Các ngân hàng bắt đầu khởi động cuộc đua giảm lãi suất huy động?
Sau làn sóng giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch Covid-19 thì đầu tháng 4 này, hàng loạt ngân hàng bắt đầu rục rịch hạ lãi suất huy động.
Nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động
Theo khảo sát của phóng viên, nhiều ngân hàng đã bắt đầu giảm mạnh lãi suất huy động, nhất là lãi suất tiền gửi tại quầy so với hồi giữa tháng 3. Mức điều chỉnh có ngân hàng lên tới gần 1% cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Cụ thể, tại “Big 4” ngân hàng có vốn nhà nước, mức lãi suất cao huy động giảm khoảng 0,2 – 0,3%. Đơn cử Vietcombank, lãi suất kỳ hạn 36 tháng - 60 tháng giảm từ 6,8%/năm xuống còn 6,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 6,8%/năm xuống 6,6%/năm, kỳ hạn 6 tháng giảm 0,2%/năm xuống còn 5,1%/năm.
Tương tự, tại VietinBank, lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng giảm mạnh xuống còn 5,1%/năm, các kỳ hạn 12, 24 đến dưới 36 tháng vẫn được ngân hàng này duy trì mức 6,8%/năm. Tại BIDV, lãi suất kỳ hạn 13 tháng - 36 tháng giảm xuống còn 6,6%/năm, chỉ có kỳ hạn 364 ngày và 12 tháng có mức lãi suất cao nhật 6,8%/năm.
Tại các ngân hàng tầm trung và nhỏ, lãi suất huy động cũng giảm rất mạnh. Biểu lãi suất mới áp dụng từ 3/4, Techcombank áp dụng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm thường chỉ ở mức cao nhất 6,1%/năm đối với kỳ hạn 18 tháng. Các kỳ hạn còn lại tối đa chỉ 6%/năm với khách hàng thường, 6,1%/năm với khách hàng ưu tiên.
ACB cũng vừa công bố biểu lãi suất mới, áp dụng từ ngày 6/4 tới, trong đó lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy chỉ còn 7,35%/năm, giảm 0,45%/năm so với hồi giữa tháng 3. Kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng này cũng chỉ duy trì mức lãi suất 6,7-7,0%/năm, giảm 0,3 điểm phần trăm so với lần điều chỉnh gần nhất.
Tại VietCapitalBank – ngân hàng từng đẩy lãi suất huy động lên tới 8,6%/năm vào cuối năm ngoái, nay lãi suất cũng giảm xuống chỉ 7,5%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; kỳ hạn 6 – 11 tháng dao động từ 7 – 7,2%/năm. Riêng kỳ hạn 13 tháng vẫn được VietCapitalBank duy trì mức 8,5%/năm…
Đối với lãi suất tiền gửi online, các ngân hàng cũng điều chỉnh giảm, nhưng biên độ giảm hẹp hơn tiền gửi tại quầy. Nếu như trước kia, chênh lệch tiền gửi tại quầy và online chỉ khoảng 0,1%/năm thì thời điểm này nhiều ngân hàng đã áp dụng lãi suất tiền gửi online cao hơn khoảng 0,3%/năm so với tiền gửi tại quầy. Việc nới rộng mức chênh lệch này là nhằm khuyến khích khách hàng chuyển sang giao dịch bằng kênh online, hạn chế lây lan dịch Covid-19.
Trước đó, vào ngày 17/3, lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng trên thị trường đã đồng loạt giảm theo quy định mới của NHNN, giảm trần lãi suất huy động dưới 6 tháng từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm. Theo đó, hiện lãi suất huy động 1-5 tháng tại các ngân hàng khá đồng đều, dao động từ 4,3-4,75%/năm.
Sắp có làn sóng đua giảm lãi suất?
Lãi suất huy động của các ngân hàng giảm mạnh trong bối cảnh lãi suất cho vay trên thị trường trước đó đã giảm sâu để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo chuyên gia tài chính, TS Bùi Quang Tín (Trường Doanh nhân Bizlight), sắp tới sẽ là một cuộc đua giảm lãi suất huy động giữa các ngân hàng. “Anh nào giảm lãi suất nhiều anh đó sẽ có nhiều khách hàng, sẽ cứu được doanh nghiệp” – vị chuyên gia nhận định.
TS Bùi Quang Tín cho rằng, giảm lãi suất cho vay nói là hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng thực chất là hỗ trợ cho chính ngân hàng. Vì hiện nay doanh nghiệp đang rất khó khăn, ngân hàng giảm lãi suất cho vay tới 3% đã là nhiều, nhưng chưa chắc doanh nghiệp đã trả được nợ. Doanh nghiệp không trả được nợ, tức là nợ xấu ngân hàng tăng.
“Do vậy, giảm lãi suất cho vay không chỉ là mệnh lệnh của NHNN mà nó là yêu cầu cấp thiết của thị trường” – TS Bùi Quang Tín nói.
Do vậy, vị chuyên gia cho rằng giảm lãi suất huy động chính là cách để nhà băng tăng tính cạnh tranh để giảm lãi suất cho vay. Giảm lãi suất huy động cũng là cách giảm áp lực cho các chi phí khác vốn rất khó giảm như: lương nhân viên, chi phí quản lý, chi phí công nghệ thông tin…
Ngoài ra, giảm lãi suất đầu vào chính là phương án giúp các nhà băng đảm bảo ổn định hệ số NIM (hênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả). Trước đó, NIM trung bình các ngân hàng Việt Nam là khoảng 3,5 – 3,6%. Vì thời gian qua, các ngân hàng giảm nhanh lãi suất cho vay nên nếu lãi suất huy động không giảm nhanh, thì NIM sẽ giảm.
Nói về việc liệu lãi suất huy động giảm thì dòng tiền có bị rút ra khỏi các ngân hàng để chảy vào các kênh đầu tư khác, TS Bùi Quang Tín cho rằng điều này không quá lo ngại. Vì thực tế, lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại nhìn trên mặt bằng sinh lời của nền kinh tế và của các kênh đầu tư khác vẫn khá tốt. Lãi suất ngân hàng trừ đi lạm phát vẫn là dương.
Thứ hai là trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang tiềm ẩn rủi ro thì gửi tiền ngân hàng vẫn là an toàn nhất; và thứ ba là trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn thì xu hướng tại các nước “tiền mặt là vua”.