Ca sĩ Anh Thơ và nỗi oan 'con của ông hàng xóm'

Khi nhắc tới những kỷ niệm với quê hương Thanh Hóa - nơi Thơ trở về làm đêm nhạc tri ân tối 26/10 - Anh Thơ khiến tôi ngạc nhiên. Vì đó là những hồi ức tủi buồn của một đứa bé sống giữa gia đình nhưng lại thật cô đơn.

Làm điều mà Trọng Tấn không dám

Sau khi tổ chức đêm nhạc chung với Trọng Tấn năm ngoái tại Hà Nội, Anh Thơ rủ Tấn cùng làm đêm nhạc tri ân quê hương. Chị kể: “Nhưng Tấn bảo không muốn vì làm thì lỗ, bán vé khổ, nhiều lúc tủi thân. Tấn không làm chung nữa thì Thơ làm riêng, Tấn chỉ việc làm khách mời, không phải lo lắng bán vé nữa”.

Để tri ân quê hương, Thơ chủ động hạ giá vé để đón được nhiều khán giả. “Nếu đủ chi phí thì tốt. Dư ra tôi sẽ mang tiền đó đi từ thiện tại quê hương mình,” chị cho biết.

Anh Thơ chấp nhận lỗ để làm live show tại quê hương. Ảnh: NVCC.

Anh Thơ chấp nhận lỗ để làm live show tại quê hương. Ảnh: NVCC.

Chương trình vẫn đảm bảo chất lượng như diễn ra tại Thủ đô với toàn bộ ê-kíp từ hợp xướng, vũ đoàn, nhạc công, âm thanh ánh sáng đều từ Hà Nội. Thơ cũng mời cả những bạn diễn là đồng hương như Trọng Tấn, Lê Anh Dũng, Hồ Quang Tám hay các danh hài Xuân Hinh, Xuân Bắc, Tự Long… về cùng để chiêu đãi khán giả quê nhà.

Năm 1999, cùng thi Liên hoan Tiếng hát Truyền hình toàn quốc (tiền thân Sao Mai), Trọng Tấn đoạt giải nhất, Anh Thơ giải ba. Anh Thơ khẳng định giám khảo hồi đó (gồm cả các nhạc sĩ Phó Đức Phương, Trần Tiến…) chấm chuẩn: “Hồi đấy mình hát vẫn bấp bênh, vì giọng nữ phải chuyển, lúc đó mình chuyển chưa nhuần nhuyễn nên bị chênh phô”.

Trọng Tấn là khách mời của đêm nhạc Nàng Thơ trở về tại thành phố Thanh Hóa. Ảnh: NVCC.

Trọng Tấn là khách mời của đêm nhạc Nàng Thơ trở về tại thành phố Thanh Hóa. Ảnh: NVCC.

“Đến thời điểm này, tôi cảm thấy rất chín chắn trong cách hát. Nốt trầm thì dày, nốt cao thì nhẹ và vẫn nội lực, vẫn lửa, vẫn tình,” Thơ tự đánh giá.

“Ở tuổi 50, nếu không quay ra để yêu mọi người, yêu nghệ thuật… thì tôi không giữ được lửa như thế này đâu. Không có tình yêu đẹp nào bằng tình yêu dành cho nghệ thuật. Nó giúp mình thăng hoa, giúp mình tự tin” ca sĩ Anh Thơ

Chiếc nhẫn vàng định mệnh

Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Thanh nhạc tại Thanh Hóa, Anh Thơ ra Hà Nội. Hồi ở quê, hay đi hát đám cưới và cũng được nhiều giải thưởng, Thơ tích cóp được chiếc nhẫn vàng, để làm “lộ phí” ôn thi vào Nhạc viện. Nhưng cô Diệu Thúy - lúc bấy giờ là Trưởng khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) - sau khi nghe Thơ hát lại quyết định không thu học phí.

Không chỉ bó gọn trong dòng nhạc dân gian, gần đây Anh Thơ mạnh dạn hát tình ca.

Không chỉ bó gọn trong dòng nhạc dân gian, gần đây Anh Thơ mạnh dạn hát tình ca.

Sau kỳ thi đầu vào Nhạc viện, trên chuyến xe từ Hà Nội về quê, Thơ được một người đang chơi bài nhờ cầm bài để đi vệ sinh. Sau đó họ hô bài lên, cô thua và trấn luôn chiếc nhẫn.

“Lúc ấy Thơ cũng khóc, giằng co, đòi lại nhưng còn bị đánh. Mình tự nhủ, thôi bỏ qua đi sau này mình sẽ tự làm ra,” Anh Thơ kể. Đó là mùa hè 1996, khi Thơ tròn 20 tuổi.

Anh Thơ cũng là trường hợp duy nhất mà bà giáo Hồ Mộ La phải xin về để dạy. Là nhà sư phạm đầu ngành uy tín lâu năm, tất nhiên bà Mộ La không thiếu học sinh… Được “đàn chị” (bà La hơn cô Thúy tầm 20 tuổi) ngỏ lời xin đến lần thứ hai, cô Thúy đành chấp nhận “sang tên” học trò ruột.

Thời gian đầu được giao nhiều bài khó đủ các thứ tiếng Nga, Pháp, Đức… Thơ vài lần đòi nghỉ học về nhà cuốc ruộng. “Tôi mới ở quê ra, hiểu biết gì về dòng nhạc cao sang quý phái đâu, cứ sợ sợ,” Thơ nhớ lại.

