Các địa phương sẵn sàng ứng phó với bão số 6

Trước những diễn biến phức tạp của bão số 6, ngày 10-11, các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão đã triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra...

* Sáng 10-11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) tiếp tục tổ chức họp với các bộ, ngành và cơ quan chức năng. Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT chủ trì cuộc họp. Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, tính đến sáng 10-11, lực lượng Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển đã phối hợp với chính quyền các địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 phương tiện với 243.063 lao động, 123.729 lồng bè nuôi trồng thủy sản với 9.566 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão. Các địa phương đã di dời tổng cộng 44.503 hộ với 181.188 người tại các khu vực nguy hiểm ven biển, trên đảo, các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất.

 Toàn cảnh cuộc họp.

Toàn cảnh cuộc họp.

Đại tá Trần Văn Đình, Trưởng phòng Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết: Ngoài việc kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú tránh hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão số 6. Đến nay 647 cán bộ chiến sĩ lực lượng bộ đội biên phòng cùng 28 phương tiện đã phối hợp với chính quyền và lực lượng tại chỗ của các địa phương di dời 153 hộ dân với 693 người đến nơi an toàn, chằng néo 752 phương tiện các loại; 200 nhà dân, 4 trường học; 155 thuyền máy,... Hiện lực lượng bộ đội biên phòng các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên- Huế đến Bà Rịa-Vũng Tàu duy trì 6.321 cán bộ, chiến sĩ cùng 3.400 phương tiện các loại tiếp tục ứng trực sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân khi có tình huống xảy ra.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần có các phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, nhất là đối với các tàu pha sông biển nếu neo đậu ngay khu vực cửa biển rất nguy hiểm, dễ bị đứt neo, cuốn trôi ra biển. Tổng cục Thủy sản kiểm tra, hướng dẫn người dân tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản lên bờ trú tránh bão trước 12 giờ ngày 10-11. Công tác sơ tán dân ở vùng ven biển, lồng bè nuôi trồng thủy sản phải được thực hiện xong trước 12 giờ trưa 10-11. Lực lượng công an các địa phương cần có phương án đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo an ninh- trật tự ở khu phải sơ tán dân, bảo vệ tài sản cho nhân dân yên tâm đi tránh bão... (Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM)

* Đến sáng 10-11, tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, lực lượng Vùng 4 Hải quân đã huy động trên 100 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân trên 284 tàu đánh bắt hải sản vào tránh trú bão số 6 tại các âu tàu, đảm bảo an toàn tàu thuyền và ngư dân an tâm tránh trú trong thời tiết mưa bão. (TTXVN)

* Sáng 10-11, Trung tá Ngô Văn Thanh, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Pháo binh 40 cho biết, dưới sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân đoàn 3, đơn vị đã điều động 50 cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện đến xã Lơ Pang, huyện Mang Yang (Gia Lai) giúp bà con địa phương khắc phục hậu quả bão số 5, phòng chống bão số 6.

Theo kế hoạch, Lữ đoàn Pháo binh 40 sẽ phối hợp với địa phương giúp người dân sửa chữa nhà cửa, gặt lúa bị ngập, đơn vị còn giúp bà con dựng lại 10.000 trụ tiêu bị gãy đổ, bảo đảm kỹ thuật, tránh tiêu chết, rụng hạt, ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch; chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thông báo, tuyên truyền, vận động người dân phòng chống hiệu quả bão số 6 đang đổ bộ. (LÊ QUANG HỒI)

* Tính đến 11 giờ ngày 10-11, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Hòa, Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên đã huy động tối đa lực lượng giúp dân đưa người và tàu thuyền trú tránh bão số 6. Đặc biệt đã có hơn 500 người dân thôn Hòa Hải, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên được vận động đến trú bão tại Đồn Biên phòng Xuân Hòa.

 Hơn 500 người dân trú tránh bão số 6 tại Đồn Biên phòng Xuân Hòa.

Hơn 500 người dân trú tránh bão số 6 tại Đồn Biên phòng Xuân Hòa.

