Các địa phương ở miền Trung ứng phó bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, các địa phương ở miền Trung đã chủ động, sẵn sàng ứng phó.

Tại Quảng Ngãi đã hoàn thành neo đậu tàu thuyền trước 17 giờ ngày 26-10 và hoàn thành sơ tán các hộ dân trước 17 giờ ngày 27-10.

Huyện Bình Sơn triển khai công tác phòng chống bão số 6. Thực hiện: NGUYỄN TRANG

Sáng ngày 26-10, UBND huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình phòng chống bão số 6 (bão Trami). Ông Ung Đình Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn tiến hành kiểm tra tại các xã Bình Hải, Bình Thuận, Bình Thạnh và một số xã ven biển trên địa bàn huyện.

 UBND huyện Bình Sơn kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

UBND huyện Bình Sơn kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tại xã Bình Thuận, các ngư dân đã đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, các lồng bè nuôi trồng thủy sản đưa vào vùng neo đậu khu vực biển cảng Dung Quất.

Ông Nguyễn Duy Khánh, người nuôi cá lồng bè xã Bình Thuận, cho biết: “Trong sáng nay, tôi tranh thủ kiểm tra lại việc neo đậu lồng bè cho an toàn, cột dây kỹ càng để tránh sóng to, gió lớn va đập. Tôi có 1 lồng bè gồm 12 ô với số lượng khoảng 1 tạ cá chim, 2.000 con cá đù, 4.000 cá dẩu”.

 Người dân xã Bình Thuận kiểm tra lại tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản vào sáng 26-10. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Người dân xã Bình Thuận kiểm tra lại tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản vào sáng 26-10. Ảnh: NGUYỄN TRANG

 Tất cả tàu thuyền xã Bình Thuận đã vào neo đậu an toàn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tất cả tàu thuyền xã Bình Thuận đã vào neo đậu an toàn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Đỗ Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho biết: “Địa phương đã lên phương án phòng chống bão số 6, hiện nay khó khăn nhất là neo đậu tàu thuyền, địa phương đã cử cán bộ và phối hợp các đơn vị hướng dẫn ngư dân sắp xếp neo đậu tàu thuyền an toàn. Đồng thời, huy động lực lượng dân quân, đoàn thanh niên và các thôn giúp đỡ người dân chằng chống nhà cửa, hoàn thành trong chiều nay, ngày 26-10”. Toàn xã Bình Thuận hiện có 290 tàu thuyền đã vào nơi tránh trú an toàn.

Toàn huyện Bình Sơn có khoảng 1.700 hộ, 4.900 nhân khẩu sẽ sơ tán, di dời hình thức xen ghép, tập trung, ưu tiên bố trí xen ghép và tập trung tại các trường học, UBND xã, trạm y tế xã. Ngay từ sáng sớm, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Hải và Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất đã sử dụng bao cát gia cố mái, chằng chống nhà cửa cho nhiều hộ dân khu vực ven biển, nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão số 6.

 Người dân xã Bình Thuận chằng chống lại nhà cửa. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Người dân xã Bình Thuận chằng chống lại nhà cửa. Ảnh: NGUYỄN TRANG

 Sử dụng bao nước để chằng chống mái nhà. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Sử dụng bao nước để chằng chống mái nhà. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Ung Đình Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết: “Hiện tại, các xã Bình Thuận, Bình Hải, Bình Châu là những địa phương ven biển sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp bão số 6, do đó, cần phải ưu tiên những điểm xung yếu, trọng tâm, tiến hành di dời dân bằng hình thức xen ghép, tập trung. Các địa phương phối hợp lực lượng biên phòng cùng tham gia giúp dân phòng chống thiên tai".

 Bao nước là biện pháp chống tốc mái nhà khi gió lớn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Bao nước là biện pháp chống tốc mái nhà khi gió lớn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ngày 26-10, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn đã ký công văn ban hành về việc triển khai các biện pháp ứng phó bão số 6.

Trong đó, cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động trong thời điểm này, kể cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại kể từ trưa nay, ngày 26-10 cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định từ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi.

Tàu cá ngư dân neo đậu khu vực cửa Sa Cần, vùng biển Dung Quất, Sa Kỳ, Tịnh Hòa hoàn thành việc neo đậu, sắp xếp tàu, thuyền, lồng bè tại khu neo trú trước 17 giờ ngày 26-10.

