tình thương từ Nam ra Bắc ươm mầm và ngày thống nhất đất nước tôi đưa tổ ấm ấy trở về quê hương định cư, công tác theo sự phân công của tổ chức…”.

Ông Phạm Hữu Liêm và bà Lê Thị Liễu xem lại những kỷ vật hồi còn ở miền Bắc.

Ông Phạm Hữu Liêm và bà Lê Thị Liễu xem lại những kỷ vật hồi còn ở miền Bắc.

Người bạn tri kỷ đồng hành cùng ông Phạm Hữu Liêm là bà Lê Thị Liễu, sinh năm 1944, quê quán ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Cả 2 là học sinh miền Nam, cùng thi đỗ vào Trường Đại học Nông Lâm (ông Liêm học lâm nghiệp, bà Liễu học nông nghiệp). Quen nhau trong lúc học, ra trường với tấm bằng kỹ sư, năm 1970 hai người làm lễ cưới ở Quảng Ninh. Năm 1971, hai người có với nhau người con gái đầu lòng. Năm 1973, ông Liêm được lệnh điều động vượt đường Trường Sơn về Nam, bà Liễu ở lại đất Quảng Ninh công tác dưới sự đùm bọc của nhân dân.

“Mùa đông ở Quảng Ninh lạnh lắm, khi ông ấy về Nam, tôi vừa chăm con nhỏ, vừa mang thai đứa con thứ 2. Cuộc sống ngày ấy rất khó khăn, con trẻ phải nhờ sự nâng đỡ, chia sẻ từng manh áo ấm của bà con hàng xóm. Cưới nhau vào mùa đông lạnh buốt, tôi và ông ấy phải mượn của những người bạn hai bộ quần áo bông để mặc làm lễ thành hôn. Những thứ ngày nay tưởng chừng như đơn giản, nhưng 70 năm trước đó xem như là “báu vật”. Chúng tôi giữ gìn cẩn thận nhiều kỷ vật học tập và công tác ở miền Bắc nguyên vẹn đến ngày hôm nay, đặc biệt là nợ nhân dân miền Bắc mối ân tình sâu đậm!”, bà Liễu bùi ngùi kể lại.

Tâm tình của ông Liêm, bà Liễu khi nhớ về quá khứ, đó là những hy sinh, chia sẻ của nhân dân các tỉnh phía Bắc dành cho lực lượng học sinh miền Nam tham gia học tập từ nơi ở, chén cơm, manh áo…

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Phạm Hữu Liêm và bà Lê Thị Liễu có thêm người con thứ ba và trải qua nhiều chức vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp ở một số địa phương miền Nam cho đến lúc nghỉ hưu. Đã ngoài tuổi 80, ông bà và các con cháu đang sống vui vẻ, hạnh phúc tại xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình (Cà Mau).

Những ký ức của người chiến sĩ cách mạng

Tìm gặp những nhân chứng lịch sử tập kết ở bến Sông Đốc, chúng tôi gặp ông Lê Sang (Sáu Si), sinh năm 1941, người gốc huyện Thới Bình (Cà Mau). Gia đình ông Sang có 11 anh, chị em và có 3 người tập kết ra Bắc (anh trai thứ 2 và thứ 3 theo đoàn cán bộ Miền Nam ra Bắc ngay sau những ngày đầu thực thi Hiệp định Geneve). Ông Sang được cha đưa lên tàu tham gia chuyến cuối tại bến Sông Đốc.

Ông Sang cho biết: “Ngày đó những chuyến tàu tập kết là những chiếc tàu biển rất lớn nên phải neo đậu cách xa đất liền. Do vậy, nhân dân phải dùng thuyền, bè mảng đánh cá nhỏ để đưa chúng tôi từ tàu lớn vào bờ. Trên bờ, người dân cơm đùm cơm nắm xuống để đón chúng tôi. Trong điều kiện cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc, kinh tế miền Bắc rất khó khăn, cuộc sống thiếu thốn, nhưng nhân dân lúc đó đã dành những gì tốt nhất cho chúng tôi”.

