Cà phê vỉa hè Đà Lạt

1. Ở Lâm Đồng, trà Bảo Lộc nổi tiếng thì cà phê Di Linh, Đức Trọng cũng vang danh. Riêng Đà Lạt vừa là xứ trà vừa là xứ cà phê. Dọc theo QL20, những vườn cà phê chè (coffea arabica) cây chỉ ngang đầu người, vào mùa, trái đỏ cành sà sát đất nhìn mê mẩn. Những hạt cà phê đó trải qua bao công đoạn, từ hái, phơi khô, chà vỏ cho đến rang, chế biến rồi xay thành cà phê bột là cả một quá trình với bao công sức. Để rồi khi những giọt sóng sánh lặng lẽ rơi từ phin xuống ly thì có thể đong cả bằng bao nhiêu mồ hôi của người nông dân...

Một quán cà phê vỉa hè ở Đà Lạt.

Một quán cà phê vỉa hè ở Đà Lạt.

Những buổi sáng, khi sương mờ còn đọng trên những tán thông cao chờ tan thành hạt nước li ti để góp phần làm dịu mát cả thành phố thì trên những con phố đông đúc người ta ngồi nhâm nhi ly cà phê sớm. Nhất là khu Hòa Bình, tấc đất tấc vàng, người ta không có nhiều diện tích để mở những quán cà phê rộng rãi mà chỉ có những chiếc bàn và ghế nhỏ, thấp, một cái kệ để ly, phin, đường sữa, chiếc bếp lò và cái bình thủy, có thể hình thành một quán cà phê vỉa hè đúng điệu. Những vị khách ngồi thu tay trong áo ấm chờ từng giọt cà phê nâu sẫm đang đong đưa dưới phin và ngắm nhìn bao người qua lại. Trong những câu chuyện làm quen hoặc tán gẫu với nhau, cái rực rỡ của áo quần, cái nồng nàn của cà phê, cái se se phảng phất của khí trời... và cả cái mùi hăng khét của thuốc lá được rít liên hồi như quyện vào nhau. Đậm đà, say mê!

2. Nếu ngồi nhâm nhi cà phê vỉa hè ở Sài Gòn, ta hay tự hỏi, trong ly cà phê này có bao nhiêu bắp, bao nhiêu đậu nành, bao nhiêu hương liệu cà phê..., thì bên ly cà phê Đà Lạt, ta gần như không bao giờ tự đặt câu hỏi đó. Không phải vì sau hớp đầu tiên, vị cafein như thấm vào từng tế bào để ta thấy sảng khoái hơn, tỉnh táo hơn, phấn khích hơn. Không phải vì Đà Lạt là xứ cà phê thì chắc chẳng ai làm trò "cà phê giả" để lừa khách. Không phải vì cà phê Đà Lạt không có những chai pha sẵn chẳng ai biết được pha lúc nào, bằng chất gì, nước có nóng không như thường thấy ở Sài Gòn. Cũng chẳng phải ta tự nhận mình là người sành điệu để đủ nhận ra đâu là vị cà phê thật và đâu là cà phê hương liệu. Ta tin ly cà phê thơm lừng và đậm đà kia dẫu có chút ngọt ngào của đường, sữa hay đã được làm nhạt đi từ những viên đá lạnh buốt, tinh khiết, hoặc từ bàn tay dịu dàng của cô chủ hàng thì vẫn có độ nguyên chất, độ tinh khiết vốn có của nó. Bởi ta tin cà phê Đà Lạt và tin người Đà Lạt!

Bên ly cà phê, ta nhìn thấy một Đà Lạt rộng mở với người từ khắp bốn phương. Những chàng Tây cao lêu nghêu mặc quần soọc, áo thun như vẫn thường mặc ở quê nhà và không thấy cái se lạnh của Đà Lạt cần phải mặc áo ấm; những người châu Phi vốn quen với cái nắng rát da vừa áo bông dày vừa khăn len quấn cổ; những người Việt từ nhiều miền của đất nước đang hào hứng với cái rét dịu dàng... Trong số những người Việt đó, ta nghe cả giọng Bắc - Trung - Nam và cả một thứ giọng rất riêng của Đà Lạt. Đà Lạt là một xứ hội tụ, nhưng không phải là xứ pha tạp theo kiểu "tứ chiếng" mà là một nơi dung hòa các đặc trưng vùng miền và cộng với bản sắc vốn có của Đà Lạt từ thuở bác sĩ Yersin khám phá và xây dựng thành phố này để tạo thành một nét rất riêng của Đà Lạt. Ta say Đà Lạt thì không phải chỉ có không khí, đất, trời hay hoa trái mà còn có cả con người!

Một xứ sống tốt và đáng sống, có những người đáng quý có thể khiến ta tin rằng thứ cà phê mình đang uống là cà phê thật!

3. Nhiều người đã khái quát thành một thứ văn hóa cà phê vỉa hè của xứ ngàn hoa, với sự giản dị mà khó quên, dịu dàng mà đằm thắm như chính con người nơi đây. Cà phê vỉa hè Đà Lạt phục vụ cho nhiều đối tượng. Người Đà Lạt cũng có, khách du lịch cũng có; người bình dân cũng được mà khách sang trọng cũng được; người ta cũng như người Tây... Cà phê vỉa hè lắm khi là cà phê bụi đúng nghĩa, khi ta ngồi bệt ở các bậc tam cấp từ khu Hòa Bình xuống chợ Đà Lạt hay ở các ghế đá ven hồ Xuân Hương, thậm chí ngồi bệt trên một bãi cỏ nào đó trong buổi nhạt nắng... Cà phê vỉa hè uống bằng cái tách nhỏ hoặc cái ly thủy tinh, cũng có khi bằng ly nhựa, như nhiều nơi khác; chỉ có khác một chút là nếu uống với đá thì thường người ta chỉ đổ quá nửa ly thôi, rồi chế cà phê vào, chứ ít khi với một ly đầy đá như ở Sài Gòn. Vì Đà Lạt đã lạnh rồi nên không cần nhiều đá chăng?

Cà phê vỉa hè không chỉ có cà phê và dòng người qua lại. Đọng trong cà phê vỉa hè là những câu chuyện quen thuộc và bình dị. Có lẽ đó là sự "bụi bặm" của cà phê vỉa hè mà cà phê ở những quán sang trọng ít thấy chăng? Cà phê vỉa hè còn có những gam màu trang trí đa dạng chứ không phải chỉ có ở những quán rộng rãi, sang trọng, phong cách. Những nét vẽ trên tường, những vật trang trí nho nhỏ, những kiểu sắp xếp bàn ghế..., cũng có thể mang một nét riêng nào đó, khiến ly cà phê không đơn điệu, nhàm chán. Và, chắc không hiếm những người uống cà phê vỉa hè vừa nhâm nhi vừa thưởng thức một đóa cúc vàng tươi, một cành bách hợp thơm nồng, một chậu chuỗi ngọc treo lơ lửng..., hay chỉ đơn giản một bụi dã quỳ chìa chiếc hoa vàng dịu ngay một góc đường nào đó...

Đến Đà Lạt, thưởng thức cà phê vỉa hè cũng như những món ăn vặt vỉa hè, khiến ta hiểu Đà Lạt hơn, thấm Đà Lạt hơn, yêu Đà Lạt hơn và say với Đà Lạt hơn!

Nguyễn Minh Hải

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_215896_ca-phe-via-he-da-lat.aspx