Các hoạt động thiện nguyện cần cân nhắc phương án cứu trợ cụ thể

Hiện tại, nước lũ đã rút tại một số địa phương ở miền Trung, giao thông đã cơ bản thông tuyến, thuận lợi cho công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả sau lũ.

Những ngày qua có rất nhiều đoàn cứu trợ từ mọi vùng miền đất nước đến chia sẻ với đồng bào miền Trung sau bão lũ. Trong quá trình cứu trợ, đoàn nào cũng mong muốn trực tiếp trao quà hỗ trợ bà con; tuy nhiên vì không thông thuộc địa bàn, lại không có đủ phương tiện quy mô như các đơn vị lớn, nên đến địa phương phải đi thuê thuyền, đò, do đó xảy ra nhiều cảnh lộn xộn, cò kè trả giá, gây hình ảnh không đẹp cho cả hai phía.

Một vấn đề nữa mà thực tế ở “rốn lũ” miền Trung những ngày qua chúng tôi chứng kiến, đó là một số đoàn từ thiện có gì cho nấy, không chuẩn bị trước một “kịch bản” trao tặng nào, nên khá nhiều áo quần đem đến người miền Trung không mặc được, chẳng hạn như nhiều bộ váy áo diêm dúa rất không phù hợp với cảnh bão lũ. Và hàng cứu trợ không được đóng thùng, phân loại để người dân đến thử mà bày la liệt trên mặt đất, người được cứu trợ dẫm đạp lên đồ, chọn chán thì vứt lại, gây cảnh “nhức mắt” khi cộng đồng mạng lại ồn ào chia sẻ những hình ảnh khá nhiều bao hàng hóa bị phá bung rồi bỏ lại.

 Bà con huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) nhận hàng cứu trợ của các đoàn thiện nguyện.

Bà con huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) nhận hàng cứu trợ của các đoàn thiện nguyện.

Khi đi cứu trợ, cũng mong các nhà hảo tâm, các đoàn thiện nguyện cần cân nhắc phương án hỗ trợ cụ thể. Những ngày qua, có không ít đoàn cứu trợ trực tiếp đi trao quà cho bà con, không thông qua chính quyền địa phương. Vì thế, những nơi giao thông thuận lợi bà con nhận được rất nhiều quà, còn ở những khu vực khó khăn, vùng sâu bà con rất ít tiếp cận được nguồn hàng cứu trợ. Giai đoạn khẩn cấp qua rồi, bây giờ là lúc điều chỉnh sự cứu trợ sao cho đảm bảo công bằng, giữ gìn sự đoàn kết cộng đồng. Do vậy, các đoàn cứu trợ khi đến địa phương nên phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể quần chúng để cân đối lại danh sách nhận cứu trợ và tiếp tục chuyển đến cho các hộ dân bị bỏ sót, chưa có cơ hội nhận cứu trợ hoặc cho những hộ đúng mặt hàng cần thiết theo điều kiện cụ thể của hộ đó. Đặc biệt là đáp ứng nhu cầu của các vùng, các gia đình mà cứu trợ thời gian qua chưa đến được.

Lúc này, rất cần chuyển từ giai đoạn cứu hộ và cứu trợ khẩn cấp sang hoạt động thiện nguyện để giúp nhân dân vùng lũ lụt ổn định cuộc sống theo hướng bền vững bằng cách chuyển từ việc quyên góp các mặt hàng khẩn cấp sang hỗ trợ các mặt hàng đảm bảo duy trì sự ổn định như lương thực, thực phẩm và sách vở cho học sinh. Nếu được thì xin cộng đồng hỗ trợ bằng tiền để nhân dân có thể sửa chữa những đồ dùng bị hỏng do ngâm nước lũ hoặc giúp dân có điều kiện mua lại những vật dụng cần thiết nhất đã bị nước cuốn trôi.

Có mặt ở “rốn lũ” miền Trung những ngày qua, theo tôi đến thời điểm này, bà con cần nhất là thuốc men, chăn ấm chuẩn bị cho mùa lạnh sắp đến. Với người dân nghèo vùng lũ, mua được tấm chăn ấm không phải chuyện đơn giản. Nếu các nhà hảo tâm có lòng, xin quyên góp trao tặng những thứ bà con thực sự cần. Việc ủng hộ gì thì còn tùy vào “lực” của mỗi đoàn thiện nguyện nhưng rất nên có hướng cụ thể, chẳng hạn với các em học sinh thì gom sách vở, hướng tới người dân thì ủng hộ thuốc men, áo ấm, chăn ấm, cây con giống để khôi phục sản xuất…

Bài, ảnh: THIÊN THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dien-dan-mien-trung-dang-can-gi/cac-hoat-dong-thien-nguyen-can-can-nhac-phuong-an-cuu-tro-cu-the-642346