Các công ty điện hạt nhân Mỹ vận động Nhà Trắng không cấm uranium Nga
Ngành công nghiệp hạt nhân Mỹ đang vận động Nhà Trắng cho phép tiếp tục nhập khẩu uranium từ Nga bất chấp xung leo thang ở Ukraine.
Reuters dẫn nguồn tin riêng cho biết các công ty điện hạt nhân của Mỹ đang vận động Nhà Trắng không đưa uranium của Nga vào danh sách cấm vận liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, bởi đây là nguồn cung quan trọng giúp giữ giá điện hạt nhân của Mỹ ở mức thấp.
Theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng và Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, khoảng một nửa lượng uranium (ước tính 10.000 tấn trong năm 2020) đang được các nhà máy điện hạt nhân Mỹ sử dụng đến từ Nga, Kazakhstan và Uzbekistan, số uranium này tạo ra 20% sản lượng điện của nước mỹ.
Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moskva từ cuối tuần trước sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Hiện việc mua bán uranium giữa Nga và các nước trong đó có Mỹ vẫn chưa được vào danh sách các lệnh trừng phạt.
Cũng theo nguồn tin của Reuters, Viện Năng lượng Quốc gia (NEI), một nhóm các công ty sản xuất điện hạt nhân Mỹ bao gồm tập đoàn năng lượng Duke và tập đoàn Exelon, đang vận động Nhà Trắng tiếp tục miễn trừ trừng phạt đối với hoạt động nhập khẩu uranium từ Nga.
Các nguồn tin cho biết việc vận động hành lang của NEI nhằm đảm bảo uranium không bị vướng vào bất kỳ lệnh trừng phạt trong tương lai, giữa lúc ngày càng có nhiều lời kêu gọi trừng phạt hoạt động bán dầu thô của Nga.
"Ngành công nghiệp điện hạt nhân của Mỹ đang cần uranium giá rẻ của Nga", một nguồn tin của Reuters nhấn mạnh.
Cả hai tập đoàn Duke và Exelon hiện vẫn chưa đưa ra bình luận nào về thông tin này.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho đang cố giữ giá năng lượng ở nước này ở mức thấp nhất nhằm tạo đà phục hồi cho nền kinh tế.
"Chúng tôi đang lắng nghe tất cả câu hỏi từ các ngành công nghiệp và sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để buộc Nga phải chịu trách nhiệm", một quan chức Nhà Trắng cho biết khi được hỏi về việc NEI muốn giữ uranium khỏi các lệnh trừng phạt.
Giống như uranium, Mỹ và các nước phương Tây vẫn chưa có động thái nào cho thấy họ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt lên hoạt động mua bán dầu khí của Nga. Điều này có thể thấy rõ qua việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga sang châu Âu thông qua các đường ống chạy qua Ukraine đã tăng mạnh gần 40% so với các ngày trước xung đột.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ Ukraine cho thấy xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga sang châu Âu đã tăng 38% vào ngày 24/2 – thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Bước sang ngày 25/2, mức xuất khẩu tăng thêm khoảng 24% so với một ngày trước đó.
Cũng theo dữ liệu của Bloomberg, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng tới 62%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2005. Tây Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga và việc các hệ thống ống dẫn khí ngày một tăng lên đã nhấn mạnh sự phụ thuộc này.
Theo Tổng cục Năng lượng của EU, khoảng 25% năng lượng tiêu thụ của EU là từ khí đốt tự nhiên, dầu và dầu mỏ chiếm 32%, năng lượng tái tạo và năng lượng sinh học chiếm 18%, nhiên liệu hóa thạch rắn chiếm phần còn lại 11%.
Với 25% năng lượng từ khí đốt tự nhiên trong khi nguồn cung của khu vực cạn kiệt, đồng nghĩa châu Âu phải phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga. EU hiện là nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Theo Tổng cục Năng lượng EU, tỷ trọng khí đốt EU nhập từ Nga chiếm 41%, Na Uy 24% và Algeria 11%.