Các công ty ở Trung Quốc chưa thể nối lại hoạt động bình thườngCác công ty ở Trung Quốc chưa thể nối lại hoạt động bình thường
Nhiều công ty ở Trung Quốc rục rịch hoạt động trở lại vào hôm nay, 10-2, sau kỳ nghỉ Tết kéo dài hơn thường lệ để ngăn chặn dịch bệnh do virus corona chủng mới (nCoV) gây viêm phổi cấp. Tuy nhiên các công ty này khó có thể vận hành bình thường ngay vì thiếu nhân sự và phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh.
Chính quyền địa phương thận trọng
Để kiểm soát đà lây lan của dịch nCoV, tháng trước Trung Quốc quyết định kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thêm 3 ngày đến ngày 3-2. Nhưng chính quyền địa phương ở hơn 20 tỉnh tiếp tục trì hoãn ngày trở lại làm việc của các công ty đến ngày 10-2.
Giờ đây, các thành phố lớn của nước này đang chuẩn bị đón nhận hàng triệu người lao động nhập cư quay trở lại làm việc.
Hôm 9-2, ông Wang Bin, Vụ phó Vụ Điều hành thị trường và xúc tiến tiêu dùng thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng, các công ty được khuyến khích nối lại hoạt động kinh doanh nếu như có sự chuẩn bị tốt để ứng phó dịch nCoV.
Trước đó, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra chỉ thị yêu cầu các chính quyền địa phương, ban ngành và các công ty phải lên kế hoạch giải quyết tất cả khó khăn để nối lại hoạt động sản xuất bình thường trong thời gian “càng sớm càng tốt” nhưng phải bảo đảm các biện pháp kiểm soát dịch.
Chính quyền thủ đô Bắc Kinh yêu cầu một số ngành công nghiệp quan trọng nối lại hoạt động vào hôm 10-2 để bảo đảm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6% cho thành phố trong năm nay.
Tại Thượng Hải, nhà chức trách đưa ra cách tiếp cận linh động đối với việc nối lại các hoạt động thương mại.
Hôm 9-2, người phát ngôn chính quyền Thượng Hải nói: “Các công ty có thể yêu cầu nhân viên, công nhân nhập cư từ các vùng bị dịch ảnh hưởng nặng trì hoãn trở lại làm việc và sắp xếp chỗ ở cho những người lao động khác tùy theo tình hình kinh doanh của họ”.
Người phát ngôn cũng khuyến cáo các công ty nên áp dụng giờ làm việc linh động cho người lao động và cho phép họ làm việc tại nhà nếu có thể.
Đối với các công ty đã mở cửa trở lại, chính quyền Thượng Hải yêu cầu họ bảo đảm môi trường làm việc phải thoáng khí và tránh sử dụng các hệ thống điều hòa không khí trung tâm vì chúng có thể tạo điều kiện cho virus nCoV lây lan.
Tại TP. Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, nhà chức trách nỗ lực quản lý nhu cầu quay trở lại làm việc của các công ty, trong khi phải chú ý đến mối lo ngại của người dân địa phương về nguy cơ lây lan virus nCoV từ những công nhân nhập cư quay trở lại thành phố này.
Hôm 8-2, Bí thư Thành ủy Quảng Châu, Trương Thạc Phụ, nói rằng các công ty có thể nối lại hoạt động dần dần và phải thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ tạo ra ổ lây nhiễm mới.
Nhà chức trách ở TP. Thâm Quyến, trung tâm sản xuất công nghệ cao ở phía nam Trung Quốc, nơi hơn 65% dân số, tương đương 8,2 triệu người, là lao động nhập cư, yêu cầu các công ty phải áp dụng cách tiếp cận linh hoạt.
Một số tỉnh khác yêu cầu các công ty trì hoãn nối lại hoạt động cho đến đầu tháng 3.
Nhiều công ty lớn tiếp tục đóng cửa
Nhiều công ty lớn ở Trung Quốc thông báo tiếp tục kéo dài thời gian đóng cửa. Tập đoàn công nghệ và Internet Tencent yêu cầu các nhân viên làm việc tại nhà thêm một tuần nữa, tức đến ngày 21-2, thay vì đến ngày 14-2 như kế hoạch trước đó. Các công ty công nghệ khác của Trung Quốc như Alibaba và Meituan cũng gia hạn kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán đến ngày 16-2 hoặc lâu hơn.
