Cà phê trứng - thức quà tinh tế, lắng sâu, thi vị của người Hà Nội

Vào những 'sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội', ngồi trong quán nằm sâu ở ngõ nhỏ trên phố cổ, nhâm nhi tách cà phê trứng ấm nóng trên tay, ta như cảm nhận được cả hồn cốt Thủ đô đang ẩn sâu sau guồng quay nhộn nhịp của cuộc sống.

Khi Hà Nội bước vào những ngày cuối Thu chớm Đông với từng cơn gió heo cũng là lúc người ta muốn tìm cho mình một chốn nhỏ ấm cúng, làm bạn với thứ đồ uống ấm nóng trên tay, nhâm nhi từng chút một và lặng ngắm cuộc sống, tâm trạng thả trôi, bình yên đến lạ.

Nước dùng pha cà phê cũng phải canh cho vừa đủ độ nóng, nhiệt độ thấp quá thì vị cà phê mỏng mà không đủ độ sánh, nhiệt độ quá cao lại làm vị đắng hòa tan mạnh, át cả hương thơm, độ chua và vị ngọt. (Ảnh: Phương Linh)

Nước dùng pha cà phê cũng phải canh cho vừa đủ độ nóng, nhiệt độ thấp quá thì vị cà phê mỏng mà không đủ độ sánh, nhiệt độ quá cao lại làm vị đắng hòa tan mạnh, át cả hương thơm, độ chua và vị ngọt. (Ảnh: Phương Linh)

Món đồ uống không gì tuyệt bằng ấy là cà phê trứng trứ danh của mảnh đất này. Đây không chỉ là niềm tự hào quyến rũ của người Hà Nội mà còn là thứ gây thương nhớ cho những thực khách phương xa ngay từ lần đầu nếm thử.

Và càng đặc biệt hơn khi, ẩn đằng sau những tách cà phê hấp dẫn ấy, ta chiêm nghiệm được những chi chút, những tinh tế, những lắng sâu, thi vị trong tâm hồn người Hà Nội.

Câu chuyện xa xưa của một thức quà

Ngược dòng thời gian để tìm về những ngày đầu cà phê trứng ra đời, người ta mới hiểu món cà phê này đặc biệt đến nhường nào.

Người sáng tạo ra món cà phê độc đáo này là cụ Nguyễn Văn Giảng - từng là người pha chế của khách sạn Metropole Hà Nội. Được khơi nguồn cảm hứng từ thức uống Capuchino của Pháp cùng niềm trăn trở về sự khan hiếm của mặt hàng sữa khi đó, cụ Giảng ấp ủ về một món cà phê mang đậm bản sắc Việt Nam.

Với sự quan sát, tìm tòi và vốn kinh nghiệm của mình, dưới bàn tay đầy sáng tạo cùng tất cả sự yêu thương, chi chút gửi gắm từ người nghệ nhân pha chế, cụ Giảng cho ra đời món cà phê trứng vào năm 1946.

Cà phê trứng từ đó trở thành một dấu ấn đặc sắc trong nền ẩm thực Hà thành và từng bước chinh phục thực khách gần xa, để lại ấn tượng khó cưỡng cho bất kỳ ai.

Danh tiếng của thứ đồ uống độc đáo ngày một lan xa, mang theo đó là niềm tự hào khôn tả về một người Hà Nội vô cùng sáng tạo và tinh tế khi đã chắt lọc tinh hoa muôn phương mà kết hợp với cái sẵn có của mình, để tạo thành chất riêng không thể lẫn.

Một món quà rất Hà Nội!

Cà phê trứng được ví như một “nàng thơ” được sinh ra và nuôi nấng từ sự khéo léo, tài hoa của con người Hà thành. Bằng sự sáng tạo của mình, cụ Giảng chính là nghệ sĩ - hay theo ngôn ngữ hiện đại - là barista trứ danh của đất kinh kỳ, người đã đem “nàng thơ” cà phê trứng đến với những “chàng thi sĩ” ngẩn ngơ đang loay hoay kiếm tìm một hương vị vừa quen, vừa lạ.

Lạ là bởi ai có thể ngờ vị trứng hòa quyện với vị đắng của cà phê lại có thể tạo ra thức uống tuyệt vời đến vậy. Đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân phải chi chút, cẩn thận, cân đo đong đếm từng nguyên liệu để tạo nên tỷ lệ hoàn hảo nhất.

Nước dùng pha cà phê cũng phải canh cho vừa đủ độ nóng, nhiệt độ thấp quá thì vị cà phê mỏng mà không đủ độ sánh, nhiệt độ quá cao thì lại làm vị đắng hòa tan mạnh, át cả hương thơm, độ chua và vị ngọt.

Để cốc cà phê trứng được ngon nhất, không bị tanh, người ta phải tách cho bằng hết lòng trắng trứng, rồi đánh đều tay, không làm vỡ bọt khí khi trứng đã bông lên. Thêm vào một chút sữa đặc ngòn ngọt beo béo, một chút mật ong để lưu lại vị đậm đà trên môi.

Cuối cùng, lớp kem trứng được đổ vào, tràn lên trên lớp cà phê bên dưới, không hòa quyện mà tách thành hai lớp, nổi bồng bềnh như mây mùa hạ.

