Cá thể hóa trách nhiệm để xử lý dứt điểm

Từ hoạt động mang tính chất thí điểm, đến nay, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kết quả công tác dân nguyện của Quốc hội tại phiên họp hàng tháng đã tạo ra những chuyển biến rất tích cực. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này, tại phiên họp sáng qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban Dân nguyện và Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ rà soát, lập danh mục các vụ việc thuộc diện Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, chỉ đạo, phân chia theo lĩnh vực, có thống kê, kiểm đếm, có hồ sơ rõ ràng. Quốc hội phải đưa ra thảo luận, xem xét, giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan Trung ương, địa phương, cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, của cá nhân để xử lý dứt điểm những vụ việc tồn đọng kéo dài, không để phát sinh các vụ việc mới.

Đi vào nền nếp và hiệu quả

Trong tháng 1.2022, Ban Dân nguyện đã nhận thêm 212 văn bản trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV. “Như vậy, tính đến nay, mặc dù chưa đến thời hạn giải quyết, trả lời nhưng đã có 1.531/1.707 kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV đã được các bộ ngành xem xét, giải quyết, trả lời. Hiện còn 176 kiến nghị chưa được trả lời (chiếm 10,7%). Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục đôn đốc và cập nhật kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp sau”, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp thứ Tám của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp thứ Tám của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ảnh: Lâm Hiển

“Sau này trách nhiệm của anh nào, chủ trì ở Trung ương là ai, ở địa phương là ai, từng lĩnh vực một, chúng ta quy trách nhiệm rõ ràng thì công tác dân nguyện hàng tháng bàn như thế này mới có tác dụng thực tế. Đối với một số vụ việc cụ thể đã có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, cơ quan nào được phân công cũng bám sát để làm đến nơi đến chốn, tránh chuyện đánh trống bỏ dùi, nêu ra thì nhiều nhưng phương án, kế hoạch giải quyết thì ít, nêu ra trách nhiệm chung chung chứ không cá thể hóa được trách nhiệm cho tập thể, cho cá nhân nên hiệu lực của công tác này có hạn chế”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Đó chỉ là một trong những số liệu cụ thể cho thấy kể từ khi công tác dân nguyện được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ tại Phiên họp hàng tháng, việc xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân của các cơ quan chức năng đã có sự chuyển biến rõ nét, nhanh hơn, kịp thời hơn, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của cử tri và nhân dân đối với lĩnh vực hết sức quan trọng này.

Đánh giá chung về công tác dân nguyện trong tháng 1.2022 của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện nêu rõ, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã duy trì nền nếp và thực hiện có hiệu quả các quy định về tiếp công dân, lắng nghe ý kiến, trình bày của công dân, giải thích về chính sách pháp luật liên quan đến nội dung công dân còn vướng mắc, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định. Việc tiếp nhận, phân loại đơn thư được thực hiện thường xuyên, chủ động nghiên cứu, phát hiện những đơn thư công dân khiếu nại, tố cáo có cơ sở, có căn cứ, kịp thời chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.

Cùng với đó, hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền luôn được cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm duy trì, thường xuyên theo dõi, rà soát kết quả giải quyết đơn của cơ quan có thẩm quyền; kịp thời ban hành văn bản đôn đốc đối với những trường hợp quá thời hạn, cơ quan có thẩm quyền chậm giải quyết. Những động thái này “đã góp phần thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài’, Trưởng ban Dân nguyện nhận định.

Phải “đo, đếm” được bằng kết quả cụ thể

Mặc dù vậy, lãnh đạo Ban Dân nguyện cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Trong đó, việc xử lý đơn thư vẫn chủ yếu là xem xét, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà chưa tập trung được nhiều vào việc theo dõi, đánh giá việc giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền. Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chủ yếu được thực hiện qua hình thức xem xét, đánh giá báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc qua phối hợp giám sát và lồng ghép trong các chuyên đề giám sát khác; chưa tổ chức giám sát được nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể…

Với những tồn tại, hạn chế như vậy, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, phải tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội. Trong đó, Báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng cần đánh giá chất lượng việc trả lời, giải quyết của cơ quan có thẩm quyền có đáp ứng được yêu cầu hay không. Từ kinh nghiệm của các phiên họp trước, Trưởng ban Công tác đại biểu cũng đề nghị Ban Dân nguyện cần xác định một số vụ việc bức xúc kéo dài được dư luận cử tri và nhân dân quan tâm để đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. “Như thế sẽ đáp ứng được cả diện rộng là chúng ta giám sát công tác dân nguyện chung, nhưng cũng có được những sản phẩm cân, đong, đo, đếm được bằng những kết quả cụ thể. Kinh nghiệm cho thấy, khi chúng ta đưa ra các vụ việc cụ thể để tập trung xem xét thì tác động rất tích cực”, Trưởng ban Công tác đại biểu nói.