Theo báo cáo nhanh sáng 10-11 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Sông Cầu, đến 7 giờ ngày 10-11, tất cả các phương tiện tàu thuyền của thị xã (2.274 phương tiện/ 6.558 người đã vào khu neo đậu). Hiện có 5 phương tiện với 25 lao động đang hoạt động gần bờ trên ngư trường Khánh Hòa. Đồn Biên phòng Xuân Đài đã liên lạc được với các phương tiện và thông báo cho các lao động trên tàu biết thông tin về bão số 6 để chủ động tìm nơi tránh trú an toàn. Trong ngày 10-11, thị xã sẽ hoàn thành công tác sơ tán dân ở các vùng triều cường, ven biển, ngập úng, ven sông, suối, nhà tạm. (Tin, ảnh VĂN HẠNH)

* Sáng 10-11, đoàn công tác của UBND thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 6 ở các xã, phường trọng điểm. Theo đó, lãnh đạo UBND thành phố Nha Trang, Khánh Hòa chỉ đạo UBND các xã, phường khẩn trương, kiên quyết di dời dân ra khỏi khu vực xung yếu, nguy cơ sạt lở, ngập sâu đến vị trí an toàn; các ngư dân, các hộ đang nuôi trồng thủy sản trên các lồng, bè trên biển phải trở vào bờ trước 12 giờ ngày 10-11 cho đến khi hết bão.

 Đoàn công tác TP Nha Trang, Khánh Hòa kiểm tra công tác phòng chống bão số 6.

Đoàn công tác TP Nha Trang, Khánh Hòa kiểm tra công tác phòng chống bão số 6.

Các tàu đánh bắt thủy sản, các tàu du lịch và các phương tiện đường thủy khác không được ra khơi, cáp treo Vinpearl Land đã ngưng hoạt động từ 12 giờ ngày 10-11. Chủ tịch UBND các xã, phường chủ động liên hệ với Công an thành phố hỗ trợ lực lượng phục vụ công tác di dời dân đến nơi an toàn; báo cáo về UBND thành phố để được chỉ đạo, hỗ trợ lực lượng giải quyết các tình huống phát sinh kịp thời.

Ban CHQS thành phố Nha Trang đã huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, kịp thời thành lập 2 trung đội dân quân cơ động và 2 ca nô, máy nổ, máy cưa, áo phao; đảm bảo lương thực, thực phẩm cho các lực lượng sẵn sàng làm nhiệm vụ. (Tin ảnh: VĂN HẠNH-XUÂN CHÍNH)

* Sáng 10-11, ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; ông Nguyễn Đắc Tài, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 6 tại huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.

Tại các buổi làm việc ở huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, ông Nguyễn Khắc Định đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó của chính quyền và người dân hai địa phương đồng thời đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai các công việc chủ động ứng phó, trong đó tập trung vận động, tuyên truyền người dân sinh sống, sản xuất, du khách trên biển phải di dời lên đất liền trước 15 giờ ngày 10-11; kiên quyết cưỡng chế di dời nếu cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng về người, không để người làm việc trên biển.

Để ứng phó với bão số 6, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện vận hành an toàn hồ chứa, căn cứ tình hình vùng hạ du để vừa tích nước hợp lý, vừa đảm bảo an toàn công trình và hạn chế vùng ngập lụt cho vùng hạ du, không gây ra lũ nhân tạo do xả lũ hồ chứa. Tính đến trưa 10-11, tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành xả lũ điều tiết nước với lưu lượng vừa phải tại 6 hồ chứa đang có dung tích nước chứa đạt từ 70% trở lên... (TTXVN)

* Đến trưa 10-11, toàn tỉnh Bình Định đã cấp tốc di dời gần 10.000 nhân khẩu của 2.604 hộ dân đến những nơi an toàn để tránh bão. Ngoài huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Nhơn chưa triển khai di dời dân, còn lại tất cả 9 huyện, thành phố khác trong tỉnh Bình Định đều đã đưa dân đến nơi an toàn.

