Các địa phương miền núi, biên giới, hải đảo, tiếp tục được tỉnh Quảng Ninh quan tâm

Ngày 31/5, tại Kỳ họp thứ 8 (kỳ họp chuyên đề), tỉnh Quảng Ninh đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương miền núi, biên giới, hải đảo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền.

Các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh biểu quyết thông qua các nghị quyết.

Các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh biểu quyết thông qua các nghị quyết.

Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV đã xem xét rất thận trọng, kỹ lưỡng các nội dung; thảo luận nhiều ý kiến tâm huyết và thông qua nhiều quyết sách quan trọng, đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Trong không khí thảo luận nghiêm túc, sôi nổi, thẳng thắn, các đại biểu HĐND tỉnh đã có nhiều ý kiến tham gia sâu sắc, chất lượng, thể hiện sự nghiên cứu kỹ các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, tài liệu kỳ họp. 10 ý kiến tham gia phát biểu, giải trình trực tiếp tại hội trường đều bám sát gợi ý thảo luận của Chủ tọa kỳ họp, thể hiện sự tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm cao, xứng đáng là người đại biểu nhân dân.

Thảo luận Tờ trình dự thảo nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ, đại biểu Nguyễn Hồng Dương, Tổ đại biểu TP Hạ Long, cho rằng những năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, đến thời điểm này, hệ thống đường cao tốc từ đầu đến cuối tỉnh đã cơ bản hoàn thiện. Do vậy rất cần có sự kết nối mở rộng đến các địa phương khác nhằm phát huy hiệu quả các tuyến đường đã được đầu tư.

Vì vậy chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 mở rộng từ TP Hạ Long lên đến vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Ba Chẽ là thực sự cần thiết, có ý nghĩa quan trọng. Qua đó sẽ tạo cơ hội để thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống cho bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi theo đúng Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ tỉnh.

Tham gia ý kiến về Tờ trình dự thảo nghị quyết về việc điều chỉnh, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh; bổ sung cơ chế, biện pháp điều hành NSNN năm 2022, trong đó nguồn kinh phí cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đại biểu Vũ Thị Diệu Linh, Tổ đại biểu TX Quảng Yên, cho rằng Nghị quyết 26 ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh đã phân bổ nguồn kinh phí tăng cường cơ sở vật chất cho trường học, trong đó phấn đấu 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có nhà vệ sinh đạt chuẩn và phòng học an toàn trong năm học 2021-2022.

Có thể nói đây là chủ trương lớn, mang tính nhân văn. Vì vậy, bước đầu đã được sự vào cuộc quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương và sự hưởng ứng của phụ huynh học sinh. Đến nay, các công trình đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng tại một số trường học tại các khu vực miền núi đã được nhân dân đánh giá cao.

Sau 1/2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tâm huyết, trách nhiệm, Kỳ họp thứ 8 đã thành công tốt đẹp. Kỳ họp đã thống nhất, biểu quyết thông qua 8 nghị quyết quan trọng với sự đồng thuận của 100% đại biểu tham dự Kỳ họp, được cử tri và nhân dân toàn tỉnh ghi nhận, đánh giá cao.

Cũng tại Kỳ họp, HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua Nghị quyết về hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với 2 dự án: Dự án Trung tâm hành chính, trung tâm hội nghị Khu hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn; Dự án Xây dựng, lắp đặt hệ thống biển quảng cáo chính trị ngoài trời trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được HĐND tỉnh điều chỉnh loại khỏi Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2021 và không còn phù hợp với thực tiễn.

Công Hoan

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cac-dia-phuong-mien-nui-bien-gioi-hai-dao-tiep-tuc-duoc-tinh-quang-ninh-quan-tam-post449159.html