Cà Nàng đẩy mạnh phát triển sản xuất

Về xã Cà Nàng (Quỳnh Nhai) những ngày này, chúng tôi được chia sẻ niềm vui với bà con về những đổi thay bước đầu, đó là những tuyến đường về một số bản đã được đổ bê tông; trường học xây dựng khang trang, kiên cố; các hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia... Cuộc sống của người dân nơi đây đang chuyển mình.

Mô hình nuôi cá lồng của thành viên HTX Nuôi trồng nông - lâm- thủy sản

Mô hình nuôi cá lồng của thành viên HTX Nuôi trồng nông - lâm- thủy sản

Giang Lò (bản Giang Lò, xã Cà Nàng, Quỳnh Nhai).

Anh Mao Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Cà Nàng, cho biết: Là xã di vén lòng hồ thủy điện Sơn La, trước đây, cuộc sống của người dân trong xã gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60%. Thời gian qua, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương, trong đó, tập trung khai thác diện tích mặt hồ để nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các chương trình, dự án... Tính từ năm 2018 đến nay, các hộ nghèo và cận nghèo được Chương trình 30 a hỗ trợ 46 con bò để phát triển kinh tế.

Từ lợi thế về diện tích mặt hồ, năm 2016, xã vận động người dân thành lập HTX Nuôi trồng nông-lâm- thủy sản Giang Lò (bản Giang Lò). Hằng năm, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn tự nguyện chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc đàn cá cho thành viên HTX và nhân dân trên địa bàn. Ông Lò Văn Nguyên, Giám đốc HTX cho biết: Hiện, HTX có 7 thành viên, quy mô sản xuất 58 lồng cá, sản lượng trung bình từ 12-15 tấn cá/năm, (trong đó 3 tạ cá giống, còn lại là cá thương phẩm), chủ yếu là các loại cá: Trắm, lăng, rô phi... được bán cho các thương lái ở huyện và bà con trong xã, tuy nhiên, sản lượng không đủ cung ứng nhu cầu thị trường. Từ nuôi cá lồng, nhiều thành viên HTX có thu nhập từ 70-90 triệu đồng/năm, như gia đình các ông: Lò Văn Thái, Lò Văn Mạnh, Lò Văn Thấm...

Bên cạnh đó, nhân dân trong xã còn duy trì canh tác 106 ha lúa mùa, 252 ha lúa nương, 113 ha ngô, 262 ha sắn, tổng sản lượng 9 tháng năm 2019 đạt hơn 2.600 tấn. Cùng với đó, xã còn tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc làm hàng hóa; tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ đảm bảo đàn vật nuôi phát triển tốt. Toàn xã hiện có 3.173 trâu, bò, 1.838 con dê, gần 2.900 con lợn và hơn 19.600 con gia cầm. Ngoài ra, bà con còn nhận khoanh nuôi, bảo vệ trên 8.000 ha rừng, hằng năm được chi trả hơn 3,5 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn 36%, thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/năm.

Là một trong những gia đình đầu tiên của bản Cà Nàng (xã Cà Nàng) thực hiện mô hình nuôi bò nhốt chuồng đem lại hiệu quả kinh tế, anh Hoàng Văn Thượng, bản Cà Nàng cho biết: Được cán bộ xã tuyên truyền, vận động, năm 2016, tôi vay 20 triệu đồng tiền vốn của Chi hội Nông dân bản Cà Nàng làm chuồng trại để chăn nuôi gia súc nhốt chuồng. Đến nay, gia đình tôi có 10 con bò, 6 con trâu, từ bán gia súc mỗi năm thu hơn 30 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình tôi còn trồng 3 ha sắn, sản lượng đạt 30 tấn/năm, bán ra thị trường, thu 30 triệu đồng. Cuộc sống ổn định, gia đình chúng tôi yên tâm lao động sản xuất.

Tuy nhiên, trong phát triển kinh tế, Cà Nàng vẫn còn gặp một số khó khăn, như: Thiếu vốn đầu tư; diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản không ổn định, nhất là vào mùa khô bà con phải di chuyển các lồng cá ra khu vực khác trong thời gian dài; chăn nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ... Để phát triển sản xuất bền vững, xã rất mong được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; các cơ quan chuyên môn chuyển giao kỹ thuật sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Huyền Trăng (CTV)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ca-nang-day-manh-phat-trien-san-xuat-26105