Các nước ASEAN đối mặt với đại dịch Covid-19 ra sao?

Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc cuối năm 2019 đã nhanh chóng lan rộng ra các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gây tác động lớn đến nền kinh tế của khối. Vậy các nước ASEAN đã làm gì để đối phó với đại dịch này?

Dịch Covid-19 không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế ASEAN, mà còn tác động mạnh đến kinh tế toàn thế giới. (Nguồn: BBC)

Lôi Tiểu Hoa, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á-Viện khoa học xã hội Quảng Tây, đăng trên trang mạng Observer, nhận định rằng, sự phát triển của toàn cầu hóa khiến cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng xảy ra bất ngờ cũng không còn giới hạn ở một khu vực nhất định.

Dịch Covid-19 do chủng mới virus corona (SARS-CoV-2) gây ra bùng phát ở Trung Quốc vào đầu năm 2020 đã nhanh chóng lan rộng ở các nước ASEAN. Dịch bệnh không chỉ gây sức ép rất lớn đến sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, mà còn tác động lớn đến nền kinh tế các nước ASEAN.

Tác động ngắn hạn và có giới hạn

Xét về ngắn hạn, các ngành dịch vụ tiêu dùng của các nước ASEAN như du lịch, vận tải hàng không, khách sạn, ăn uống và xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ trải qua một thời kỳ ảm đạm. Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc đã kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, sự lây lan dịch bệnh sang các nước ASEAN tương đối hạn chế và các địa phương của Trung Quốc cũng đã khôi phục sản xuất một cách có trật tự.

Xu hướng phát triển của nền kinh tế Trung Quốc vẫn không thay đổi, do vậy có thể tin tưởng rằng chuỗi cung ứng Trung Quốc-ASEAN bị gián đoạn trong ngắn hạn sẽ nhanh chóng được phục hồi. Nói cách khác, tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế Đông Nam Á tạm thời chưa thể được dự đoán chính xác, nhưng may mắn là tác động này chỉ là ngắn hạn và có giới hạn.

Trong ngắn hạn, tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế ASEAN chủ yếu được thể hiện ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, dịch bệnh đã hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của các nước. Trong bối cảnh của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, tình hình căng thẳng Mỹ-Iran, chiến tranh ở Trung Đông và tính bất ổn của thương mại toàn cầu, các tổ chức nghiên cứu quốc tế đã hạ thấp dự báo phát triển kinh tế năm 2020 của các nước ASEAN.

Trước tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế, các tổ chức nghiên cứu lớn tiếp tục hạ dự báo phát triển của các nước. Chẳng hạn, hãng tin Bloomberg đã dự báo rằng nền kinh tế Đông Nam Á năm 2020 sẽ trì trệ, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của 5 nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, từ 4,1% xuống còn 3,8%.

Thứ hai, ngành dịch vụ giữa lúc “ăn nên làm ra” tạm thời đón mùa ảm đạm. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Trung Quốc đã tạm thời hủy các tour du lịch nước ngoài theo đoàn. Đồng thời, các nước ASEAN đã tăng cường kiểm tra nhập cảnh đối với du khách Trung Quốc, thậm chí cấm hoàn toàn du khách Trung Quốc nhập cảnh, tạm dừng một số hoặc toàn bộ các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Những biện pháp này đã khiến lượng du khách vào các nước ASEAN giảm mạnh, doanh thu của các dịch vụ tiêu dùng như vận tải hàng không, du lịch, lưu trú, ăn uống, bán lẻ... sụt giảm nghiêm trọng.

Một áp phích hướng dẫn về triệu chứng của dịch Covid-19 tại thành phố Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Jakarta Post)

Thứ ba, công tác phòng chống dịch bệnh dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong xuất nhập khẩu sang Trung Quốc. Do ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt, các hoạt động giao dịch xuất nhập khẩu của ASEAN với Trung Quốc gặp khó khăn, một số cửa khẩu biên giới trên đất liền giáp ranh với Trung Quốc tạm thời bị đóng cửa, điều này khiến cho hàng hóa đến cửa khẩu không thể giao dịch được. Ngoài ra, việc người dân Trung Quốc cách ly tại nhà nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng tạm thời làm giảm nhu cầu tiêu dùng.

