Các ngân hàng lớn của Mỹ sẽ mất 541 tỷ USD trong kịch bản suy thoái nghiêm trọng của Fed
Theo bài kiểm tra căng thẳng hàng năm do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện được công bố hôm thứ Tư (28/6), các ngân hàng lớn nhất của Mỹ có thể sẽ mất 541 tỷ USD trong một kịch bản suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất, nhưng các ngân hàng vẫn có đủ vốn để bù đắp khoản lỗ.
Kết quả cũng sẽ giúp xác định lượng vốn mà các ngân hàng phải nắm giữ trong 12 tháng tới. Miễn là các ngân hàng phù hợp hoặc vượt quá yêu cầu về vốn, họ sẽ không bị Fed hạn chế về số vốn họ có thể chia trả cổ tức cho cổ đông và mua lại cổ phiếu.
Kết quả được đưa ra chỉ vài tháng sau khi ba vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử của Mỹ - Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và First Republic Bank - đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực. Các ngân hàng nhỏ hơn chịu áp lực từ các nhà đầu tư sau sự sụp đổ của SVB, bao gồm cả PacWest và Comerica, đã không được đưa vào các bài kiểm tra căng thẳng.
“Chúng ta nên khiêm tốn về mức độ rủi ro có thể phát sinh và tiếp tục công việc của mình để đảm bảo rằng các ngân hàng có khả năng phục hồi trước một loạt các tình huống kinh tế, cú sốc thị trường và những căng thẳng khác”, Michael Barr, Phó chủ tịch giám sát của Fed cho biết trong một tuyên bố.
Các bài kiểm tra căng thẳng của Fed là một bài tập hàng năm bắt buộc theo quy định tài chính Dodd-Frank sau cuộc khủng hoảng năm 2008 nhằm đánh giá liệu tỷ lệ vốn hấp thụ tổn thất của các ngân hàng có duy trì trên mức yêu cầu tối thiểu trong trường hợp xảy ra thảm họa kinh tế hay không.
Năm nay, các ngân hàng cần chứng tỏ rằng họ có thể chịu được tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất là 10%, giá bất động sản thương mại giảm 40%, giá nhà giảm 38% và lãi suất ngắn hạn giảm xuống gần như bằng 0.
Trong số 23 ngân hàng được kiểm tra - mỗi ngân hàng có tài sản hơn 100 tỷ USD - sẽ chịu khoản lỗ tổng cộng 541 tỷ USD theo kịch bản suy thoái nghiêm trọng của Fed. Trong đó, chi nhánh của Deutsche Bank tại Mỹ chịu ảnh hưởng lớn nhất về vốn và tiếp theo là chi nhánh UBS tại Mỹ.
Mức vốn của Goldman Sachs giảm nhiều nhất trong số các ngân hàng có trụ sở chính tại Mỹ, tiếp theo là Morgan Stanley. Các hoạt động kinh doanh của cả hai ngân hàng đều thiên về hoạt động giao dịch chứng khoán hơn các ngân hàng khác, vốn được Fed xếp vào loại rủi ro hơn.
Các bài kiểm tra cho thấy rằng tất cả các ngân hàng được kiểm tra, bao gồm Bank of America, Citigroup, State Street và Wells Fargo đã đáp ứng các yêu cầu về vốn tối thiểu.
Kế đó, 8 ngân hàng lớn nhất sẽ chịu tổn thất trong hoạt động giao dịch chứng khoán gần 80 tỷ USD trong một kịch bản lạm phát cao liên tục đòi hỏi lãi suất cao, một môi trường không giống với triển vọng kinh tế hiện tại.
Lindsey Johnson, chủ tịch và giám đốc điều hành của Hiệp hội Ngân hàng Tiêu dùng cho biết: “Nhận thấy kịch bản năm nay là khó khăn nhất trong lịch sử, những kết quả này là liều thuốc giải độc tốt nhất cho bất kỳ lo lắng kéo dài nào xung quanh các vụ phá sản ngân hàng gần đây”.
Diễn đàn Dịch vụ Tài chính (FSF) - một nhóm vận động hành lang cho các ngân hàng lớn nhất của Mỹ - cho biết kết quả này nhấn mạnh rằng những ngân hàng có đủ vốn và không cần các yêu cầu nghiêm ngặt hơn.
FSF cho biết trong một tuyên bố: “Những cải cách của thời kỳ hậu Dodd-Frank đã đạt được các mục tiêu về một hệ thống ngân hàng mạnh hơn, an toàn hơn”.
Các ngân hàng khu vực là tiêu điểm
Các cơ quan quản lý của Mỹ cũng dự kiến sẽ mở rộng các quy tắc Basel mới bao gồm các ngân hàng cỡ trung bình có quy mô tương tự như Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và First Republic Bank.
Danh sách các ngân hàng phải chịu các bài kiểm tra căng thẳng của Fed đã được xem xét kỹ lưỡng sau sự sụp đổ của SVB do rủi ro lãi suất quá lớn bắt nguồn từ lượng trái phiếu nắm giữ không được dự phòng.
Theo các quy tắc hiện hành được áp dụng vào năm 2019 sau luật nới lỏng các quy định đối với các bên ngân hàng quy mô trung bình, cuộc kiểm tra căng thẳng chính thức đầu tiên của SVB sẽ không diễn ra cho đến năm 2024.
Tuy nhiên, ngay cả khi SVB đã trải qua các bài kiểm tra căng thẳng của Fed, thì ngân hàng này vẫn có thể vượt qua vì kịch bản không mô hình hóa việc lãi suất cao hơn đột ngột đã gây ra sự sụp đổ của ngân hàng.
Kết quả có thể trấn an một số nhà đầu tư nhưng các nhà phê bình đã cảnh báo các cuộc kiểm tra không thăm dò được tất cả các điểm yếu tiềm tàng của các ngân hàng.
Dennis Kelleher, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của nhóm vận động chính sách Better Markets cho biết: “Điều này là nguy hiểm, gây hiểu lầm, không đầy đủ và dẫn đến sự thoải mái giả tạo”.
Fed đã kiểm tra bảng cân đối ngân hàng khi các ngân hàng đứng ở thời điểm cuối năm 2022, có nghĩa là kết quả hôm thứ Tư (28/6) không phản ánh tác động của cuộc khủng hoảng.
Các quan chức Fed thừa nhận rằng các ngân hàng hoạt động tương đối tốt phần lớn là do kịch bản thực sự đã hình dung ra lãi suất giảm nhanh chóng, cho phép các ngân hàng lớn thu hẹp các khoản lỗ chưa thực hiện hiện đang nằm trên bảng cân đối kế toán và bù đắp các khoản lỗ cho vay truyền thống.
"Một số người có thể hỏi làm thế nào mà tất cả các ngân hàng có thể nhận được sự ủng hộ về mặt pháp lý khi ngành vừa trải qua thời kỳ hỗn loạn. Nhưng các bài kiểm tra không phải là sự chứng thực hay điểm đạt dành cho công chúng như một cuộc thi sắc đẹp”, Ian Katz, Giám đốc điều hành của Capital Alpha Partners cho biết.