Tỉnh cũng đã huy động hơn 3.700 cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng quân đội, công an, bộ đội biên phòng… cùng với sự hỗ trợ của Quân khu 5 xuống các địa phương ven biển, vùng xung yếu để hỗ trợ dân trong cơn bão số 6. Các lực lượng vũ trang huyện, dân quân tự vệ và thanh niên xung kích tại các địa phương đã tập trung giúp dân thu dọn tài sản, chằng chống nhà cửa và hỗ trợ sơ tán người dân.

Toàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 5.600 tàu thuyền đang neo đậu trong các cảng, vịnh biển; trong đó 53 tàu neo đậu tại vùng cảng Quy Nhơn; 5.594 tàu thuyền neo đậu tại các bến cá, cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Đạm Thủy, Vĩnh Lợi, Tam Quan. Ngoài ra, còn có 132 tàu thuyền ngoài tỉnh đang neo đậu trong các vùng biển Bình Định với 811 người.

Trong ngày 10-11, lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng chính quyền các cấp tại tỉnh Bình Định tiếp tục ráo riết đến các vùng xung yếu để chỉ đạo các lực lượng và vận động, động viên người dân phòng, tránh bão.

Cũng trong ngày 10-11, đã có 400 du khách rời khỏi tỉnh Bình Định, còn lại 1.200 du khách ở lại trong thời gian có bão số 6. Xã đảo Nhơn Châu và những làng biển Nhơn Hải không có du khách lưu trú trong thời gian này. (TTXVN)

* Sáng 10-11, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cùng đoàn công tác Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 6, di dời người dân trên các lồng bè tại khu vực Vũng Rô, Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa và vùng bị triều cường xã An Chấn, huyện Tuy An. Đây là những khu vực trọng yếu có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu bão số 6 đổ bộ vào.

Sau khi kiểm tra thực tế tại các địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương chỉ đạo lãnh đạo huyện Đông Hòa phân công các thành viên trong Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai xuống các địa bàn xung yếu; phối hợp với lực lượng biên phòng, kiểm ngư kiên quyết sơ tán dân từ các khu vực nuôi trồng thủy sản vào bờ an toàn. Nếu trường hợp nào cố tình trốn tránh, huyện kiên quyết cưỡng chế đưa vào bờ, không được để một trường hợp nào ở trên lồng bè khi bão số 6 đổ bộ vào. Đồng chí Phạm Đại Dương lưu ý huyện Tuy An tăng cường lực lượng xuống các vùng trọng yếu, sơ tán dân các khu vực trũng thấp, bị ngập lụt, chuẩn bị sẵn sàng phương án 4 tại chỗ, kịp thời ứng phó với bão số 6. UBND tỉnh Phú Yên cũng phân công 3 đoàn công tác về tại các địa phương xung yếu chỉ đạo công tác ứng phó bão số 6. (TTXVN)

* Do ảnh hưởng của bão số 6, từ ngày 10-11, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có mưa trên diện rộng, có nơi mưa vừa đến mưa to. Dự báo từ đêm 10-11, khu vực phía Đông, Đông Bắc tỉnh (các huyện M’Đrắk, Ea Kar, Ea H’Leo, Krông Búk, Krông Năng, Krông Bông, Cư M’Gar, Ea Súp) có mưa to đến rất to; trên địa bàn tỉnh khả năng xuất hiện một đợt lũ ở mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven sông.

Để ứng phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão số 6 gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ra công điện khẩn yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 6, mưa lũ gây ra để chủ động ứng phó kịp thời. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn về người, tài sản cho nhân dân; rà soát, sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm đến nơi đảm bảo an toàn; kiểm tra, triển khai các phương án đảm bảo an toàn hồ đập; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai; đảm bảo giao thông trên các trục giao thông chính; tổ chức thường trực 24/24h, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với bão, lũ kịp thời, hiệu quả. (TTXVN)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/cac-dia-phuong-san-sang-ung-pho-voi-bao-so-6-599567