Cũng theo lời ông Sang, thì ông may mắn hơn các bạn thời ấy là được ra Bắc cùng 2 người anh. Mỗi người học một ngành, người anh thứ 2 học bác sĩ, sau đó được đưa sang Liên Xô đào tạo, cưới vợ người Hà Nội rồi hành quân về Nam phục vụ kháng chiến. Sau ngày đất nước giải phóng, người anh này về công tác ở tỉnh Cửu Long (cũ). Còn người anh thứ ba thì tham gia công tác hậu cần trong lực lượng vũ trang (không nhớ rõ đơn vị), cưới vợ người Nghệ An, vượt Trường Sơn về Nam sau năm 1959 và công tác ở Minh Hải (nay là Cà Mau). Còn ông ở lại học ngành tài chính, đến khoảng năm 1970 mới bắt đầu về Nam và được tổ chức phân công công tác tại tỉnh An Giang.

Vinh dự lớn nhất của ông Sang là vào năm 1965 khi ông được tuyên dương tiêu biểu trong đoàn học sinh miền Nam, cùng với đoàn thanh niên, phụ nữ khắp nơi tại căn cứ Trung ương Cục (Tây Ninh). Lần đó, em gái của ông là bà Lê Thị Xu cũng là gương mặt tiêu biểu của phong trào thanh niên Minh Hải lên họp mặt.

Tấm ảnh chụp chung của đoàn học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Tấm ảnh chụp chung của đoàn học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Khi nghe thông tin có đoàn Minh Hải ra, ông tìm và gạn hỏi về vùng quê Thới Bình, hỏi thăm về gia đình, anh em. “Anh em gặp lại nhau sau 18 năm xa cách, cả hai ôm chầm làm cả hội trường không ai kìm được nước mắt. Gia đình tôi có 2 người anh hy sinh, 5 người còn lại đều là thương binh. Năm 1985, gia đình tôi được Nhà nước tuyên dương gia đình Cách mạng gương mẫu; năm 2010 mẹ tôi được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, ông Sang xúc động kể lại.

Những ký ức của chiến sĩ cách mạng 70 năm trước bước chân lên tàu tập kết ra Bắc như thúc giục thế hệ nối tiếp phát huy truyền thống hào hùng. 70 năm đã qua, giờ mỗi tư liệu, hiện vật và nhân chứng còn sống là một câu chuyện lịch sử, là hiện thân của khát vọng và tinh thần bất khuất, quả cảm của những người con miền Nam kiên trung thành đồng Tổ quốc.

Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập ra Bắc (1954-2024), UBND tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa từ ngày 10 đến 25-11. Các hoạt động góp phần giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào tự tôn dân tộc cho các thế hệ…

 Cụm tượng đài kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc đang được UBND tỉnh Cà Mau gấp rút hoàn thành.

Cụm tượng đài kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc đang được UBND tỉnh Cà Mau gấp rút hoàn thành.

Trong 21 năm (từ năm 1954 đến năm 1975), hệ thống Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc đã nuôi dưỡng, đào tạo hơn 32 nghìn học sinh, trong đó có hơn 15 nghìn người được đào tạo qua bậc đại học và sau đại học ở các trường trong và ngoài nước, số còn lại đều tốt nghiệp các trường chuyên. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các thế hệ học sinh miền Nam đã trở về quê hương, tham gia nhiều lĩnh vực công tác, gánh vác nhiều trọng trách; không ngừng phấn đấu, trưởng thành, giữ cương vị chủ chốt trong Đảng, Nhà nước.

Bài, ảnh: QUANG ĐỨC- PHONG PHÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ca-mau-ky-uc-dep-ve-nhung-nam-thang-tren-dat-bac-cua-hoc-sinh-mien-nam-800295