Các đường dây tội phạm quốc tế nghiên cứu cả Danh mục ma túy để 'né' luật
Để đối phó với sự kiểm soát của cơ quan chức năng, các đối tượng nghiên cứu kỹ Nghị định quy định các Danh mục chất ma túy và tiền chất của Chính phủ rồi mới chọn những chất hướng thần mới, chưa có trong Danh mục để tẩm ma túy vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử bán cho giới trẻ.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an cho biết, năm 2023, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, không ngừng gia tăng về tính chất và mức độ. Số người sử dụng ma túy trên thế giới tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao.
Tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở khu vực Đông Nam Á, nhất là Lào, Campuchia đang diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Cùng với đó, tội phạm ma túy (TPMT) tại nhiều quốc gia đang đẩy mạnh việc lợi dụng tuyến hàng không và đường biển quốc tế, thậm chí sử dụng tàu ngầm, tàu có thiết kế kỹ thuật “bán chìm” để vận chuyển trái phép chất ma túy.
Trong nước, TPMT diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến: Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên, Tây Nam, đường biển, đường hàng không và bưu điện. Các đối tượng thường xuyên tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng khi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Khi bị vây bắt, các đối tượng rất manh động, liều lĩnh chống trả, tấn công lực lượng chức năng.
Tình trạng các đối tượng tẩm ma túy vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, việc sử dụng bóng cười trong giới trẻ, học sinh, sinh viên diễn biến rất phức tạp. Không ít vụ ngộ độc do sử dụng thực phẩm chứa ma túy.
Qua đấu tranh với các đường dây tẩm ma túy vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, đối tượng chủ mưu cầm đầu khai nhận đã nhập lậu nguyên liệu từ Trung Quốc, nghiên cứu kỹ Nghị định quy định các Danh mục chất ma túy và tiền chất của Chính phủ, các đối tượng còn đem mẫu đến Viện Pháp y quốc gia, Bộ Y tế xét nghiệm một số chất hướng thần mới thuộc nhóm cần sa tổng hợp, chưa được quy định trong Danh mục để đối phó với sự kiểm soát của lực lượng chức năng.
Nguy hiểm hơn, nhiều trường hợp sử dụng ma túy tổng hợp bị ngáo đá, loạn thần, gây nguy hiểm tính mạng cho những người xung quanh. Đặc biệt, TPMT trên không gian mạng ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp, tinh vi. Các đối tượng thành lập các hội, nhóm trên mạng để tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, mua bán ma túy; thuê các công ty vận chuyển, taxi, xe ôm công nghệ để vận chuyển ma túy.
Trước bối cảnh đó, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, phát huy vai trò “Tư lệnh”, nòng cốt trong đấu tranh với TPMT, C04 đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và hệ lực lượng tại địa phương tăng cường nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất trên cả 5 mặt công tác lớn, nhờ vậy, đã từng bước kiềm chế được tình hình phức tạp về ma túy, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát ma túy thẩm lậu vào nước ta, góp phần quan trọng bảo vệ ANQG và bảo đảm TTATXH của đất nước.
Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, năm 2023, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã khám phá thành công 26.469 vụ, bắt giữ 41.419 đối tượng phạm tội về ma túy, trong đó có 26 đối tượng là người nước ngoài; thu giữ 512 kg heroin, 5,3 tấn ma túy tổng hợp, 500 kg cần sa, 330 kg cocain; triệt xóa 79 điểm, 11 tụ điểm phức tạp về ma túy; bắt, vận động đầu thú; thanh loại 379 đối tượng truy nã về ma túy.
Điển hình như chuyên án triệt phá thành công đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam, thu 1,3 tấn ketamine; các chuyên án 0323H và 123T đấu tranh với các đường dây sản xuất, pha chế, đóng gói ma túy “nước vui” và tẩm ướp ma túy vào thuốc lá điện tử để mua bán trái phép trên mạng.
Cục C04 cũng chủ động, thường xuyên cập nhật danh mục kiểm soát ma túy quốc tế của Ủy ban kiểm soát ma túy Liên hợp quốc và công tác phòng ngừa, đấu tranh với TPMT. Hiện, C04 đang tham mưu lãnh đạo Bộ báo cáo Chính phủ đề nghị bổ sung 9 chất ma túy mới vào Danh mục chất ma túy và tiền chất.
Công tác hợp tác quốc tế được đẩy mạnh và chú trọng về nội dung hợp tác, trong đó tăng cường phối hợp với cơ quan Cảnh sát các nước trong khu vực, nhất là các nước có chung đường biên giới: Lào, Campuchia, Trung Quốc để trao đổi, chia sẻ, xác minh, xử lý thông tin, xác lập các chuyên án chung để tập trung đấu tranh với các đường dây TPMT xuyên quốc gia, có tính quốc tế, truy bắt các đối tượng truy nã về ma túy trốn ra nước ngoài…
Dự báo thời gian tới, lượng ma túy sẽ tiếp tục tăng, số người nghiện ngoài xã hội rất lớn cùng với áp lực từ TPMT trong khu vực khiến tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong nước rất phức tạp, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu, trong năm 2024, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm toàn quốc tiếp tục thực hiện 3 nhóm phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và áp dụng tố tụng trong đấu tranh với TPMT.
Ngoài ra, cũng cần phải đổi mới công tác tuyên truyền để người dân có đủ thông tin, nhận diện với tội phạm và tệ nạn ma túy. “Phòng ngừa xã hội rất quan trọng, trong đó có công tác cai nghiện, cần phải đầu tư nâng cấp, xây mới trung tâm cai nghiện. Mỗi người nghiện là nguy cơ vụ án về ma túy, trật tự xã hội, mỗi người ngáo đá là nguy cơ một vụ trọng án. Làm tốt công tác cai nghiện và quản lý người nghiện sẽ góp phần giảm tội phạm-Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.