Các cụm công nghiệp sẽ dần lụi tàn?
Các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế, chính sách mới để phát triển cụm công nghiệp trong tình hình hiện nay, nếu không, các cụm công nghiệp sẽ dần lụi tàn do thiếu cơ chế.
Đủ loại bất cập
Theo số liệu từ Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương), tính đến hết năm 2018, trong số 807 cụm công nghiệp với tổng diện tích 26.565 ha trên cả nước, mới có 698 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút trên 9.800 dự án; tạo khoảng 600.000 việc làm và giá trị sản xuất công nghiệp hơn 67.000 tỷ đồng. Sau hơn một năm triển khai theo Nghị định 68 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, nhiều bất cập đã phát sinh. Nhiều vấn đề liên quan tầm nhìn, chiến lược phát triển cho các cụm công nghiệp đã không được xử lý. Việc thu hút đầu tư của các cụm công nghiệp vẫn chưa đạt kế hoạch. Hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp, việc lựa chọn bố trí dự án đầu tư vào cụm công nghiệp vẫn chưa được chú ý đúng mức...
Theo báo cáo từ Sở Công Thương Bắc Ninh, tính đến hết năm 2018, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện đầu tư 22 cụm trên 24 cụm công nghiệp có trong quy hoạch. Cơ sở hạ tầng của tất cả các cụm công nghiệp đều chưa hoàn chỉnh; các hạng mục xử lý nước thải phần lớn chưa được đầu tư hoạt động hiệu quả. Chỉ có 2 cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung hoạt động là cụm công nghiệp Phong Khê và Đông Thọ. Tại các cụm công nghiệp, hạng mục cây xanh đều chưa được đầu tư. Môi trường cụm công nghiệp phần lớn ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là các cụm công nghiệp làng nghề. Công tác quản lý nhà nước chồng chéo và thiếu hiệu quả, xuất hiện nhiều vi phạm về đất đai, môi trường, xây dựng trong cụm công nghiệp.
Trước việc hoạt động không hiệu quả của các cụm công nghiệp, đại diện Sở Công Thương Bắc Ninh đề nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 68 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Thông tư số 5 quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 68 liên quan đến việc quy định rõ quyền hạn cơ quan đầu mối quản lý cụm công nghiệp. Ngoài ra, cần thống nhất chuyển đổi các cụm công nghiệp hoạt động không hiệu quả sang đô thị dịch vụ, thương mại cũng như thống nhất mô hình chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp là doanh nghiệp, hợp tác xã. Bên cạnh đó, cần ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.
Tại hội nghị về cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên, cho hay, năm 2012, Hưng Yên đã có quy hoạch cụm công nghiệp của tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa có cụm công nghiệp nào được thành lập. Trong khi đó, Nghị định 68 quy định, trên địa bàn một huyện đã có cụm công nghiệp thì cụm này phải đạt tỷ lệ lấp đầy 50% mới được thành lập mới. Tuy nhiên, với những địa phương có nhiều cụm công nghiệp thì quy định này rất khó thực hiện.
Thu gom, xử lý nước thải: Yếu
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc thành lập cụm công nghiệp nhằm gom các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất vào một khu vực giúp tạo hiệu ứng tốt, tạo điều kiện để xử lý chất thải, nước thải. Tuy nhiên, nhiều cụm công nghiệp không đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải nên nhiều doanh nghiệp phàn nàn. Chi phí thuê đất, chi phí hạ tầng trong các cụm công nghiệp vẫn còn lớn đối với doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là hộ gia đình sản xuất.
Theo ông Thịnh, khi xây dựng cụm công nghiệp, vấn đề quan trọng nhất là ưu đãi về vốn và đất đai. Nước ta xây dựng các cụm công nghiệp từ lâu, đa số các địa phương đều có cụm công nghiệp.
“Cụm công nghiệp cần ưu đãi về đất đai để doanh nghiệp nhỏ có thể dễ dàng thuê lâu dài hoặc sở hữu. Có như vậy mới có thể dễ dàng chuyển doanh nghiệp từ dân cư hoặc riêng lẻ vào cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống đường sá, điện, nước, kho chứa, bến bãi cần thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động. Các cơ sở xử lý nước thải cụm công nghiệp rất quan trọng. Cụm công nghiệp chủ yếu hộ sản xuất nhỏ, doanh nghiệp nhỏ nên vốn không nhiều trong khi muốn xử lý được ô nhiễm, Nhà nước cần xử lý đầu tư này hoặc Nhà nước kêu gọi và có hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện xử lý chất thải”, ông Thịnh kiến nghị.
Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công thương địa phương nói rằng, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Nghị định 68 không còn phù hợp với thực tế, gây khó khăn trong công tác triển khai. Để gỡ những vấn đề vướng mắc, Bộ đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 68 theo hướng giao quyền nhiều hơn cho các địa phương nhằm tăng cường vai trò của Sở Công Thương, đồng thời tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và đầu tư
thứ cấp.
“Theo Luật Quy hoạch, 5 năm mới được điều chỉnh quy hoạch 1 lần, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tỉnh cũng như điều chỉnh chính sách trong lĩnh vực cụm công nghiệp sẽ rất phức tạp. Do vậy, các địa phương sẽ phải cẩn thận, trong công tác lập quy hoạch hạn chế tối đa điều chỉnh bổ sung và phải dự báo được nhu cầu về cụm công nghiệp tại địa phương”, ông Trung nói.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/cac-cum-cong-nghiep-se-dan-lui-tan-1487624.tpo