Thứ tư, chuỗi cung ứng tạm thời bị gián đoạn, dẫn đến năng lực sản xuất gia công sụt giảm. Một lượng lớn các nhà quản lý và công nhân kỹ thuật trở về Trung Quốc vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã phải ở lại nước do dịch bệnh. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã phải kéo dài thời gian trở lại làm việc và sản xuất, dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến năng lực sản xuất gia công, chế tạo của các nước ASEAN.

Các ngành nghề ở các nước ASEAN như sản xuất điện thoại di động, dệt may và hàng tiêu dùng đã hình thành sự phân công lao động hợp lý với Trung Quốc. Do chịu ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng nguyên liệu, linh phụ kiện và các sản phẩm trung gian... cũng buộc phải ngừng hoặc giảm bớt sản xuất. Hiện tại các địa phương của Trung Quốc đã lần lượt mở cửa hoạt động trở lại, các nhà dự báo cho rằng những chuỗi cung ứng bị gián đoạn này sẽ nhanh chóng được nối lại.

Thứ năm, lĩnh vực đầu tư bị thu hẹp, đầu tư của Trung Quốc tạm thời sụt giảm. Trước tình hình dịch bệnh, doanh thu của các ngành nghề như du lịch, ăn uống, khách sạn, bán lẻ của các nước ASEAN sụt giảm do lượng du khách quốc tế giảm mạnh. Các nhà đầu tư nước ngoài nghe ngóng tình hình, nên khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của các nước ASEAN cũng thu hẹp. Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng bởi sự chậm trễ trong việc cung cấp nguyên liệu thô của Trung Quốc nên việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng có phần sụt giảm.

Do dòng vốn ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các nhà đầu tư Trung Quốc trong ngắn hạn có thể sẽ thận trọng hơn khi đầu tư vào thị trường ASEAN. Tuy nhiên, sau khi hết dịch bệnh, nếu đầu tư của Trung Quốc hướng nhiều hơn vào các lĩnh vực như kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, y sinh..., điều này cũng sẽ tạo thêm động lực mới cho sự phát triển kinh tế của ASEAN.

Đa dạng phương án chống dịch

Đối với các nước có nền kinh tế vốn đã rất mong manh, mối đe dọa của dịch Covid-19 có thể chỉ là “giọt nước tràn ly”. Để đối phó với tác động của dịch bệnh, Singapore, Malaysia và Campuchia đã đi đầu trong việc khởi động các chương trình kích thích kinh tế. Các nước như Thái Lan, Philippines lần lượt áp dụng một số biện pháp mang tính mục tiêu, như chính sách ngắm trúng mục tiêu, thực thi đồng thời chính sách đối nội, đối ngoại trong ngắn hạn và dài hạn, xây dựng niềm tin tiêu dùng, đảm bảo vấn đề dân sinh nổi bật và tái đào tạo nghề...

Mức độ gây thiệt hại của dịch bệnh lần này đối với các nước ASEAN là khác nhau, trong đó, Thái Lan và Singapore phải chịu tổn thương lớn nhất. Ngành du lịch Malaysia, ngành du lịch và dệt may của Campuchia và Việt Nam bị tác động tương đối lớn. Vì vậy, các nước đã áp dụng các chính sách như ưu đãi thuế và hỗ trợ tín dụng cho các ngành nghề bị ảnh hưởng.

Ngành dệt may của Campuchia chịu tổn thương lớn trước đại dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters)

Ngày 18/2, Singapore đã khẩn trương sửa đổi và ban hành Dự toán ngân sách 2020. Đối với 5 ngành nghề chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh, như du lịch, hàng không, bán lẻ, ăn uống và giao thông đường bộ, Singapore thực hiện các biện pháp hỗ trợ như miễn tiền thuê nhà 1 tháng, giảm 10%-30% thuế, cho vay ưu đãi...

