Ca nô phát nổ trên biển Cô Tô: Lời cảnh báo cho các điểm du lịch đang sử dụng ca nô 'chui'

Vụ việc ca nô bất ngờ phát nổ trên biển Cô Tô khiến tài xế thoát chết trong gang tấc, là lời cảnh báo cho các điểm du lịch đang sử dụng ca nô hoạt động 'chui'.

Chiều ngày 3/7, tại khu vực bãi tắm Hồng Vàn thuộc xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra vụ việc mô tô nước (hay còn gọi ca nô) bất ngờ phát nổ trên biển khi chuẩn bị kéo nhóm du khách ngồi trên phao chuối. Vụ việc đã khiến tài xế ca nô bị thương, nhóm du khách thì được phen hoảng hồn khi chứng kiến cảnh ca nô nổ tung, đẩy tài xế bay cao nhiều mét.

Sau khi vụ việc xảy ra, ngày 4/7, tổ kiểm tra liên ngành của huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tại bãi tắm du lịch Hồng Vàn và lập biên bản đình chỉ hoạt động nhiều ca nô trái phép.

Nhóm du khách trên biển Cô Tô hoảng hồn khi chứng kiến khoảnh khắc ca nô phát nổ phần đuôi, nam tài xế may mắn chỉ bị thương nhẹ (Ảnh cắt từ video)

Nhóm du khách trên biển Cô Tô hoảng hồn khi chứng kiến khoảnh khắc ca nô phát nổ phần đuôi, nam tài xế may mắn chỉ bị thương nhẹ (Ảnh cắt từ video)

Theo lãnh đạo Công an huyện Cô Tô, hoạt động mô tô nước hiện chưa được cấp phép trên địa bàn huyện, do đó chính quyền địa phương đã thành lập tổ liên ngành để kiểm tra, xử lý theo quy định. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 3 trường hợp có hành vi hoạt động ca nô chở khách vui chơi trái phép.

Cụ thể, phát hiện ông Phạm Văn Đồng, Phạm Thanh Tùng và Ngô Văn Mạnh kinh doanh ca nô kéo phao chuối chở khách tại bãi tắm Hồng Vàn khi chưa được cấp phép. Tại thời điểm kiểm tra, các chủ phương tiện không cung cấp được giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh này.

Hành vi hoạt động trái phép ca nô trên biển Cô Tô đã được cơ quan chức năng huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh xử lý theo quy định. Tuy nhiên, dư luận cho rằng nếu không xảy ra vụ nổ ca nô vừa qua thì những ca nô ở biển Cô Tô sẽ hoạt động "chui" đến bao giờ và khi xảy ra hậu quả thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm?

Anh Lê Doãn, trú tại Hà Nội cho biết: “Vừa qua tôi cùng mấy người bạn đến nghỉ mát tại bãi biển Cô Tô - Quảng Ninh, chúng tôi cũng có trải nghiệm ca nô kéo phao chuối trên biển, rất may là không xảy ra vấn đề gì. Hôm rồi xem clip nổ ca nô ở bãi biển này chúng tôi mới biết những ca nô đó chưa được cấp phép hoạt động. Đây là hành vi vi phạm pháp luật cần phải được xử lý nghiêm”.

Tại bãi biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, từ hè năm 2023, UBND TP. Sầm Sơn đã cấm tất cả các ca nô hoạt động trên biển do không đủ điều kiện theo quy định.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương vào sáng 6/7, ông Lê Huy Hưng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) cho biết: “Căn cứ theo Nghị định số 48 của Chính phủ, Sầm Sơn đã rà soát, xét thấy các ca nô hoạt động phục vụ vui chơi, giải trí trên biển không đủ điều kiện nên từ hè năm 2023, TP. Sầm Sơn đã cấm đối với ca nô. Vừa qua, có 2 ca nô hoạt động "chui" đã bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ. Hiện Sầm Sơn chỉ cho phép ca nô của Chữ thập đỏ hoạt động cức nạn cứu hộ trên biển”.

Du khách cần thận trọng khi muốn trải nghiệm ca nô trên biển (Ảnh Lê Dương)

Du khách cần thận trọng khi muốn trải nghiệm ca nô trên biển (Ảnh Lê Dương)

Còn tại biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), tình trạng ca nô hoạt động không phép vẫn diễn ra nhưng chưa bị cơ quan chức năng huyện Hoằng Hóa xử lý.

Một chủ khách sạn tại biển Hải Tiến lo lắng: “Có khoảng 10 ca nô chủ yếu là của cá nhân vẫn chở khách trên biển, đây là những ca nô hoạt động chui, nhưng không hiểu sao cơ quan chức năng vẫn không xử lý. Không may xảy ra rủi do gì thì du khách là người chịu thiệt thòi nhất”.

Theo Nghị định số 19/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 5/6/2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước, tại Điều 19 quy định: “Cơ quan đăng ký phương tiện Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện, quản lý việc đăng ký, quản lý phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước thuộc diện phải đăng ký theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật. Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quản lý phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước được miễn đăng ký”.

Như vậy, xét theo Nghị đinh số 19 thì UBND huyện, thị xã, thành phố sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp trên về việc tổ chức thực hiện, quản lý việc đăng ký, quản lý phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Tại biển Hải Tiến có tình trạng ca nô hoạt động "chui" là trách nhiệm thuộc về UBND huyện Hoằng Hóa.

Trở lại vụ việc xảy ra nổ ca nô trên biển Cô Tô, ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin và Du lịch huyện Cô Tô cho biết: Thời gian vừa qua huyện nhận được một số phản ánh, kiến nghị về việc tổ chức các phương tiện mô tô nước, phao chuối không đảm bảo theo quy định. Để ngăn chặn các tai nạn đáng tiếc xảy ra, tổ kiểm tra liên ngành du lịch sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động kinh doanh mô tô nước, phao chuối và các hoạt động kinh doanh dưới nước trái phép.

Vụ việc nổ ca nô trên biển Cô Tô tuy không gây thiệt hại về người, nhưng các cơ quan chức năng – nơi có khu du lịch biển trên cả nước cần xem đây là một bài học đắt giá để kiểm tra, rà soát và phải xử lý nghiêm đối với phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước không đủ điều kiện hoạt động. Tránh để hiểm họa xảy ra như ở biển Cô Tô.

Hoàng Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ca-no-phat-no-tren-bien-co-to-loi-canh-bao-cho-cac-diem-du-lich-dang-su-dung-ca-no-chui-330411.html