Các nước châu Á căng thẳng vì dịch tả heo châu Phi

Trong những ngày vừa qua, các nước châu Á bao gồm Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, đang trong tình trạng căng thẳng sau khi những ổ dịch tả heo châu Phi (ASF) lần đầu tiên được xác nhận hoặc bị nghi ngờ xuất hiện trong nước. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn chật vật ứng phó với dịch tả heo truyền thống CSF (khác với dịch ASF).

 Nhân viên thú ý lấy mẫu máu của một con heo bị nghi nhiễm virus ASF ở một trang trại tại TP. Quezon, Philippines. Ảnh: Phil Star

Nhân viên thú ý lấy mẫu máu của một con heo bị nghi nhiễm virus ASF ở một trang trại tại TP. Quezon, Philippines. Ảnh: Phil Star

Sáng 23-9, Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc thông báo có thêm một địa điểm nghi bùng phát dịch ASF sau khi hai điểm bùng phát dịch được xác nhận vào tuần trước.

Địa điểm mới bị nghi nhiễm dịch ASF là một trang trại heo 1.600 con ở TP. Gimpo, tỉnh Gyeonggi, cách phía tây Seoul 30km. Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết đã cử các quan chức kiểm dịch đến trang trại này để thu thập mẫu bệnh phẩm. Kết quả xét nghiệm sẽ được thông báo vào cuối ngày hôm nay.

Hôm 17-9, Hàn Quốc nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất sau khi phát hiện ổ dịch ASF đầu tiên tại một trang trại heo ở thị trấn Paju, tỉnh Gyeonggi. Một ngày sau đó, một ổ dịch khác được phát hiện tại huyện Yeoncheon, sát với Paju. Bộ trưởng Nông nghiệp Hàn Quốc Kim Hyeon-soo cho biết đã tiêu hủy 4.000 con heo ở các trang trại nằm trong bán kính 3km của nơi ổ dịch đầu tiên được phát hiện để ngăn ngừa lây lan.

Đàn heo Hàn Quốc có khoảng 11,3 triệu con. Mức tiêu thụ thịt heo của nước này là 27kg/người vào năm 2018. Sau khi dịch ASF được phát hiện, cổ phiếu của một số công ty thuốc thú y như Eagle Veterinary Technology và Cheil Bio tăng vọt đến mức 30%; cổ phiếu các công ty liên quan đến chế biến thịt gà cũng tăng mạnh gần 30%.

Cho đến nay, tất cả các điểm phát hiện dịch ASF ở Hàn Quốc đều nằm ở tỉnh Gyeonggi, sát biên giới với Triều Tiên. Cách đây 4 tháng, Triều Tiên cũng xác nhận ổ dịch ASF đầu tiên của nước này tại một trang trại heo nằm gần biên giới với Trung Quốc.

Philippines cũng sẽ cảm nhận được tác động của dịch ASF những ngày lễ sắp tới sau khi nước này thông báo các ổ dịch ASF đầu tiên của nước này tại thị trấn ở hai tỉnh Rizal và Bulacan, gần thủ đô Manila, hôm 9-9. Nhà chức trách đã tiêu hủy hơn 7.000 con heo trong vòng bán kính 1km kể từ nơi phát hiện dịch ASF.

Đến hôm 20-9, Bộ Nông nghiệp Philippines phát hiện các mẫu máu có virus ASF từ những con heo ở các trang trại tại TP. Quezon thuộc Vùng thủ đô Manila. Thị trường TP. Quezon nghi ngờ dịch lây lan từ những con heo chết bị thả trôi trên sông. Bộ Nông nghiệp nước này đang thực thi các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt tại các khu vực nhiễm dịch. Philippines là nước tiêu thụ thịt heo lớn thứ 10 và là nước nhập khẩu thịt heo lớn thứ bảy thế giới.

Hôm 20-9, Hiệp hội Các nhà chế biến thịt Philippines (PAMPI) cho biết một số thành viên của hiệp hội này đã quyết định giảm sản lượng đến 20% do triển vọng kinh doanh không chắc chắn giữa lúc tâm lý lo ngại thịt heo nhiễm ASF dâng cao.

PAMPI cho biết dịch ASF sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp chế biến thịt trong nước có giá trị sản lượng hơn 300 tỉ peso (5,8 tỉ đô la Mỹ) mỗi năm và lực lượng lao động 150.000 người.

