Các nước châu Âu chạy đua khắc phục hậu quả lũ lụt
Lũ lụt thảm khốc ở châu Âu trong tuần qua đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu và đẩy người dân rơi vào tình cảnh hỗn loạn chưa từng thấy. Các quốc gia này đang gấp rút khắc phục hậu quả của thiên tai nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng có thể xảy ra.
Theo hãng tin Reuters (Anh), hôm 20/7, các tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ và dịch vụ khẩn cấp ở Đức đã đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt. Lực lượng chức năng đang gấp rút dọn dẹp các đống đổ nát, sửa chữa đường ống và cung cấp nước uống an toàn cho người dân. Giới chức cũng triển khai xe chở vaccine lưu động đến các vùng bị tàn phá bởi lũ lụt, trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng sau thảm họa thiên tai.
Trận lũ lụt lịch sử tạiĐức vào tuần trước đã khiến ít nhất 170 người thiệt mạng, phá hủy nhiều dịch vụ thiết yếu ở những ngôi làng thuộc huyện Ahrweiler, khiến hàng nghìn cư dân sống trong cảnh ngập lụt, đổ nát, thiếu nước uống và không thể xả thải.
“Chúng tôi không có nước uống, không có điện và ga. Nhà vệ sinh cũng không xả được. Không có gì hoạt động được. Cũng không thể tắm. Tôi đã gần 80 tuổi nhưng chưa từng trải qua bất kỳ tình cảnh nào như thế này”, Ursula Schuch, một dân làng cho biết.
Không ai có thể ngờ rằng ở một nơi thịnh vượng tại một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, người dân lại phải đối mặt với tình cảnh hỗn loạn như vậy. Đặc biệt, rất ít người có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa virus trong hoàn cảnh này. Do đó, kế hoạch tiêm chủng lưu động đã được triển khai trong khu vực.
Olav Kullak, Giám đốc Điều phối vaccine trong khu vực cho biết: "Mọi thứ đã bị phá hủy trong nước lũ, chứ không phải virus. Do mọi người phải cùng nhau khắc phục hậu quả của lũ lụt, không thể tuân thủ bất kỳ quy tắc phòng dịch nào, nên ít nhất chúng tôi phải nỗ lực bảo vệ họ tốt nhất bằng việc tiêm chủng”.
Chi phí khắc phục thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong gần 60 năm ở Đức ước tính sẽ đè nặng lên chính phủ. Theo các chuyên gia, ngoài những chi tiêu chưa từng có cho các biện pháp cứu trợ đại dịch COVID-19, chi phí khắc phục hậu quả lũ lụt chắc chắn lên đến hàng tỷ USD.
Trong kế hoạch cứu trợ ngay lập tức, chính phủ liên bang dự kiến cung cấp 235,5 triệu USD viện trợ khẩn cấp để sửa chữa các tòa nhà và cơ sở hạ tầng địa phương bị hư hỏng, đồng thời giúp đỡ người dân trong tình huống khủng hoảng.
Tại Bỉ, tình hình đang dần được cải thiện trên khắp đất nước và các khu vực bị lũ lụt đã “thoát khỏi tình trạng nguy hiểm”. Trung tâm chống khủng hoảng liên bang Bỉ cho biết công tác tìm kiếm nạn nhân vẫn tiếp tục và mối quan tâm lớn nhất lúc này là thiếu nước sinh hoạt ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo trung tâm, ít nhất 31 người đã thiệt mạng và hàng trăm người đang mất tích.
Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Bỉ vẫn đang tiến hành tìm kiếm những người mất tích ở một số khu vực. Để hỗ trợ những người bị nạn, người dân trên khắp nước Bỉ đã gửi tiền, quần áo, đồ ăn tới hỗ trợ. Nhiều gia đình thậm chí đã đón tiếp những người có nhà cửa bị hư hỏng đến tá túc nhờ.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối với chính quyền các địa phương hiện nay là xử lý hàng tấn rác thải tích tụ sau trận lũ lụt lịch sử. Hầu hết các nơi đang cố gắng thu gom lượng rác thải khổng lồ, nhất là các máy tính, thiết bị điện tử bị hư hỏng.
Lũ lụt kinh hoàng xảy ra sau khi các khu vực ở Tây Âu hứng lượng mưa lịch sử. Những trận mưa như trút nước đã dẫn đến lũ quét cực đoan, với mực nước dâng cao trong vòng vài phút. Áo, Hà Lan, Pháp, Thụy Sĩ cũng đã bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt tồi tệ nhất ở châu Âu này.
Nhà thủy văn học người Đức Kai Schroeter cho rằng châu Âu đã nhiều lần trải qua lũ lụt nghiêm trọng trước đó, nhưng lũ lụt tuần này là “đặc biệt về cả lượng nước và sức phá hủy”.
Một số chuyên gia cũng đã chỉ ra mối nguy hiểm của quy hoạch đô thị kém và tình trạng bê tông hóa tại các khu vực đông dân cư, công nghiệp hóa nặng ở châu Âu. Khi mặt đất bị bê tông che kín, đất sẽ kém hấp thụ nước, làm tăng nguy cơ ngập lụt.
Ngoài ra, các khu vực bị ảnh hưởng chứng kiến lượng mưa cao bất thường trong những tuần gần đây, cho thấy đất đã bão hòa và không thể hấp thụ lượng nước dư thừa.