Việt Nam có kế hoạch giảm các loại phí dịch vụ hàng không do nhà nước kiểm soát, khuyến khích ngành dệt may tăng cường sự tự chủ… Ngày 24/2, Campuchia đã đưa ra gói kích thích kinh tế, áp dụng các biện pháp như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tem, miễn nộp bảo hiểm trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, tăng cường hỗ trợ thất nghiệp và tái đào tạo nghề… cho các ngành du lịch, dệt may và bất động sản.

Tiếp theo, các nước ASEAN cũng chú trọng đến việc thúc đẩy chuyển đổi mô hình doanh nghiệp và phát triển công nghệ. Lấy Singapore làm ví dụ, nước này có kế hoạch phân bổ 8,3 tỷ SGD trong 3 năm tới để tăng cường đổi mới công nghệ và chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, với số tiền chiếm 10% tổng ngân sách nhà nước. Cụ thể, Singapore có kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi mô hình doanh nghiệp thông qua các biện pháp như thiết lập các trang web kinh doanh, chuyển đổi mô hình kỹ thuật số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ phát triển thị trường mới nổi.

Để thúc đẩy chuyển đổi mô hình doanh nghiệp và khuyến khích mở rộng đầu tư tư nhân, Malaysia đã thành lập quỹ đầu tư chung 500 triệu ringgit, miễn phí cho các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, đồng thời, cung cấp 300 triệu ringgit để khuyến khích chuyển đổi mô hình kỹ thuật số, hỗ trợ chi phí 2 năm khấu hao máy móc, miễn thuế nhập khẩu và thuế bán các thiết bị cảng trong thời gian 3 năm...

Ngoài ra, để đối phó với khủng hoảng, các nước ASEAN thường thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, tăng lượng cung ứng tiền tệ, duy trì đủ thanh khoản tiền tệ, đồng thời tăng chi tiêu tài chính công để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Một nhà sư Thái Lan đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân tại Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: AP)

Thái Lan và Philippines đã đi đầu trong việc giảm lãi suất cơ bản của ngân hàng. Ngày 5/2, Ngân hàng trung ương Thái Lan đã hạ lãi suất cơ bản từ 1,25% về 1%, mức lãi suất thấp kỷ lục trong lịch sử Thái Lan. Ngân hàng trung ương Philippines cũng hạ lãi suất cơ bản từ 4% xuống 3,75%, đồng thời có kế hoạch giảm thêm 0,25 điểm phần trăm trong năm nay.

Singapore và Việt Nam cũng cho biết vẫn còn đủ biên độ để hạ lãi suất cơ bản. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng có thể xem xét kích thích nền kinh tế bằng các phương thức như đẩy nhanh thanh toán và giảm lãi suất.

Sau cuộc chiến chống dịch Covid-19, tất cả các nước ASEAN đều coi trọng việc bảo đảm dân sinh và khả năng này của họ đều được nâng lên. Để giảm bớt tác động của dịch bệnh đối với vấn đề dân sinh cơ bản, khác với Trung Quốc coi trọng việc tăng cường bảo đảm dân sinh cơ bản như đảm bảo cung ứng vật tư dân sinh, ổn định việc làm, nộp chậm bảo hiểm xã hội…, nhiều nước ASEAN bảo đảm dân sinh thông qua việc áp dụng các biện pháp như trực tiếp nâng cao thu nhập của người dân hoặc phát phiếu tiêu dùng…

Ngoài ra, các nước cũng chú trọng việc kích cầu trong nước và thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Để đối phó với tác động của dịch bệnh, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có kế hoạch áp dụng các biện pháp như xây dựng lại niềm tin của người tiêu dùng… để mở rộng nhu cầu trong nước.

QT.

(theo Observer, TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-nuoc-asean-doi-mat-voi-dai-dich-covid-19-ra-sao-111426.html