Các barista Trung Quốc nở rộ ở Italy khiến dân địa phương nghi ngại

Nhiều doanh nhân Trung Quốc đang tiếp quản các quán cà phê địa phương khi con cái của các gia đình gốc Italy từ chối nối nghiệp cha mẹ.

Năm 2013, làn sóng những người di cư Trung Quốc tiếp quản các quán cà phê ở miền Bắc và miền Trung Italy được mô tả trong lời bài hát mang hơi hướm bài ngoại “Il Genio”: "Các quán bar Trung Quốc có ở khắp mọi nơi và cappuccino đang trong tình trạng sốc".

Sáu năm sau, theo bài báo trên Corriere della Sera của Italy hồi đầu tháng này, 11,5% quán bar ở Milan hiện được điều hành bởi những người di cư thế hệ thứ nhất và thứ hai từ Trung Quốc.

Người Trung Quốc lấn át các quán bar Italy

Theo South China Morning Post, Italy có dân số Trung Quốc thuộc hàng cao nhất ở châu Âu, với hơn 300.000 người cư trú chính thức và nhiều người sinh sống bất hợp pháp. Khoảng 90% trong số họ đến từ tỉnh Chiết Giang.

Người Trung Quốc lần đầu tiên đến Milan vào khoảng 80 năm trước và thành phố này có khu phố người Hoa hưng thịnh và khá sang trọng bán một số món ăn Trung Quốc ngon nhất bên ngoài Trung Quốc.

Grazia Deng, nghiên cứu sinh tại Đại học Brown của Mỹ, chuyên gia về barista Trung Quốc ở Italy. Ảnh: SCMP.

Grazia Deng, nghiên cứu sinh tại Đại học Brown của Mỹ, chuyên gia về barista Trung Quốc ở Italy. Ảnh: SCMP.

Tuy nhiên, gió đang đổi chiều. Người Trung Quốc, với các giá trị gia đình truyền thống, đang lấp vào chỗ trống ở những quán bar “piazza”, vận hành các máy pha cà phê từng là một phần thiết yếu của cuộc sống Italy trong nhiều thập kỷ.

Họ đang dần thay thế những người di cư Italy từ miền Nam nước này, những người bắt đầu văn hóa espresso và cappuccino ở phía bắc vào những năm 1960, Grazia Deng, nhà nghiên cứu nhân chủng học ở Hong Kong và đã dành 14 tháng để nghiên cứu thực địa về văn hóa cappuccino Trung Quốc ở Bologna, cho biết.

Năm 2019, trong số 4.891 doanh nghiệp đăng ký mở quán bar với Phòng Thương mại Thành phố, 562 thuộc sở hữu của người Trung Quốc, tăng 27% kể từ năm 2011.

Đã có sự gia tăng tương tự ở các khu vực khác của miền Bắc và miền Trung Italy. Thậm chí còn có một trang web dành riêng cho người di cư Trung Quốc tìm mua quán bar và nhà hàng ở Italy.

"Những người Trung Quốc điều hành các quán cà phê không phải là người mới đến Italy. Hầu hết trong số họ đã ở trong nước được 10 hoặc 20 năm và giờ họ đang cố gắng tối đa hóa thu nhập gia đình", bà Deng cho biết.

Theo bà, có hai lý do chính khiến người di cư Trung Quốc tham gia kinh doanh quán bar địa phương.

Thứ nhất, một số mất việc làm sản xuất - chủ yếu trong ngành thời trang - sau cuộc khủng hoảng tài chính. Thứ hai, con cái của những người trong làn sóng di cư đầu tiên giờ đã đủ tuổi để giúp đỡ trong công việc kinh doanh của gia đình.

Khu phố Hoa của Milan bán một số món ăn Trung Quốc ngon nhất bên ngoài Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Khu phố Hoa của Milan bán một số món ăn Trung Quốc ngon nhất bên ngoài Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Mặt khác, người Italy đang rời bỏ các quán bar trong khu phố - nơi thường bán thuốc lá và thực phẩm cũng như cà phê và đồ uống có cồn.