Các xã ven biển cần rà soát, kiểm tra và huy động lực lượng, phương tiện để gia cố, chằng chống các công trình, trụ sở làm việc, chặt tỉa cành cây để đảm bảo an toàn; hướng dẫn và hỗ trợ người dân gia cố, chằng chống nhà ở, ưu tiên hỗ trợ những gia đình có người già neo đơn, người khuyết tật, phụ nữ... Hoàn thành trước 18 giờ ngày 26-10.

Các xã ven biển huyện Bình Sơn, TP Quảng Ngãi tổ chức di dời, sơ tán các hộ dân đến nơi an toàn, hoàn thành trước 7 giờ ngày 27-10; riêng huyện Lý Sơn hoàn thành trước 22 giờ ngày 26-10.

>>> Các lực lượng dân quân, biên phòng giúp dân chằng chống nhà cửa các xã ven biển huyện Bình Sơn

 Các lực lượng tham gia hỗ trợ chằng chống nhà cửa

Các lực lượng tham gia hỗ trợ chằng chống nhà cửa

 Tại xã Bình Hải (huyện Bình Sơn), các chiến sĩ sử dụng cát ven biển để dồn bao chằng chống nhà cửa

Tại xã Bình Hải (huyện Bình Sơn), các chiến sĩ sử dụng cát ven biển để dồn bao chằng chống nhà cửa

 Đến chiều ngày 26-10, công tác phòng chống thiên tai tại các xã ven biển đã hoàn tất

Đến chiều ngày 26-10, công tác phòng chống thiên tai tại các xã ven biển đã hoàn tất

* Tại Đà Nẵng, cơ quan chức năng đã cấm phương tiện lưu thông trên bán đảo Sơn Trà từ 17 giờ ngày 26-10.

 Đường lên bán đảo Sơn Trà sẽ cấm phương tiện lưu thông từ 17 giờ ngày 26-10. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đường lên bán đảo Sơn Trà sẽ cấm phương tiện lưu thông từ 17 giờ ngày 26-10. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ngày 26-10, nhiều ngư dân đang hối hả thu dọn ngư cụ, đưa tàu thuyền vào tránh trú dọc dọc đường biển và âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) sẵn sàng ứng phó với bão số 6. Lực lượng chức năng thực hiện chốt chặn đường lên bán đảo Sơn Trà từ 17 giờ ngày 26-10.

Ngư dân đang hối hả thu dọn ngư cụ, đưa tàu thuyền vào tránh trú dọc dọc đường biển. Thực hiện: XUÂN QUỲNH

Theo ghi nhận, Đà Nẵng hiện tại đã có mưa nhỏ. Gió mạnh ở các tuyến đường ven biển. Tại khu vực ven biển Thọ Quang (quận Sơn Trà), nhiều ngư dân cũng thuê xe cẩu để đưa tàu thuyền có công suất nhỏ lên vỉa hè đường Hoàng Sa. Ngư dân Trần Văn Đông (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, mỗi chiếc xe cẩu được 2 thuyền nhỏ với giá 300.000 - 400.000 đồng/chiếc.

 Đến khoảng 11 giờ ngày 26-10, hầu hết các thuyền công suất nhỏ đều đã được cẩu lên bờ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đến khoảng 11 giờ ngày 26-10, hầu hết các thuyền công suất nhỏ đều đã được cẩu lên bờ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

 Mỗi chiếc xe tải cẩu được 2 thuyền nhỏ với giá 300.000-400.000 đồng/ chiếc. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Mỗi chiếc xe tải cẩu được 2 thuyền nhỏ với giá 300.000-400.000 đồng/ chiếc. Ảnh: XUÂN QUỲNH

“Bão số 6 có đường đi phức tạp nên không chỉ tôi mà các chủ tàu đều đưa thuyền lên bờ neo đậu để tránh thiệt hại. Tính ra năm nay đây là lần thứ hai cẩu thuyền lên rồi. Mỗi lần có bão là tốn ít nhất 600.000 đồng/ thuyền cho 2 chuyến”, ông Đông chia sẻ.

 Ngư dân dùng dây thừng để neo giữ thuyền tại đường lên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ngư dân dùng dây thừng để neo giữ thuyền tại đường lên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: XUÂN QUỲNH

 Nhiều ngư dân tập trung hoàn tất việc neo giữ do trời mưa to. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Nhiều ngư dân tập trung hoàn tất việc neo giữ do trời mưa to. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tại đường lên bán đảo Sơn Trà, nhiều ngư dân đang gấp rút chằng dây buộc cố định, dùng bạt bao phủ che chắn cho những con thuyền đã được cẩu lên bờ. Một số ngư dân đang lấy tất cả phương tiện có giá trị như lưới, mái chèo… mang về nhà để bảo vệ.