PAMPI cũng chỉ trích một số chính quyền địa phương áp đặt các chính sách ngăn ngừa “không có cơ sở” như cấm vận chuyển, phân phối và bán các sản phẩm làm từ thịt heo chế biến ở khu vực của họ. Bộ Nông nghiệp Philippines đã phân bổ 78 triệu peso để phục vụ các nỗ lực kiểm soát dịch ASF.

 Hàn Quốc đã nâng cảnh báo dịch bệnh động vật lên mức cao nhất sau khi phát hiện ra ổ dịch ASF đầu tiên ở một trang trại heo ở TP. Paju, tỉnh Gyeonggi. Ảnh: Yonhap

Hàn Quốc đã nâng cảnh báo dịch bệnh động vật lên mức cao nhất sau khi phát hiện ra ổ dịch ASF đầu tiên ở một trang trại heo ở TP. Paju, tỉnh Gyeonggi. Ảnh: Yonhap

Tuần trước, hơn 200 con heo ở hai trang trại tại tỉnh Chiang Rai, Thái Lan, bị tiêu hủy, làm dấy lên các lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh ASF ở nước này. Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan (DDC) cho biết việc tiêu hủy trên chỉ là “động thái ngăn ngừa” sau khi hai con heo chết không rõ nguyên nhân ở một trang trại tại tỉnh này nằm cách biên giới Myanmar 20km. Hồi đầu tháng 8, Myanmar xác nhận ba ổ dịch ASF xuất hiện tại bang Khan, phía nam Myamar, sát với biên giới Thái Lan.

DCC khẳng định cho đến nay chưa có bằng chứng dịch ASF xuất hiện ở Thái Lan. Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo các tỉnh biên giới của Thái Lan phải tăng cường cảnh giác vì dịch ASF đã xuất hiện ở các nước láng giềng.

Nopporn Mahakanta, Giám đốc Phòng chăn nuôi gia súc của tỉnh Chiang Rai cho hay các mẫu máu và mẫu mô của hai con heo bị chết đã được gửi đến một phòng thí nghiệm ở tỉnh Lampang để xác định xem có nhiễm virus ASF hay không. Kết quả xét nghiệm sẽ được công bố trong vòng 14 ngày tới.

Như vậy, kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc hồi tháng 8 năm ngoái, dịch ASF đã lan sang Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia, Mông Cổ, Triều Tiên, Hàn Quốc và Philippines.

Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy trong tháng 8, Trung Quốc nhập khẩu 162.935 tấn thịt heo, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá thịt heo ở một số nơi tại nước này lên mức cao kỷ lục 41,9 nhân dân tệ (137.000 đồng)/kg.

Wantanee Kalpravidh, giám đốc khu vực của Trung tâm khẩn cấp về dịch bệnh động vật xuyên biên giới, Liên hợp quốc, nhận định rất khó để ngăn chặn virus ASF lan rộng ở châu Á vì nạn buôn lậu các sản phẩm thịt heo ở nhiều khu vực biên giới diễn ra thường xuyên.

“Tất cả các nước trong khu vực châu Á đều có nguy cơ xảy ra dịch ASF”, bà cho biết. Tuy nhiên bà trấn an rằng dịch bệnh này không đe dọa sức khỏe cộng đồng vì virus ASF không gây nguy hại cho sức khỏe con người.

Trong khi đó, Nhật Bản vẫn đang chật vật kiểm soát dịch tả heo truyền thống CSF kể từ khi ổ dịch đầu tiên trong 26 năm qua được phát hiện ở một trang trại tỉnh Gifu vào tháng 9 năm ngoái. Kể từ đó, dịch CSF vẫn lây lan ra 7 tỉnh khác gồm Aichi, Nagano, Fukui, Mie, Osaka, Shiga và Saitama bất chấp các nỗ lực nghiêm ngặt nhằm khống chế dịch bệnh này. Khoảng 135.000 con heo đã bị tiêu hủy kể từ tháng 9 năm ngoái.

Mới đây nhất, hôm 22-9, thêm một đợt bùng phát dịch CSF xảy ra tại một trang trại heo ở TP. Ena, tỉnh Gifu, khiến nhà chức trách phải tiêu hủy 8.100 con heo.

Các ổ dịch mới liên tiếp được phát hiện cho thấy các biện pháp ngăn chặn dịch CSF bấy lâu nay không thành công. Hôm 20-9, Bộ trưởng Nông - lâm - ngư nghiệp Nhật Bản, Taku Eto, cho biết bộ này sẽ triển khai kế hoạch tiêm ngừa cho đàn heo trên cả nước.

Theo Yonhap, Reuters, Japan Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294389/cac-nuoc-chau-a-cang-thang-vi-dich-ta-heo-chau-phi.html