Hai hãng xe Nissan (Nhật Bản) và PSA (Pháp) thông báo các nhà máy của họ ở Trung Quốc sẽ đóng cửa đến ngày 16-2. Các hãng xe khác như Volkswagen, BMW, Toyota và Honda cho biết chỉ tái khởi động hoạt động sản xuất ở Trung Quốc vào tuần sau.
Foxconn (Đài Loan), nhà sản xuất gia công cho Apple và nhiều hãng công nghệ khác của Mỹ, yêu cầu công nhân hoãn trở lại làm việc ở các nhà máy tại Trung Quốc bao gồm một nhà máy lớn nhất đặt tại Thâm Quyền dù đã lắp đặt một số dây chuyền sản xuất khẩu trang cho công nhân.
“Kế hoạch hoạt động của chúng tôi ở Trung Quốc sẽ tuân thủ khuyến nghị của các chính quyền địa phương”, thông báo của Foxconn cho hay.
Tờ Nikkei Asian Review dẫn các nguồn tin cho hay, sau các chuyến đi kiểm tra, các quan chức y tế Thẩm Quyến nói rằng vẫn còn các rủi ro lây nhiễm virus nCoV cao ở các nhà máy của Foxconn, do vậy công ty này chưa đủ điều kiện thích hợp để vận hành trở lại hoạt động sản xuất.
Văn bản kiểm tra của các quan chức y tế Thâm Quyến cảnh báo người vi phạm các quy định về kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh có thể đối mặt với án tử hình.
Văn bản cho biết các rủi ro sức khỏe ở các khu nhà máy của Foxconn tại Thâm Quyến bao gồm hệ thống thông gió kém ở các khu ký túc xá và căn tin của công nhân. Ngoài ra, các nhà máy của hãng cũng sử dụng hệ thống điều hòa không khí trung tâm, càng gây rủi ro lây lan virus nCoV ở một môi trường làm việc đông người.
Giải quyết các mối lo ngại này sẽ rất khó khăn vì hệ thống điều hòa không khí trung tâm là một thiết bị cần thiết để ngăn bụi bặm làm gián đoạn quy trình sản xuất. Chủ tịch Foxconn Young Liu thông báo hủy các vé máy bay đưa nhân viên Đài Loan trở lại Trung Quốc trong thời gian từ ngày 8 đến ngày 14-2.
Khu tổ hợp nhà máy của Foxconn ở TP. Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, nơi lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới, cũng hủy kế hoạch nối lại hoạt động hôm 10-2. Các nhà máy của Foxconn ở Thâm Quyến và Trịnh Châu sử dụng hàng trăm ngàn công nhân.
Một nguồn tin nói rằng các chính quyền địa phương không muốn rủi ro xuất hiện ổ lây nhiễm mới ở một môi trường có số lao động làm việc đông đến như vậy. Nguồn tin này nói: “Không ai muốn gánh trách nhiệm tái khởi động công việc vào thời điểm nguy cấp này”.
Hôm 10-2, hãng tin Reuters cho biết 16.000 công nhân, tức chưa tới 10% tổng lực lượng lao động của Foxconn ở khu tổ hợp nhà máy ở Trịnh Châu, đã trở lại làm việc sau cuộc thương lượng đầy khó khăn của các lãnh đạo Foxconn với nhà chức trách địa phương.
Các nhà sản xuất ở Trung Quốc giờ đây phải tuân thủ quy định của các chính quyền địa phương Trung Quốc nếu muốn tái khởi động hoạt động sản xuất. Chẳng hạn, quy định hướng dẫn của TP. Quảng Châu, đặt ra một loạt biện pháp ngăn ngừa dịch bao gồm khai báo chỗ ở của người lao động, kiểm tra thân nhiệt của họ 2 lần/ngày, tích trữ đồ bảo hộ (khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ) và khử trùng tất cả các khu vực làm việc.
Hơn nữa, nhiều công ty không thể hoạt động bình thường sau khi quay trở lại làm việc vì thiếu nhân viên, công nhân. Hàng triệu người trong số 280 triệu lao động nhập cư ở Trung Quốc chưa thể quay trở lại các thành phố để làm việc khi mà TP. Vũ Hán và nhiều thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch nCoV vẫn đang phong tỏa các hoạt động đi lại.
Nếu trở lại các thành phố, họ có thể bị cách ly trong vòng 14 ngày. Chẳng hạn, Sở Công an Thượng Hải yêu cầu các doanh nghiệp phải khai báo thông tin những người lao động đến từ bên ngoài thành phố và sắp xếp các khu vực cách ly họ trong 14 ngày.
Theo SCMP, Reuters, Nikkei Asian Review
Lê Linh