Ông Nguyễn Bá (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho rằng, đối với những người ngư dân sống bằng nghề chài lưới, bão có thể cuốn bay sinh kế duy nhất của cả gia đình. Vì vậy, ông và gia đình cố hết sức để giữ gìn hai chiếc thuyền này.

 Một số ngư dân liên tục ra vào khu neo đậu tàu thuyền để chằng chống, cố định tàu của mình. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Một số ngư dân liên tục ra vào khu neo đậu tàu thuyền để chằng chống, cố định tàu của mình. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Còn tại âu thuyền Thọ Quang, vẫn còn một số ngư dân vẫn đang chằng dây, bơm nước ra khỏi thuyền của mình.

 Đến sáng 26-10, nhiều ngư dân dù đã neo đậu thuyền tại Âu thuyền Thọ Quang nhưng vẫn lo lắng, phải thường xuyên ra vào khu neo đậu để xem xét. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đến sáng 26-10, nhiều ngư dân dù đã neo đậu thuyền tại Âu thuyền Thọ Quang nhưng vẫn lo lắng, phải thường xuyên ra vào khu neo đậu để xem xét. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng, hiện nay tổng số phương tiện của Đà Nẵng là 1.159 phương tiện/8.316 lao động. Trong đó, số phương tiện neo đậu tại bến là 1.155 phương tiện/8.276 lao động. TP Đà Nẵng vẫn còn 4 tàu thuyền với 40 lao động đang hoạt động trên biển.

Các phương tiện này chủ yếu hoạt động ở Vịnh Bắc bộ. Tất cả các phương tiện hoạt động trên biển đều đã biết được vị trí, hướng di chuyển của bão để tìm nơi trú tránh. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố ban hành lệnh cấm biển, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 16 giờ chiều 25-10.

Để tập trung ứng phó với cơn bão số 6 và nguy cơ sạt lở đất đá trên bán đảo Sơn Trà, Chủ tịch UBND quận giao Trưởng Công an quận Sơn Trà chủ trì thực hiện chốt chặn tại khu vực nguy hiểm từ 17 giờ ngày 26-10. Vị trí chốt chặn tại đường Hoàng Sa (đoạn giao đường Lê Văn Lương - Hoàng Sa lên núi Sơn Trà); đường lên Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn (nút giao đường Yết Kiêu - đường lên Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn lên núi Sơn Trà)...

Đáng chú ý, ảnh hưởng bởi mưa lớn trong thời gian qua, bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) hiện nay xuất hiện nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao.

 Tại một số vị trí, sườn núi độ dốc lớn xuất hiện tình trạng nước mưa gây xói mòn, sạt lở đất

Tại một số vị trí, sườn núi độ dốc lớn xuất hiện tình trạng nước mưa gây xói mòn, sạt lở đất

 Theo anh Nguyễn Văn Chương (trú quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), các điểm sạt lở nằm sát đường giao thông nhìn rất sợ. "Cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp khắc phục các điểm sạt lở trên, đặc biệt là vào mùa mưa năm nay để đảm bảo an toàn cho du khách", anh Chương chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Văn Chương (trú quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), các điểm sạt lở nằm sát đường giao thông nhìn rất sợ. "Cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp khắc phục các điểm sạt lở trên, đặc biệt là vào mùa mưa năm nay để đảm bảo an toàn cho du khách", anh Chương chia sẻ.

 Mỗi ngày, đỉnh Bàn Cờ đón hàng trăm lượt khách tham quan, thưởng lãm

Mỗi ngày, đỉnh Bàn Cờ đón hàng trăm lượt khách tham quan, thưởng lãm

 Tuy nhiên, các điểm sạt lở đang là mối đe dọa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với du khách

Tuy nhiên, các điểm sạt lở đang là mối đe dọa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với du khách

 Sườn đồi xuất hiện các vết nứt lớn, nguy cơ đổ sập xuống đường bất cứ lúc nào

Sườn đồi xuất hiện các vết nứt lớn, nguy cơ đổ sập xuống đường bất cứ lúc nào

 Với diễn biến thời tiết thất thường, các điểm sạt lở ngày càng gia tăng mỗi khi có mưa lớn

Với diễn biến thời tiết thất thường, các điểm sạt lở ngày càng gia tăng mỗi khi có mưa lớn

* Tại Hà Tĩnh, nhiều ngư dân ở vùng bãi ngang ven biển Hà Tĩnh đã chủ động kéo tàu thuyền lên bờ để chủ động ứng phó với thời tiết mưa bão.

