Các nhà máy phát điện ở Ả Rập Xê-út có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu toàn cầu
Các nhà phân tích cho biết việc đốt trực tiếp dầu thô tại các nhà máy phát điện ở hai nước khai thác lớn nhất OPEC trong mùa hè, có thể ảnh hưởng tới nguồn cung dầu thô trên thị trường quốc tế.
Trích dẫn dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhà phân tích hàng hóa Giovanni Staunovo cho biết, từ đầu năm cho đến nay, các nhà máy điện chạy bằng dầu đã phục hồi để đáp ứng nhu cầu điện năng tăng cao.
Tại Ả Rập Xê-út và Iraq, việc đốt dầu nhiên liệu và sử dụng dầu thô trực tiếp để phát điện đã tăng 270.000 thùng mỗi ngày trong tháng 4 so với tháng 3, ông Staunovo cho hay.
Ả Rập Xê-út, nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, phụ thuộc vào dầu thô và dầu nhiên liệu để sản xuất điện, đang tăng cường sử dụng dầu thô và nhiên liệu trực tiếp trong những tháng mùa hè.
Sau khi OPEC+ quyết định chấm dứt việc cắt giảm hoàn toàn vào cuối tháng 8, một số nhà phân tích chỉ ra rằng việc đốt dầu thô trực tiếp tại các nhà máy điện của Ả Rập Xê-út có thể tiêu tốn một phần không nhỏ mức tăng sản lượng.
Chỉ tiêu khai thác cao hơn của OPEC+ cho tháng 7 và tháng 8 trùng với thời điểm nắng nóng đỉnh điểm ở Ả Rập Xê-út - điều sẽ làm tăng đáng kể khối lượng dầu thô và sản phẩm được sử dụng tại các nhà máy điện.
Được biết, mười thành viên OPEC trong hiệp ước OPEC+ đã bơm 24,8 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 6, thấp hơn 1 triệu thùng/ngày so với mức mục tiêu, theo dữ liệu của OPEC.
Ả Rập Xê-út đã tăng sản lượng dầu thô nhiều nhất trong tháng 6 so với tháng 5. Tuy nhiên, theo các nguồn thứ cấp của OPEC, ngay cả Ả Rập Xê-út cũng không đạt được hạn ngạch cho tháng 6.
OPEC cho biết sản lượng dầu của Ả Rập Xê-út tăng 159.000 thùng/ngày lên 10,585 triệu thùng/ngày, trong khi hạn ngạch của của vương quốc này là 10,663 triệu thùng/ngày. Do đó, Ả Rập Xê-út đã khai thác thấp hơn 78.000 thùng/ngày so với hạn ngạch vào tháng trước.
Trên thực tế, Ả Rập Xê-út đã tự báo cáo với OPEC rằng số liệu khai thác của họ thực sự phù hợp với mục tiêu 10,646 triệu thùng/ngày.