"Con cái của các chủ sỡ hữu trước không muốn tiếp tục công việc kinh doanh này. Chúng được giáo dục và nhận những công việc thuộc tầng lớp trung lưu - chúng không muốn làm barista (nhân viên pha cà phê) nữa", bà nói.

Làn sóng bạo lực và phân biệt chủng tộc

Với cà phê được bán với giá khoảng một euro và một cốc bia chỉ hai euro, các quán bar trong khu phố rất rẻ, khiến chúng trở thành một phần thiết yếu trong văn hóa của tầng lớp lao động ở Italy, nơi người thất nghiệp và người cao tuổi có nhiều thời gian rảnh.

Nhiều người cũng bán bánh kẹo và vé số. Một số đang thêm trà sữa trân châu vào thực đơn của họ.

"Thông qua việc họ sẵn sàng làm việc nhiều giờ và khai thác lao động gia đình linh hoạt hoặc không được trả lương, những doanh nhân nhập cư Trung Quốc có thể duy trì các cửa hàng địa phương, ngay cả khi người Italy bản địa không sẵn lòng tiếp quản", bà Deng nói với South China Morning Post.

"Vượt xa việc trở thành 'kẻ xâm lược văn hóa' đe dọa văn hóa Italy, những doanh nhân này dường như đã trở thành người bảo vệ lối sống cũ", bà nhận xét.

Nhưng với nạn phân biệt chủng tộc và bài ngoại đang gia tăng trên khắp đất nước, "nhiều người Italy không tin tưởng người Trung Quốc và nghĩ rằng bằng cách điều hành các quán cà phê, những người này đang tiếp quản văn hóa của họ", bà Deng nói.

Zhou Hui bị đâm chết trong quán cà phê Italy nơi cô làm việc. Ảnh: SCMP.

Zhou Hui bị đâm chết trong quán cà phê Italy nơi cô làm việc. Ảnh: SCMP.

Vì thời gian dài và phải làm việc không được bảo vệ, thường ở những khu vực tội phạm cao, cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng cho các gia đình barista Trung Quốc.

Vụ giết hại một phụ nữ trẻ Trung Quốc làm nhân viên pha chế ở vùng ngoại ô Milan của Reggio Emilia hồi tháng 8 đã gây sốc cho người Italy và cả cộng đồng Trung Quốc.

Zhou Hui, 25 tuổi, bị Hicham Boukssid, 34 tuổi, người nhập cư bất hợp pháp, đâm chết trong quán bar Moulin Rouge, nơi cô làm việc.

Anh ta là khách quen trong hai năm và được cho là bị ám ảnh bởi Zhou, người được biết đến với tên Stephanie.

Đầu tháng này, Zhou Chao Khang, chủ sở hữu 56 tuổi của Caffe Europeo ở vùng ngoại ô Cinecitta ở Rome, đã bị bắn vào mặt sau khi đối đầu hai kẻ cướp có vũ trang.

Một trong những tay súng, Ennio Proietti, 69 tuổi, người đã ở tù 30 năm vì tội giết người, đã bị bắn chết trong vụ ẩu đả. Tay súng thứ hai, Enrico Antonelli, 58 tuổi, đã bị tước vũ khí bởi một trong số nhiều khách hàng đến giúp đỡ Zhou.

"Đây là công việc của chúng tôi, đây là thành phố của chúng tôi, tôi và các con tôi sẽ tiếp tục làm việc. Tôi cảm ơn tất cả những người đã giúp đỡ và đang thể hiện tình đoàn kết", ông Zhou nói với báo Rome Il Messagerro sau khi được xuất viện.

Tuyết Mai
Theo South China Morning Post

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cac-barista-trung-quoc-no-ro-o-italy-khien-dan-dia-phuong-nghi-ngai-post1018323.html