Không gian nhỏ và bình yên của cà phê trứng. (Ảnh: Phương Linh)

Không gian nhỏ và bình yên của cà phê trứng. (Ảnh: Phương Linh)

Thưởng thức cà phê trứng cũng phải theo một cách thật riêng. Đó là bởi “nàng thơ” ấy là người con của Hà Nội, nên để “chinh phục” nàng cũng phải theo một cách thật… “Hà Nội”.

Đầu tiên, người ta dùng chiếc thìa nhỏ đi kèm khuấy nhẹ tách cà phê một vòng rồi nghiêng cốc một cách hợp lý để có thể cùng lúc nếm trải những hương vị khác nhau. Đầu tiên là cái béo ngậy, ngọt ngào, rất nhẹ nhàng, mềm mại của trứng, rồi mới đến vị đắng đậm đà quen thuộc của cà phê.

Muốn thưởng thức một cách “đúng điệu”, cần chậm rãi nhâm nhi từng chút một mới cảm nhận được hết sự hòa quyện hoàn hảo ấy. Tách cà phê được đặt trên một chiếc bát nước nóng nho nhỏ, để hương vị thêm ấm nồng.

Cà phê trứng cũng tựa như tính cách người con gái Hà thành, dịu dàng mà cũng rất quyến rũ, lắng sâu, làm ta cứ say hoài, say mãi.

Văn hóa cà phê, văn hóa Hà Nội

Thả mình trong quán nhỏ với một không gian chẳng thể kiếm tìm được ở nơi nào khác: những chiếc ghế đẩu xinh xắn, tường bàng bạc, nhạt nhòa trong ánh sáng mờ mờ, thoang thoảng đâu đây giai điệu của khúc tình ca xưa cũ, ta chợt nhận ra cái nét riêng biệt trong câu chuyện về cà phê Hà Nội - một “thương hiệu” trong văn hóa thưởng thức cà phê của con người Hà thành.

Văn hóa cà phê Hà Nội không có sự vội vàng trong cách thưởng thức như người Mỹ, không lãng mạn, “sit, sip and enjoy” như người Pháp, cũng chẳng sôi nổi như người Italy. Khung cảnh người Hà Nội trong một quán nhỏ thưởng thức cà phê như mang đến một góc hồn Hà Nội còn sót lại, yên ắng, trầm mặc, xa xăm và đầy chiêm nghiệm.

Họ như đang ẩn mình trong một ốc đảo thanh bình, đối lập với những con phố tấp nập và nhịp sống hiện đại xô bồ ngoài kia.

Nhà sử học Lê Văn Lan đã từng nhận xét về “chất người Hà Nội”: vẻ nề nếp, tinh tươm, khoan thai và mang một chút lững thững từ ngày xưa, từ mảnh đất kinh kỳ cùng văn hóa cung đình đã ăn sâu vào phong thái của con người Tràng An.

Để đến tận bây giờ, nét đẹp ấy được mang vào từng ngõ ngách nhỏ của quán cà phê, của từng vỉa hè trên những chiếc ghế đẩu - những đặc trưng của văn hóa bình dân và rồi hòa trộn lại, trở thành một nơi khu trú điển hình của nền văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Chắc có lẽ cũng bởi vậy mà điều khiến một người con lớn lên trong lòng Hà Nội nhớ về nhiều nhất chính là không gian phố và cà phê.

Tại buổi gặp gỡ chuyện trò nhâm nhi tách cà phê nóng, những hoài niệm được gợi về, mùi hoa sữa của mùa Thu, mùi lá úa của buổi chiều tà, hay hình ảnh những gánh hàng rong trĩu nặng đi lại trên hè phố... Hương cà phê tựa như chiếc la bàn đưa ta đi tìm hồn cốt đó của Hà Nội.

Ẩn đằng sau những tách cà phê hấp dẫn ấy, ta chiêm nghiệm được những chi chút, những tinh tế, những lắng sâu, thi vị trong tâm hồn con người Hà Nội. (Ảnh: Phương Linh)

Ẩn đằng sau những tách cà phê hấp dẫn ấy, ta chiêm nghiệm được những chi chút, những tinh tế, những lắng sâu, thi vị trong tâm hồn con người Hà Nội. (Ảnh: Phương Linh)

Có thể thấy, cà phê trứng ra đời như món quà thân thương của người con Hà Nội đã gom hết sự tỉ mẩn, tinh tế, chi chút và tâm huyết của mình để dành tặng mảnh đất dấu yêu.

Rồi theo thời gian, thứ đồ uống mang trong mình chất riêng không lẫn được ấy đã trở thành một nét đẹp đặc trưng của Thủ đô - một “thành phố sáng tạo” từ xa xưa, sáng tạo từ những điều quen thuộc và gần gũi nhất.

Và chắc chắn, sức quyến rũ của món cà phê cùng câu chuyện đẹp về những con người xoay quanh nó sẽ ngày càng lan xa hơn nữa, còn mãi với các thế hệ mai sau...

Phương Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ca-phe-trung-thuc-qua-tinh-te-lang-sau-thi-vi-cua-nguoi-ha-noi-292725.html