Cả nghìn đầu xe khách liên tỉnh 'chạy' khỏi bến xe đã đi đâu?
Số liệu từ Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới cho thấy, tổng số đầu xe khách trong danh sách đăng ký hoạt động tại BXMĐ cũ thuộc diện phải di dời ra bến mới giai đoạn 2 là 1.392 xe. Tuy vậy, số đầu xe vào bến hoạt động sau khi di dời giai đoạn 2 chỉ có 520 xe...
Mục tiêu đặt ra trong quyết định năm 2013 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ là cải tạo, xây dựng, chuyển công năng bến bãi để hình thành 7 bến xe khách liên tỉnh với diện tích khoảng 79 ha. Đồng thời ưu tiên tập trung đầu tư phát triển vận tải hành khách đô thị, đặc biệt là vận tải khối lượng lớn, tổ chức các đầu mối vận tải để giảm thiểu lượng xe trung chuyển đi vào trung tâm gây ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường…
Tuy nhiên, đến nay, TP Hồ Chí Minh mới chỉ kịp hình thành bến xe khách liên tỉnh thứ 5 thì trật tự vận tải khách liên tỉnh đã trở lên hỗn loạn.
Số liệu từ Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới cho thấy, tổng số đầu xe khách trong danh sách đăng ký hoạt động tại BXMĐ cũ thuộc diện phải di dời ra bến mới giai đoạn 2 là 1.392 xe. Tuy vậy, số đầu xe vào bến hoạt động sau khi di dời giai đoạn 2 chỉ có 520 xe. Như vậy, số phương tiện không vào hoạt động tại BXMĐ mới sau khi di dời giai đoạn 2 đã lên đến con số 872 xe.
Liên quan đến số lượng xe thực tế hoạt động tại BXMĐ cũ phải di dời ra bến mới, trước đó trong các ngày 14/7 và 25/7, bà Tăng Thị Thu Lý, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (Samco) đã liên tiếp có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) để báo cáo về kế hoạch khai thác BXMĐ mới. Lãnh đạo Samco đã xác định trong giai đoạn 2, tổng số tuyến phải di dời từ BXMĐ cũ ra bến mới là 124 tuyến, trong đó thực tế đang có 75 tuyến được đơn vị vận tải đăng ký hoạt động, chiếm đến 54% tổng số tuyến của BXMĐ cũ trước khi di dời.
Với số đầu xe đăng ký lên đến 1.689 xe và số tuyến đang hoạt động ở BXMĐ cũ thuộc diện phải di dời, bà Lý dự kiến sau khi di dời giai đoạn 2, bình quân mỗi ngày BXMĐ mới sẽ có 1.005 chuyến xe. Con số này chiếm đến 66% tổng số chuyến của BXMĐ cũ trước khi di dời. Thế nhưng tính cả giai đoạn 1, từ khi di dời giai đoạn 2 vào ngày 11/10 đến nay mỗi ngày BXMĐ mới chỉ có hơn 200 chuyến xe xuất bến. Con số chênh lệch trên cũng cho thấy, trước ngày di dời, đã có hàng trăm đầu xe rời bỏ BXMĐ cũ để tránh phải dời ra bến mới.
Trước thực trạng cả nghìn đầu xe khách không vào hoạt động tại BXMĐ mới sau 2 lần di dời, ngày 28/10, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo thông tin về vấn đề này. Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT chỉ thừa nhận mỗi ngày BXMĐ mới giảm khoảng 300 chuyến xe. Nhưng bình quân hàng ngày cũng có thêm 160 chuyến xe tại các bến xe khác trên địa bàn. Cụ thể, theo ông Hưng, ngày 27/10, BXMĐ mới ghi nhận giảm 286 chuyến xe xuất bến, những chuyến xe này không mất tích, dù không vào BXMĐ mới nhưng đã vào các bến xe như An Sương, Ngã tư Ga, Bến xe miền Tây.
