Các nhà kinh tế sốc với báo cáo việc làm tháng 4 của Mỹ

Nhiều nhà kinh tế Mỹ đã cho biết họ không thể tin được, sốc thực sự, chưa từng chứng kiến trước đây khi xem báo cáo việc làm tháng 4 vừa được công bố.

Người lao động Mỹ thất nghiệp hàng loạt trong đại dịch COVID-19. Ảnh: Reuters

Người lao động Mỹ thất nghiệp hàng loạt trong đại dịch COVID-19. Ảnh: Reuters

Theo tờ Business Insider, báo cáo việc làm tháng 4 công bố ngày 8/5 có những con số tồi tệ về gần như mọi mặt. Nền kinh tế Mỹ đã mất khoảng 20,5 triệu việc làm chỉ trong một tháng, con số giảm ở mức kỷ lục, xóa bỏ gần như toàn bộ việc làm người Mỹ có được trong thập kỷ qua.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 14,7% - con số cao nhất kể từ Đại Suy thoái. Chỉ cách đây hai tháng, trong báo cáo việc làm tháng 2, tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 3,5% - mức thấp nhất trong 50 năm.

Ông Nick Bunker, nhà kinh tế tại công ty tìm kiếm việc làm Indeed, nhận định: “Quy mô đợt tàn phá việc làm là không thể tin nổi, nhất là khi tính tới cả tốc độ”. Ông Bunker nhận xét thêm rằng cú sốc hiện nay với Mỹ không khác gì thời Đại Suy thoái: “Thực tế là chúng ta đang chứng kiến mức độ tàn phá lớn tới vậy, nhưng lại chỉ trong có hai tháng, thật khó mà tưởng tượng nổi”.

Xem kỹ báo cáo việc làm có thể thấy những dấu hiệu suy thoái khác. Gần như mọi ngành đều xảy ra tình trạng mất việc làm trong tháng 4, dẫn đầu là ngành giải trí và dịch vụ (ẩm thực, du lịch, lưu trú) với 7,7 triệu việc làm.

Phụ nữ mất việc nhiều nhất. Tỷ lệ thất nghiệp trong người lao động da màu và người gốc Tây Ban Nha lần lượt là 16,7% và 18,9%. Người lao động thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề nhất do làn sóng sa thải vì COVID-19.

Người dân rời lực lượng lao động hàng loạt và chỉ một nửa người lao động có việc làm. Nếu tính trên diện rộng hơn, tức là cộng cả người lao động đã ngừng tìm việc và tính cả người làm bán thời gian, thì tỷ lệ thất nghiệp còn tăng vọt lên 23%, cũng là một con số cao kỷ lục.

Một cửa hàng đóng cửa trong dịch COVID-19 ở Chicago. Ảnh: AP

Một cửa hàng đóng cửa trong dịch COVID-19 ở Chicago. Ảnh: AP

Trong báo cáo, chỉ có một điểm sáng tiềm năng: 18,1 triệu lao động chỉ bị coi là thất nghiệp tạm thời, có nghĩa là họ có thể nhanh chóng có việc làm khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Gần đây, một số bang đã dần mở lại một phần nền kinh tế, cho phép người dân đi làm trở lại.

Tuy nhiên, người ta lo sợ một số doanh nghiệp không thể trụ nổi qua đại dịch COVID-19, nghĩa là số lao động này sẽ trở thành thất nghiệp lâu dài.

Bà Martha Gimbel, nhà kinh tế tại công ty Schmidt Futures, nói: “Vậy là chúng ta ‘chỉ’ mất 20,5 triệu việc làm. Con số này nói quá nhiều về thời điểm mà chúng ta đang trải qua. Con số này tồi tệ, kinh khủng không thể diễn đạt thành lời”.

Bà Gimbel cho rằng một trong những con số đáng sợ nhất trong báo cáo là vấn đề của những người nghĩ rằng mình đang có việc làm nhưng không đi làm. Bà cho rằng nếu những người này được tính vào diện thất nghiệp thì tỷ lệ có thể là trên 19%. Bà nhận định: “Nếu tình hình không khá hơn, tình trạng bị sa thải tạm thời có thể trở thành lâu dài”.

Về phần mình, ông Robert Frick, nhà kinh tế tại Hiệp hội Tín dụng Liên bang Hải quân, cho rằng báo cáo là “cú sốc thực sự”, cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể sẽ tồi tệ ra sao trong quý hai. Điều hy vọng là có lẽ 18 trong 33 triệu người mới nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp chỉ là số người bị cho nghỉ phép không lương về mặt kỹ thuật. Sau đó, họ có thể đi làm trở lại.

Người Mỹ xếp hàng tham gia hội chợ việc làm ở Oregon. Ảnh: AP

Người Mỹ xếp hàng tham gia hội chợ việc làm ở Oregon. Ảnh: AP

Trong khi đó, ông Eric Winograd, nhà kinh tế cấp cao tại công ty AllianceBernstein nhận định: “Báo cáo việc làm tháng 4 không giống với bất kỳ báo cáo nào trước đó”. Ông Winograd cho biết báo cáo tháng 4 còn chưa tính tới vài triệu người lao động mới nộp đơn xin bảo hiểm thất nghiệp cuối tháng 4 – thời điểm việc thu thập dữ liệu cho báo cáo nói trên đã kết thúc. Vì thế, ông Winograd nhận định: “Dữ liệu có tồi tệ tới đâu thì tình hình thực tế còn tồi tệ hơn”.

Ông Winograd cho rằng báo cáo việc làm không giúp chúng ta hiểu hơn về nền kinh tế, cũng không định hình được tầm nhìn tương lai. Ai cũng biết thị trường lao động đang lâm vào khủng hoảng và dữ liệu mới công bố không có gì mới. Ông nói: “Vấn đề quan trọng không phải là liệu kinh tế có đang tê liệt, vì thực ra nó đã tê liệt rồi. Điều quan trọng bây giờ là kinh tế sẽ phục hồi khi nào và thế nào. Dữ liệu hôm nay chủ yếu là nhìn lại và do đó không thay đổi quan điểm cơ bản của chúng ta về triển vọng tương lai”.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cac-nha-kinh-te-soc-voi-bao-cao-viec-lam-thang-4-cua-my-20200511112609876.htm