Các nước đang phát triển và mới nổi cần 2.400 tỷ USD/năm để ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo tờ SCMP, đến năm 2030, các nước đang phát triển và mới nổi (không bao gồm Trung Quốc) mỗi năm cần khoảng 2.400 tỷ USD để triển khai hành động giảm phát thải và ứng phó với tác động do Trái Đất nóng lên gây ra.

Biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, các nước đang phát triển và mới nổi cần 2.400 tỷ USD/năm để ứng phó với biến đổi khí hậu. (Nguồn: blueandgreentomorrow)

Biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, các nước đang phát triển và mới nổi cần 2.400 tỷ USD/năm để ứng phó với biến đổi khí hậu. (Nguồn: blueandgreentomorrow)

Ngày 8/11, báo cáo Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) do nước chủ nhà Ai Cập và nước chủ nhà COP26 là Anh ủy quyền đã được công bố.

Báo cáo nhấn mạnh, 1.000 tỷ USD nên được huy động từ bên ngoài bao gồm các nước giàu có, các nhà đầu tư và các ngân hàng phát triển đa phương…1.400 tỷ USD còn lại cần phải đến từ các nguồn tư nhân và công của những nước này.

Hiện nay, đầu tư trên phương diện ứng phó biến đổi khí hậu của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi chỉ khoảng 500 tỷ USD. Báo cáo cho rằng, đối với việc phục hồi thiên nhiên và đất đai của các nước đang phát triển và mới nổi, cũng như ngăn chặn và ứng phó với những tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây nên, nguồn tài chính mới đóng vai trò rất quan trọng.

Nicholas Stern, một trong những người chắp bút Báo cáo, nói rằng: “Dự đoán, cơ sở hạ tầng và tăng trưởng tiêu thụ năng lượng trong 10 năm tới phần lớn sẽ tập trung ở các nước đang phát triển và mới nổi. Nếu những nước này tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và phát thải khí nhà kính, thì thế giới sẽ không thể tránh khỏi biến đổi khí hậu nguy hiểm, các nước giàu có và các nước nghèo đều sẽ có hàng tỷ sinh mệnh và sinh kế bị hủy diệt”.

Tài chính khí hậu là một trong những trọng điểm của Hội nghị khí hậu lần này. Báo cáo kêu gọi chính phủ các nước phát triển nâng quy mô viện trợ khí hậu và các khoản vay lãi suất thấp từ 30 tỷ USD/năm hiện nay lên 60 tỷ USD/năm trước năm 2025.

Chuyên gia Nicholas Stern nhấn mạnh, các nước giàu có nên nhận thức được rằng, đầu tư vào hành động khí hậu của các nước đang phát triển và mới nổi không chỉ phù hợp với lợi ích thiết thực của họ, mà còn liên quan đến sự công bằng.

Ngày 7/11, Đức tuyên bố cung cấp 170 triệu Euro (170,4 triệu USD) cho dự án Global Shield (Lá chắn toàn cầu) của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm 20 nước dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu (V20), giúp những nước dễ bị tổn thương ngăn chặn, hạ thấp tổn thất và thiệt hại có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Trong cùng ngày, Bỉ cũng cam kết cung cấp 2,5 triệu Euro để hỗ trợ quốc gia châu Phi Mozambique ứng phó với những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây nên.

Hà Lan cũng tăng tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển lên 1,8 tỷ Euro/năm, cao hơn khoảng 50% so với năm 2021.

Mặc dù, quy mô những khoản viện trợ này tương đối nhỏ, nhưng có ý nghĩa biểu tượng quan trọng. Trước đó, chỉ có Scotland, Đan Mạch và vùng Wallonie của Bỉ cam kết tài trợ cho những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây nên.

Justicia Ambiental, người phát ngôn của Tổ chức bảo vệ môi trường Mozambique nhấn mạnh, cam kết của Bỉ chỉ là “hành động riêng lẻ nổi lên trong biển cả không hành động của thế giới phương Bắc”, thế giới cần phương án giải quyết rộng hơn, có hệ thống.

Ngoài ra, trong ngày 7/11, hơn 20 nước đã tuyên bố khởi động “Quan hệ đối tác lãnh đạo về rừng và khí hậu”. Tổ chức mới này nhằm bảo đảm các nước tuân thủ cam kết chấm dứt nạn phá rừng trước năm 2030, đồng thời phân bổ hàng tỷ USD để tài trợ cho những nỗ lực về phương diện này.

Tại Hội nghị khí hậu COP26, lãnh đạo của hơn 140 quốc gia đã đưa ra cam kết chấm dứt nạn phá rừng trước năm 2030, nhưng đến nay chỉ có một số ít quốc gia ban hành chính sách cứng rắn hơn đối với nạn phá rừng.

Theo Chủ tịch hội nghị COP26 Alok Sharma, quan hệ đối tác này là một bước quan trọng của việc thực hiện tập thể lời hứa, đồng thời giúp bảo đảm mục tiêu kiểm soát mức độ nóng lên toàn cầu ở 1,5 độ C vẫn có thể thực hiện.

Ngày 7/11, Đức cam kết, đến năm 2025 sẽ tăng mạnh tài trợ rừng lên 2 tỷ Euro. Trong một động thái tương tự, Colombia cho biết sẽ đầu tư 200 triệu USD/năm để cứu rừng nhiệt đới Amazon trong 20 năm tới, đồng thời kêu gọi các nước khác cũng đóng góp vào việc bảo vệ rừng.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-nuoc-dang-phat-trien-va-moi-noi-can-2400-ty-usdnam-de-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-205332.html