Video: Ngư dân Hà Tĩnh đưa tàu thuyền lên bờ tránh trú

Trưa 26-10, có mặt tại một số xã vùng bãi ngang ven biển huyện Thạch Hà và huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), chúng tôi ghi nhận, mặc dù thời tiết đang nắng ráo nhưng trên biển có gió khá to, sóng lớn, triều cường dâng.

Thời điểm này, bà con ngư dân địa phương đã tạm ngừng các hoạt động ra khơi đánh bắt thủy hải sản. Đồng thời, nhanh chóng triển khai kéo, di dời tàu thuyền lên tập kết dọc bờ cát, vào các khu vực cao ráo bên trong dãy rừng phi lao phòng hộ ven biển, hoặc đưa hẳn lên khu vực vườn nhà dân, đường trong làng tránh trú và chằng néo, để chủ động đảm bảo an toàn trước ảnh hưởng gió bão. Các ngư cụ cũng được ngư dân di chuyển lên cao, phủ bạt, chằng néo đề phòng sóng cuốn trôi, hư hỏng.

 Ngư dân đã kéo tàu lên bờ

Ngư dân đã kéo tàu lên bờ

Ngoài việc đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, một số hộ dân có nhà ở sát ven biển cũng đã chủ động triển khai cắt tỉa cành, nhánh cây xanh, chằng néo nhà cửa để chuẩn bị ứng phó với mưa bão, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

>> Một số hình ảnh kéo tàu lên bờ tại một số xã ven biển Hà Tĩnh

Tại Thừa Thiên Huế, sáng 26-10, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh “chi viện” thêm 100 cán bộ, chiến sĩ cùng các vật dụng cần thiết đến hiện trường để hỗ trợ các lực lượng tham gia khắc phục sạt lở bờ biển tại khu vực giáp ranh giữa xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) và phường Thuận An (TP Huế).

 Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội được huy động cùng người dân xử lý, gia cố sạt lở bờ biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội được huy động cùng người dân xử lý, gia cố sạt lở bờ biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo đó, 2.350m² vải lọc, 700m³ đá hộc và hàng ngàn bao cát được các lực lượng dùng để đắp bờ, ngăn chặn sạt lở bờ biển, với quyết tâm cao nhất, không để gây thiệt hại, đe dọa đến cuộc sống của các hộ kinh doanh, buôn bán dọc bờ biển.

 Nhiều đoạn bờ biển tại Thừa Thiên Huế sạt lở được gia cố bằng rọ sắt chèn đá hộc

Nhiều đoạn bờ biển tại Thừa Thiên Huế sạt lở được gia cố bằng rọ sắt chèn đá hộc

Các lực lượng ưu tiên tập trung xử lý đoạn sạt lở bờ biển nặng, nguy cơ tiếp tục sạt lở cao khoảng 300m tại khu vực bờ biển xã Phú Thuận. Đồng thời, tiến hành cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân qua lại đảm bảo an toàn trong khu vực.

 Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục sạt lở tại bờ biển xã Phú Thuận

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục sạt lở tại bờ biển xã Phú Thuận

Sáng cùng ngày, có mặt tại khu vực sạt lở bờ biển xã Phú Thuận, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu lưu ý, thời tiết và bão số 6 có diễn biến phức tạp, khó lường. Ngoài khẩn trương tập trung nhân lực, vật lực để sớm khắc phục xong sạt lở bờ biển, cấp ủy, chính quyền địa phương xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) và phường Thuận An, (TP Huế) chủ động, khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với bão số 6 với tinh thần: Tuyệt đối không được chủ quan, bị động, bất ngờ và luôn bám phương châm “4 tại chỗ” để thực hiện.

NGUYỄN TRANG - XUÂN QUỲNH - PHẠM NGA - DƯƠNG QUANG - VĂN THẮNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cac-dia-phuong-o-mien-trung-ung-pho-bao-so-6-post765428.html