Quy trách nhiệm rõ ràng

Nhất trí với đề xuất trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu một số vụ việc, hiện tượng đang được dư luận rất quan tâm hiện nay đòi hỏi các cơ quan phải chú ý. Đơn cử như tình trạng doanh nghiệp đấu thầu đất với giá rất cao rồi bỏ đặt cọc, hay các nhà đầu tư tư nhân mua bán, chuyển nhượng đất đai nhưng khi ký hợp đồng xong xuôi, giá đất lên cao thì bên bán không muốn bán nữa, muốn hủy hợp đồng, trong khi hợp đồng soạn thảo đôi khi không chặt chẽ nên phân xử việc này rất khó. Cũng có hiện tượng mua bán đất nhưng không tạo dòng tiền, chuyển nhượng theo kiểu các biện pháp kỹ thuật để tạo doanh thu ảo. Có dạng hợp đồng kiểu hứa mua và hứa bán nhưng không chặt chẽ nên khi thấy giá đất lên cao thì người hứa bán lại không bán nữa hoặc không thực hiện đầy đủ các nội dung hợp đồng.

Các vụ việc như vậy hiện đang bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, rất đáng phải quan tâm, đòi hỏi các cơ quan chức năng thụ lý phải hết sức tỉnh táo, thận trọng, khách quan để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội cần nhấn mạnh điều này để đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo, làm rõ. “Đằng sau mỗi doanh nghiệp là bao nhiêu người lao động. Rồi còn liên quan đến các hợp đồng đầu vào, đầu ra của người khác. Chỉ thấy ông A kiện ông B, chưa có kết luận gì, nhưng bây giờ cứ báo chí đưa tin mà chưa được kiểm chứng, chưa được phân xử cụ thể, ảnh hưởng ngay đến công ăn việc làm của người lao động, gây bất ổn thị trường nói chung và tâm trạng bất an của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhấn mạnh những việc này không phải là việc nhỏ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị “cần rà soát, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật. Các cơ quan Quốc hội cũng phải giám sát việc này để bảo đảm xử lý đúng”. Trong đó, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội phải chủ động theo dõi, giám sát, kịp thời có ý kiến về những vấn đề nổi lên thuộc lĩnh vực, phạm vi phụ trách, không chờ Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội phải giao nhiệm vụ. Đây vừa là công tác dân nguyện nhưng đồng thời là công tác giám sát, các cơ quan của Quốc hội phải phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan của Chính phủ để kiểm tra, làm rõ.

Tại Phiên họp tháng 3 tới, Đoàn giám sát về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân sẽ báo cáo sơ bộ kết quả giám sát bước đầu và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kế hoạch giám sát chi tiết từ tháng 3 đến khoảng tháng 8.2022. Trên cơ sở 1.003 vụ việc do thanh tra đã kiểm đếm, theo dõi và 501 vụ việc Bộ Công an kiến nghị, đề xuất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ rà soát và lập một danh mục các vụ việc thuộc diện Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, chỉ đạo. “Sau này, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đưa chỉ tiêu này vào. Mỗi năm phải giải quyết được bao nhiêu; đến thời điểm nào phải giải quyết dứt điểm được việc này, không để “đẻ” ra số mới và giải quyết cơ bản những việc cũ”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trực tiếp chỉ đạo để đến Phiên họp tháng 3 tới, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Dân nguyện phải “khớp” lại với nhau, báo cáo danh mục các vụ việc, chia theo lĩnh vực, có thống kê, có kiểm đếm, có mô tả vụ việc là gì, lập hồ sơ cụ thể. Quốc hội phải đưa ra thảo luận, xem xét, giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan Trung ương, địa phương và báo cáo kết quả thực hiện với Quốc hội.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ca-the-hoa-trach-nhiem-de-xu-ly-dut-diem-cexfyvwuln-79931