Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến chiều tối 4/8, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã khiến 5 người chết, 13 người mất tích tại Thanh Hóa và Ðiện Biên; 47 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn (Thanh Hóa 32 nhà, Lạng Sơn 15 nhà); 50 ngôi nhà bị thiệt hại nặng; 187 ngôi nhà bị thiệt hại một phần.
Chiều 4/8, ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát ( Thanh Hóa) cho biết, tuyến đường lên trung tâm huyện có hàng chục điểm sạt lở, gây ra tình trạng chia cắt, ắc tắc giao thông. Nếu thời tiết thuận lợi vẫn phải cần ít nhất 2 ngày nữa mới có thể cơ bản giải tỏa hết các điểm sạt lở, gây chia cắt trên các tuyến Quốc lộ 15C và 16.
Mưa lũ đã khiến tuyến Quốc lộ 15C đoạn qua các xã Trung Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi của huyện xuất hiện hàng chục điểm sạt lở. Đến chiều 4/8 còn tắc 12 điểm, đoạn, trong đó điểm sạt lở nặng nhất là tại Quốc lộ 15C đoạn qua bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn. Hiện điểm này vẫn chưa thể thông xe do khối lượng đất đá, bùn đất từ phần taluy dương trôi xuống rất lớn.
Ngoài ra, tuyến tỉnh lộ 521D từ trung tâm xã Mường Lý đi thị trấn Mường Lát bị sạt lở 1.000 m3 taluy dương tại 5 điểm, sạt taluy âm tại 2 vị trí dài 10 m, đứt đường gây tắc tại Km10+500, thuộc xã Mường Lý, huyện Mường Lát.
UBND huyện Mường Lát đã huy động tối đa máy móc, phương tiện tới các điểm sạt lở, khẩn trương giải tỏa khối lượng lớn đất đá, bùn đất sạt lở trên Quốc lộ 15C, Quốc lộ 16, đường tỉnh 521D.
Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, UBND huyện Mường Lát đã chỉ đạo các xã Trung Lý, Pù Nhi, Nhi Sơn vận động, di dời các hộ dân các bản nằm dọc tuyến đường 15C, 16 ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Từ đêm 3 đến đến trưa 4/8, huyện đã di dời hàng chục hộ dân khu vực nguy hiểm tới nơi an toàn. Công tác hỗ trợ về sinh hoạt, đời sống của các hộ dân buộc phải di dời cũng đã thực hiện kịp thời.
Tại Yên Bái, bão số 3 gây thiệt hại 8 ngôi nhà ở huyện Trạm Tấu. Mưa bão còn gây sạt lở móng làm đổ 7 cột điện ở thị xã Nghĩa Lộ, sạt lở đá tại tuyến đường tỉnh lộ 174, tuy nhiên không gây ách tắc giao thông.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện Yên Bình, Trạm Tấu đã chỉ đạo các xã tập trung huy động lực lượng giúp các gia đình khắc phục thiệt hại; kiểm tra thống kê tình hình thiệt hại, rà soát di dời người dân đến nơi an toàn, khắc phục nhà cửa cho các hộ bị thiệt hại.
Tại Hải Dương, mưa lớn làm 3.276 ha lúa bị ngập úng, 193 ha cây trồng khác. Mưa gió cũng gây ra 69 sự cố lưới điện trung áp và hạ áp.
Công ty Điện lực Hải Dương đã chỉ đạo điện lực các địa phương nhanh chóng huy động nhân lực và phương tiện tập trung khắc phục các vị trí bị ảnh hưởng, đảm bảo cấp điện đầy đủ cho các phụ tải quan trọng. Các đơn vị thành viên ưu tiên cung cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng để thực hiện việc bơm tiêu.
Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đang triển khai phương án tiêu úng, ưu tiên cho diện tích lúa, cây rau màu ở vùng thấp, trũng và các khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PHTN&TKCN tỉnh Bắc Kạn, tính tới 16h ngày 4/8, mưa kéo dài khiến nhiều địa phương bị thiệt hại nặng. Ước tính thiệt hại trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn khoảng 2,7 tỷ đồng.
Khi xảy ra mưa lũ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường sạt lở tại Quốc lộ 3 và chỉ đạo khắc phục. Chính quyền các địa phương bị thiệt hại đã xuống kiểm tra các khu vực bị thiệt hại, chỉ đạo người dân khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời huy động các lực lượng tại địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Tại huyện Ðiện Biên Ðông (tỉnh Ðiện Biên), mưa lũ đã làm 2 cháu bé tại bản Cảnh Lay, xã Phình Giàng bị cuốn trôi; đã tìm được thi thể một cháu. Tại huyện Nậm Pồ, mưa lũ khiến công trình ngầm Nà Khoa bắc qua suối Nậm Pồ (xã Nà Khoa) bị cuốn trôi một phần. Giao thông từ trung tâm huyện đến các xã: Nà Khoa, Nậm Nhừ, Na Cô Sa tạm thời bị chia cắt. Ðến trưa 4/8, có thể dắt bộ xe máy qua được, ôtô chưa thể lưu thông.
Sáng 4/8, tại huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều ngôi nhà ở tiểu khu 1, tiểu khu 3 và một số bản ở xã Ðông Sang ngập sâu trong nước. Tính đến chiều 4/8, huyện Mộc Châu đã ghi nhận một trường hợp bị chết (chưa xác định được danh tính) do ngã xuống mương.
Mưa lớn làm nhiều tuyến đường sạt lở nặng như Quốc lộ 6 cũ, tỉnh lộ 102... Mưa lớn làm thiệt hại về sản xuất của nhân dân, ước tính hơn 2 tỷ đồng.
Các tỉnh Nam Bộ cũng gặp nhiều thiệt hại do mưa lớn, triều cường
Ngày 3 và 4/8, toàn TP. Cần Thơ có mưa lớn kèm theo gió mạnh khiến 3 căn nhà bị sập, 61 căn bị tốc mái, gãy hai trụ điện hạ thế và một trẻ em bị thương. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ, hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại.
Tại Cà Mau, chiều 3/8, gió lớn và triều cường dâng cao bất ngờ đã phá vỡ nhiều đoạn ven đê biển Tây - khu vực bờ Bắc cống Kênh Mới, khiến chân đê bị sạt lở với chiều dài hơn 360 m. Triều cường làm ngập 723 căn nhà ven biển. Ðây cũng là đợt triều cường lớn nhất được ghi nhận trong vòng 20 năm trở lại đây tại Cà Mau.
Cơ quan chức năng đã huy động máy móc, thiết bị và nhân lực hộ đê. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo giải pháp khẩn cấp hộ đê.
Ngày 3/8, nhiều nơi ở Hậu Giang xảy ra dông lốc kèm mưa lớn trên diện rộng, đã gây sập hoàn toàn 10 căn nhà, tốc mái 143 căn và 5 phòng học. Rất may không có thiệt hại về người.
Tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả và hỗ trợ mỗi hộ dân có nhà bị sập hoặc tốc mái 3 triệu đồng.
Tại Tiền Giang, mưa lớn kèm lốc xoáy vào trưa 3/8 làm 68 căn nhà bị tốc mái. Trong đó huyện Gò Công Tây có 40 căn, huyện Cái Bè 26 căn và huyện Châu Thành hai căn. Lốc xoáy còn làm đổ, ngã 80 cây sầu riêng tại xã Thiện Trí (huyện Cái Bè).
Mưa lớn liên tiếp làm tỉnh Kiên Giang có hơn 200 căn nhà bị hư hại, tổng thiệt hại gần 9 tỷ đồng. Tỉnh đã công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp.
BT (tổng hợp)