Bị bà giáo mắng cho vài bận cô mới yên tâm sôi kinh nấu sử. Kết quả điểm thi thường cao hơn kỳ vọng của cô. Sau này, Anh Thơ lại làm cú lội ngược dòng để ứng dụng các kỹ thuật opera đã học vào tiếng Việt. Cô không bị nhận xét sao hát dân gian mà “miệng mở to thế”, “âm thanh dựng khiếp thế”… nữa.

Anh Thơ lần đầu chia sẻ nỗi oan 20 năm bị bố đẻ nghi ngờ... Ảnh: Đàm Long Xây.

Anh Thơ lần đầu chia sẻ nỗi oan 20 năm bị bố đẻ nghi ngờ... Ảnh: Đàm Long Xây.

Bị bố đẻ hiểu lầm…

Khi hỏi Anh Thơ về kỷ niệm sâu sắc với quê hương, tôi không nghĩ mình được nghe câu chuyện này. Đó là một thời gian dài Thơ bị chính bố mình nghi ngờ không phải con ruột.

Đó là lý do Thơ phải dạy từ 5h sáng vơ đủ một gánh bèo rồi mới được đi học. Cô thường xuyên bị nêu tên trong lễ chào cờ vì đi học muộn. Hồi học cấp 2 có khi chiều 30 Tết cô vẫn còn ngồi bán hàng nước khi cả chợ đã vắng tanh. Vừa bán vừa gà gật… ngủ, vì đêm trước phải chầu chực để xí được một chỗ ngồi bán hàng Tết.

Anh Thơ trong buổi tập cho đêm nhạc 26/10 tại thành phố Thanh Hóa. Ảnh: FBNV.

Anh Thơ trong buổi tập cho đêm nhạc 26/10 tại thành phố Thanh Hóa. Ảnh: FBNV.

Ăn đói mặc rách, bị mắng oan có lẽ cũng không buồn bằng thiếu tình yêu thương đùm bọc của gia đình. Một đứa trẻ có thể buộc phải thích nghi với hoàn cảnh, cho đến khi nó biết rằng còn có những hoàn cảnh khác.

Ngoài sự mạnh mẽ, cô bé Lê Thị Thơ (tên thật của Anh Thơ) còn có một niềm tin riêng để vượt qua nghịch cảnh. Từ một lần bị mắng oan, khóc thầm đến không có một tiếng nấc, Thơ ngủ thiếp đi và mơ thấy một người phụ nữ mặc quần áo xưa, đứng trên không trung, đặt vào tay mình một nén bạc và bảo: “Mẹ cho con để lo đường đời”. Giấc mơ rất rõ nét và cô bé 10 tuổi đã kể cho mẹ ruột nghe mãi…

Thơ nhớ ngày vào Đà Nẵng tham gia một cuộc thi cùng Lan Anh, Hương Mơ, ban nhạc Hoa Sữa: “Khi tàu dừng ở Huế, bố mẹ Hương Mơ ra đón con ngay ở ga. Hương Mơ vừa bước xuống, được bố mẹ ôm. Nhìn cảnh đó tôi đã khóc. Tôi thèm khát cảm giác được bố mẹ yêu chiều như thế mà không bao giờ có được”…

Nhưng Anh Thơ được cái làm gì cũng có lộc. “Làm ruộng mang được lúa về cho nhà. Đi bắt cua dù cả cánh đồng không có một ai mà nắng chang chang, thọc tay vào cái ổ còn sờ phải rắn… nhưng tôi vẫn mang được cua về. Đi buôn tôi cũng có lãi. Nhà tôi chỉ duy nhất mình tôi phải làm những việc đấy. Tôi sinh ra như phải trả nợ nghiệp từ kiếp trước cho gia đình”, Anh Thơ nhớ lại.

Chị cho biết thêm, kể cả khi lấy chồng rồi Tết nhất vẫn cứ sắm sửa mọi thứ cho nhà bố mẹ. Đến giờ vẫn gánh vác gia đình, nuôi các cháu ăn học.

Mãi tới khi Thơ ra Hà Nội học, nỗi oan “không phải con ruột” mới được giải tỏa… Bố mẹ Thơ đều là nhà giáo. Bố Thơ đẹp trai, tài hoa, hát hay, thể thao giỏi, thuộc nhiều thơ văn và cũng viết văn làm thơ. Lúc mẹ mang bầu Thơ được 3 tháng, bố đi công tác một thời gian. Khi về ông nghe đồn đại thế nào đó khiến Thơ phải gánh chịu “hậu quả” suốt những năm dài.

Thơ thú nhận từng có lúc “hận” bố, nhưng giờ đây: “Phải cảm ơn những thời gian đó thì bây giờ mình mới trưởng thành được. Cái nghiệp của mình là phải bị oan, phải vất vả, phải cô đơn, hiu quạnh thì mới thành công. Còn nếu mình sống trong hạnh phúc sung sướng là mình không bao giờ có sự nghiệp này”.

Bố Anh Thơ năm nay 84 tuổi, bắt đầu “nhớ nhớ quên quên”. Nhưng ông đã kịp tự viết điếu văn cho mình. Ông tin tưởng giao cho Thơ “đọc duyệt”.

Nguyễn Mạnh Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ca-si-anh-tho-va-noi-oan-con-cua-ong-hang-xom-post1685307.tpo