Lý do khiến rất nhiều đầu xe khách “bỏ chạy” khỏi BXMĐ mới được ông Hưng nêu ra là một số nhà xe không chấp hành việc di dời mà đến các điểm tập kết khác để đón khách như số 397 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, đối diện BXXM cũ, dọc các cây xăng trên quốc lộ 13, khu vực gần cầu Sài Gòn, gần ngã tư Bình Phước và một số địa điểm ở quận 12…. Nhà xe đồng loạt bỏ bến khiến “xe dù bến cóc” trên địa bàn vốn đã kéo dài nhiều năm qua nay càng tăng cao.
Để ngăn chặn, Thanh tra giao thông đã bố trí các đội túc trực tại 2 bến xe mới và cũ để kiểm tra, xử lý, một đội tại khu vực Điện Biên Phủ, một đội ở khu vực quốc lộ 13 và một đội ở Suối Tiên. Đồng thời Sở GTVT cũng sẽ điều chỉnh vị trí gắn các camera tại các trung tâm để tăng cường xử phạt nguội và tới đây sẽ xem xét đề xuất thành phố lập vành đai hoạt động để ngăn xe khách vào trung tâm. Thực tế tại những khu vực xe khách bỏ bến ra chạy “dù” tại các bến “cóc” mà Phó Giám đốc Sở GTVT đã điểm mặt, chỉ tên ở trên, hàng ngày đều có một lượng xe khách khá đông đậu dưới hình thức bãi gửi xe hay ga ra sửa chữa, bảo dưỡng xe. Người đến nhận, gửi hàng hóa cũng khá đông, thậm chí ở bến “cóc” nằm ngay ngã tư cầu vượt Bình Phước, khách ra vào còn gửi nhận hành lý phải trả tiền vé y như một bến xe.
Thanh tra GTVT hay các lực lượng khác của địa phương có chốt chặn cũng khó xử lý. Bởi xe khách liên tỉnh chạy các tuyến xa đến miền Trung hay phía Bắc đều chủ yếu về các “bến cóc” lúc rạng sáng và tập trung rời các “bến cóc” vào buổi tối trong khi lực lượng có trách nhiệm chủ yếu chỉ chốt chặn vào giờ hành chính, giờ xe gửi trong bãi của các “bến cóc”.
Để cứu bến xe khách liên tỉnh được quy hoạch hiện đại nhất cả nước, ngày 7/10 vừa qua, Samco tiếp tục có văn bản gửi Sở GTVT về phương án tổ chức phương tiện trung chuyển hành khách đến BXMĐ mới và ngược lại. Thừa nhận việc di chuyển của hành khách từ nội thành ra BXMĐ mới chưa thuận tiện, nhưng bà Tăng Thị Thu Lý cho biết, một xe khách giường nằm chở 40 người, nếu dùng xe trung chuyển 16 chỗ phải cần đến 3 chuyến, chi phí hoạt động của doanh nghiệp vận tải khách sẽ tăng cao. Trong khi đó các doanh nghiệp, HTX vận tải quy mô nhỏ không đủ kinh phí để đầu tư xe trung chuyển nên khả năng các đơn vị này sẽ đưa xe vào khu vực trung tâm để đón, trả khách, tạo thêm những tụ điểm “bến cóc, xe dù”.
Trước thực trạng này, đại diện Samco đã đề xuất Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT cho Samco đứng ra thí điểm kết hợp với một đơn vị vận tải tự tổ chức xe 16 chỗ trung chuyển khách từ trung tâm thành phố ra BXMĐ mới và ngược lại. Việc thí điểm sẽ thực hiện trong 2 giai đoạn, giai đoạn đầu từ năm 2022-2025, xe trung chuyển sẽ chạy vào đón, trả khách tại khu vực trung tâm và các quận nội thành cũ, các khu vực có trường đại học, bệnh viện… giai đoạn 2 sẽ chạy đến những địa bàn còn lại. Việc thu phí để hoạt động sẽ được Samco ký hợp đồng với những đơn vị có nhu cầu trung chuyển khách. Nhưng đến nay đề xuất này còn phải chờ ý kiến của Bộ GTVT trong khi cả nghìn đầu xe khách đã bỏ chạy khỏi BXMĐ mới tiếp tục hoành hành dưới dạng xe hợp đồng trá hình hoặc bến “cóc”, xe “dù” núp bóng các bãi giữ xe.