Các địa phương chú trọng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030

Ngày 30/9, HĐND các tỉnh Kiên Giang, Ninh Thuận, Lai Châu tổ chức kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng, trong đó chú trọng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

Xây dựng Phú Quốc trở thành đô thị loại I

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Tại Kỳ họp thứ 26, HĐND tỉnh Kiên Giang đã thống nhất biểu quyết thông qua 7 dự thảo nghị quyết gồm: Dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án mở rộng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kiên Lương, mở rộng đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu và xây dựng mới nhánh nối với đường trục Nam - Bắc thành phố Phú Quốc, xây dựng trụ sở làm việc Công an thành phố Phú Quốc, doanh trại Tiểu đoàn Đặc công nước Lữ đoàn 5 - Bộ Tư lệnh Đặc công; Đề án phân loại đô thị thành phố Phú Quốc là đô thị loại I thuộc tỉnh Kiên Giang và chương trình phát triển đô thị thành phố Phú Quốc đến năm 2040.

Trong số này, HĐND tỉnh quyết nghị thống nhất dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 hơn 139.360 tỷ đồng, bố trí cho 847 chương trình, dự án. Trên cơ sở này, tỉnh xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nhu cầu vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 trên địa bàn tỉnh. HĐND tỉnh cũng thống nhất thông qua chương trình phát triển đô thị thành phố Phú Quốc đến năm 2040.

Trên cơ sở Chính phủ phê duyệt đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040, tỉnh lập đề án chương trình phát triển đô thị thành phố, nhằm tạo điều kiện phát huy tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế sẵn có, thúc đẩy nhanh đô thị hóa thành phố; xây dựng Phú Quốc trở thành đô thị loại I, trung tâm kinh tế biển đảo, động lực phát triển của tỉnh Kiên Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đáp ứng yêu cầu kiểm soát phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu và chiến lược phát triển bền vững. Tỉnh huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống đô thị, tăng cường quản lý kiến trúc cảnh quan theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh nhấn mạnh, đây là những nghị quyết quan trọng của tỉnh, nhất là nghị quyết về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 trên địa bàn, nghị quyết chương trình phát triển đô thị thành phố Phú Quốc đến năm 2040. Các Nghị quyết này được triển khai tốt sẽ góp phần rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, đảm bảo cho thành phố Phú Quốc phát triển toàn diện, đúng theo quy hoạch đã được Chính phủ phê quyệt nói riêng thời gian tới.

Ninh Thuận lập kế hoạch đầu tư công trung hạn

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Ninh Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thống nhất ban hành Nghị quyết lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 với kinh phí trên 21.900 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu nêu rõ, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, sử dụng ngân sách nhà nước để dẫn dắt, khai thác tối đa các nguồn lực của các thành phần kinh tế khác.

Đồng thời đây cũng là điều kiện, động lực để tỉnh tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công - tư để tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, góp phần xây dựng tỉnh trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2030.

Từ nguồn vốn trên, Ninh Thuận sẽ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu một cách đồng bộ, hiện đại, liên thông đa mục tiêu, có tính kết nối cao, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế biển, kinh tế đô thị và các ngành quan trọng, đột phá theo Quy hoạch tỉnh.

Tỉnh sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư công ngân sách nhà nước cho xây dựng cơ sở hạ tầng vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ và các chương trình, nhiệm vụ, dự án thuộc đối tượng đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công, được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ xác định các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng để thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 phù với các mục tiêu, định hướng phân bổ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 để thực hiện các nhiệm vụ, dự án theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai trong giai đoạn này.

UBND tỉnh sẽ bố trí đủ vốn chuẩn bị đầu tư từ kế hoạch năm 2025 và kế hoạch trung hạn 2026 - 2030 để tổ chức lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư công khởi công mới giai đoạn 2026 - 2030. Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030 được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng, đảm bảo quản lý tập trung, thống nhất mục tiêu, cơ chế, chính sách gắn với trách nhiệm và kiểm tra, giám sát… để nâng cao nguồn lực và hiệu quả đầu tư.

Tại cuộc họp này, HĐND tỉnh Ninh Thuận thống nhất ban hành một số nghị quyết liên quan đến vấn đề quan trọng và cấp bách khác. HĐND tỉnh cũng biểu quyết miễn nhiệm chức vụ Ủy viên UBND tỉnh đối với ông Võ Đình Vinh (Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương) để nhận nhiệm vụ mới.

Lai Châu thông qua 18 nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu Giàng Páo Mỷ phát biểu tại phiên bế mạc. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu Giàng Páo Mỷ phát biểu tại phiên bế mạc. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

HĐND tỉnh Lai Châu đã thông qua 18 nghị quyết về những chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đó là các nghị quyết: Điều chỉnh, giao bổ sung kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024; Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; Quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu; Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu.

Các đại biểu cũng đã thông qua các nghị quyết về Quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Lai Châu; Quy định các nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường sử dụng ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Pắc Ta, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu;…

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu Giàng Páo Mỷ đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai các nghị quyết vừa được thông qua, bảo đảm đúng trình tự, quy định của pháp luật. Các sở, ngành liên quan sớm ban hành hướng dẫn thực hiện và triển khai thực hiện; thường xuyên thanh, kiểm tra, đôn đốc quá trình triển khai, đảm bảo các nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc triển khai nghị quyết của HĐND tỉnh; kịp thời thông báo kết quả kỳ họp để các cử tri biết và triển khai thực hiện.

Nhóm PV TTXVN

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cac-dia-phuong-chu-trong-ke-hoach-dau-tu-cong-trung-han-giai-doan-2026-2030-20240930150326670.htm